Lao động Việt Nam được thăng chức nhanh trong khu vực Đông Nam Á

Theo kết quả khảo sát trong quí 4-2016 của tập đoàn SEEK Asia, lao động Việt Nam có thời gian thăng chức nhanh hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, một lao động Việt Nam chỉ cần 2,3 năm (28 tháng) để được thăng chức, trong khi đó lao động ở các nước khác thời gian trung bình để được thăng chức là 2,75 năm (33 tháng).

Việc người quản lý trực tiếp thích người lao động được cho là một trong các yếu tố giúp người lao động được thăng chức. Ảnh: JobStreet.com

Tập đoàn SEEK Asia, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp tuyển dụng tại châu Á vừa công bố báo cáo thăng tiến 2017 nhằm nhìn lại chính sách thăng tiến trong công việc cũng như các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chính sách này. Báo cáo khảo sát tổng cộng 10.389 nhân viên và 518 nhà tuyển dụng từ nhiều ngành nghề khác nhau tại Hongkong, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Có một số thông tin đáng chú ý trong đợt khảo sát như: Trung bình sau mỗi lần được thăng chức, người lao động ở Việt Nam, Indonesia và Philippines có mức lương tăng cao nhất, với tỷ lệ 20-24%. Người lao động ở Hongkong, Singapore, Malaysia và Thái Lan có mức lương được tăng sau khi thăng chức trung bình là 14-17%. Có đến 41% người tham gia khảo sát đã không nhận được bất kỳ quyền lợi nào kèm theo sau khi thăng chức; trong đó có các lao động ở Singapore, Hongkong và Thái Lan.

Tốp 3 phúc lợi phổ biến nhất mà lao động Việt Nam nhận được sau khi thăng chức là những khoản trợ cấp (54%), kế đến là thưởng theo hiệu quả làm việc (31%) và được nâng cấp chương trình chăm sóc y tế (18%). Đối với việc hỗ trợ mua nhà, xe hay cổ phiếu của công ty, hiện tại chỉ có dưới 6% người lao động được hưởng những phúc lợi cao cấp này.

Ngoài ra, báo cáo cho biết việc không nhất quán và minh bạch trong quy trình, quyết định thăng tiến ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt nhân viên hiện tại và người lao động trên thị trường nói chung. Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, những điểm “chưa tốt” này có thể có ảnh hưởng nhiều hơn dự tính và làm các nhân tài ái ngại khi lựa chọn gia nhập công ty.

Hiện tại, theo thang điểm của cuộc khảo sát thì các lao động dù được thăng chức hay chưa được thăng chức cũng có khuynh hướng “sẵn sàng rời bỏ” công ty thay vì “trung thành” với công ty. Thái độ của người lao động Việt Nam đối với công ty không được tốt.

Theo khảo sát về "Tốp 10 những doanh nghiệp được khao khát nhất Việt Nam” do Jobstreet.com Việt Nam thực hiện trước đây, việc “được thăng tiến trong công việc” là một trong những yếu tố hàng đầu thu hút người lao động. Vì thế, đây là điều mà các công ty có thể tận dụng để xây dựng thương hiệu tuyển dụng nhằm thu hút và giữ nhân tài.

Theo báo cáo này, yếu tố hàng đầu để được thăng chức là nhận được sự đánh giá cao về năng lực. Tuy nhiên, người lao động lại cho rằng nếu có quan hệ tốt có thể tác động đến sự cân nhắc của lãnh đạo, hay may mắn cũng là một yếu tố góp phần cho việc được thăng chức.

Các chuyên gia Jobstreet.com Việt Nam cho rằng: Nhà tuyển dụng cần tạo lộ trình rõ ràng, minh bạch cho tất cả những vị trí trong công ty, đặc biệt là các vai trò chiến lược ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, để thu hút những nhân tài phù hợp.

SEEK Asia là công ty “mẹ” của JobStreet.com Việt Nam.

Chí Thịnh

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159310/lao-dong-viet-nam-duoc-thang-chuc-nhanh-trong-khu-vuc-dong-nam-a.html/