Lão nông U80 và hành trình ba lần đạp xe xuyên Việt

80 tuổi với ba lần đạp xe xuyên Việt, chuyện nghe vẻ khó tin nhưng đó lại là sự thật về ông lão có nghị lực phi thường.

Khi còn là người lính cảm tử, hoạt động ở Sài Gòn, chiến sỹ Chu Văn Xuất đã từng đạp xe đi bán kem, bán bánh mì... để che mắt địch. 53 năm sau, khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, lão nông Chu Văn Xuất luôn ấp ủ khát khao được đạp xe về thăm lại chiến trường xưa, nơi mình từng hoạt động cách mạng.

Ông Chu Văn Xuất đã ba lần đạp xe xuyên Việt.

Nửa thế kỷ “nuôi dưỡng” một giấc mơ

Ông Chu Văn Xuất sinh năm 1929, quê ở thôn Cát Động, xã Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Năm 12 tuổi, ông theo người thân vào Sài Gòn sinh sống. Tuổi thơ của ông gắn liền với cảnh người dân Việt bị giặc ngoại xâm bóc lột, đàn áp. Năm 17 tuổi, chàng thanh niên tên Xuất xin vào đội quân cảm tử Sài Gòn, rồi hai năm sau, năm 1949 chuyển sang tham gia biệt động tại Sài Gòn.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Xuất hồ hởi kể: “Năm ấy tôi vừa tròn 17 tuổi, tham gia vào đội cảm tử quân. Ngày ngày tôi phải đạp xe lòng vòng quanh Sài Gòn giả vờ đi bán kem, bán bánh mì… để đi qua các cơ quan của địch nghe ngóng tình hình. Khi đó, ước tính, mỗi ngày tôi phải đến gần 100km”.

Một lần trong lúc đang nắm tình hình địch, chiến sỹ biệt động Chu Văn Xuất bị địch bắt giữ và bị giam tại nhà tù Khám Lớn – Sài Gòn. Trước những đòn roi tra tấn dã man, người chiến sỹ cảm tử quân này vẫn son sắc một lời thề với đất nước. Trong bốn năm, ông Xuất và đồng đội bị địch chuyển đi hàng chục nhà tù, phải chịu bao nhiêu nhục hình tra tấn của địch. Đến năm 1954, Việt Nam và thực dân Pháp ký hiệp định Geneve, những tù binh bị bắt trong chiến tranh được hai bên trao trả. Chiến sỹ Chu Văn Xuất được trả tự do, ông trở về quê làm công nhân ở nhà máy gạch.

Nửa thế kỷ trôi qua, khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Xuất vẫn khát khao cháy bỏng thực hiện hơn 50 năm trước. ông thầm nghĩ: “Trước đây làm cách mạng, hàng ngày mình đạp xe gần 100km để che mắt địch. Từ Hà Nội vào Sài Gòn cũng chỉ hơn 1.000 cây số tại sao mình lại không thể đi được”. Thế là, khi ba người con của ông đã ổn định gia thất, năm 1999, ông Xuất quyết định đạp xe xuyên Việt lần thứ nhất từ Hà Tây (cũ) đi Đà Nẵng; lần thứ hai năm 2000, từ Hà Tây (cũ) đi TP. HCM. Chưa thỏa ước nguyện, lần thứ ba, năm 2002 ông quyết lên tận cửa khẩu Lạng Sơn thực hiện hành trình đạp xe tới mũi Cà Mau.

Xuyên Việt bằng xe đạp cà tàng

Biết trước rằng gia đình sẽ ngăn cản, ông Xuất quyết giấu vợ và các con để thực hiện chuyến hành trình Bắc – Nam bằng xe đạp. Trước khi đi, ông viết một lá đơn, trình bày lý do đi xuyên Việt. Tất nhiên lá đơn này ông không cho ai biết, cũng không cần đóng dấu của chính quyền xã. Vì ông thầm nghĩ, nếu mang lên xã đóng dấu thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ đồng ý cho đi. Hành trang xuyên Việt của ông lão là hai bộ quần áo, một lá cờ tổ quốc nhỏ và một cuốn sổ “nhật ký xuyên Việt”.

Cuốn “nhật ký xuyên Việt” được ông Xuất và gia đình coi như vật báu trong nhà.

Lần đầu thực hiện chuyến đi mạo hiểm, ông Chu Văn Xuất phải bí mật, lặng lẽ xuất phát từ 2h sáng. Ông đạp xe ra Quốc lộ 1A rồi cứ thế “Nam tiến”. Sau vài ngày đạp xe, đến Huế ông mới báo tin cho nhà biết. Theo lời kể của bà Hà Thị Tâm (vợ ông), trước đó mấy ngày không biết ông đi đâu, con cháu đã đi khắp nơi để tìm, thậm chí còn đưa lên loa xã để “tìm người lạc”.

Ngày đi đêm nghỉ, mỗi ngày ông Xuất đạp xe trung bình được khoảng 60 km. Mỗi ngày cuốn “nhật ký xuyên Việt” lại càng dày thêm bởi những lời viết khâm phục ý chí của ông. Đi đến đâu, ông Xuất đều xin đóng dấu xác nhận nơi đã đi qua. Theo ông, chuyến đi thứ nhất không thành công vì khi ông đi đến Đà Nẵng thì gặp bão. Chiếc xe đạp cà tàng của ông không thể lội qua được hàng chục km nước ngập sâu đến hơn 1 m. Thế là ông phải ở lại Đà Nẵng, điện về cho các con gửi tiền để ông bắt tàu hỏa vào Nam chơi với người thân.

Lòng phơi phới trên những chuyến đi

Ông Xuất tâm sự: “Mệt thì có mệt, nguy hiểm thì có nguy hiểm nhưng mỗi khi đi qua một vùng đất, vùng quê, thành phố, tôi thấy lòng mình phơi phới trở lại, quên hết cả mệt mỏi. Khi đến Sài Gòn, tôi đã khóc vì cảm thấy mình như được trở lại quê hương vậy”.

Chuyến hành trình xuyên Việt bằng xe đạp lần thứ hai của ông Xuất là năm 2000. Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác Hồ, 25 năm ngày Giải phóng miền Nam, 2h sáng 20/4/2000, ông Xuất lại lẳng lặng khăn gói cùng “con ngựa sắt” cũ kĩ lên đường.

Cuốn “nhật ký xuyên Việt” thứ hai lại hình thành. Đi đến đâu, chính cuốn nhật ký và tờ đơn mà lần trước ông làm chính là “bùa hộ mệnh” giúp ông có nơi ăn chốn ngủ. Mỗi khi qua một xã, một huyện lại là một con dấu “thông quan”. Cuốn nhật ký thứ hai lại đầy ắp những lời tâm sự, những lời thán phục của những người ông gặp trong suốt hành trình. Chuyến hành trình lần hai này nối Hà Tây (cũ) với TP.HCM. Một nơi ông được sinh ra và một nơi ghi lại nhiều kỷ niệm thời ông từng hoạt cộng cách mạng.

Sau khi đã hoàn thành chuyến hành trình thứ hai, tưởng rằng ông Chu Văn Xuất sẽ an phận tuổi già, vui vầy cùng con cháu. Nhưng lão ông “tham lam” này chưa thỏa ước nguyện, ông muốn đạp xe từ nơi địa đầu tổ quốc đến mũi Cà Mau. Năm 2002, ông quyết định thực hiện cuộc hành trình thứ ba. Giống như hai lần trước, 2h sáng 24/12/2002, ông Chu Văn Xuất khởi hành từ Thanh Oai – Hà Tây lên cửa khẩu Hữu Nghị Quan – Lạng Sơn.

Ông Xuất còn nhớ như in từng kỷ niệm trong chuyến hành trình. ông nhớ rõ đến nỗi những lời kể của ông như ngòi bút vẽ ra trước mắt chúng tôi cảnh tượng thật lúc bấy giờ. Tất cả những câu chuyện thú vị về 56 ngày đêm đạp xe và 72 lần nghỉ chân tại các điểm trên đường đi được ông ghi lại vào cuốn nhật ký xuyên Việt thứ ba.

Trang cuối trong cuốn sổ “nhật ký xuyên Việt” lần thứ ba, Trung Tướng Hà Ngọc Tiếu, nguyên lãnh đạo trường Cục cảnh sát, bộ Nội vụ, trước đây là thủ trưởng của đội quyết tử ghi: “Là một người trong liên quân quyết tử Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi rất hoan nghênh bác Xuất. Nếu không bất ngờ bị xuất huyết não, bại liệt tay chân thì tôi cũng theo bác Xuất đi suốt Bắc - Nam một lần. Rất tiếc tôi không còn dịp nào nữa. Xin cảm ơn bác”. Trong ánh mắt đượm buồn, ông Xuất bảo: “Tiếc là ông Tiếu, thủ trưởng của tôi đã mất năm 2006 rồi”.

Đã bước sang tuổi 85, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hàng ngày, ông Chu Văn Xuất vẫn đạp xe đi khắp làng trên xóm dưới để thăm bạn hữu. ông Xuất còn minh mẫn lắm. Một người cháu ngoại của ông cho biết, ông vẫn thường xuyên dùng chiếc xe đạp mà 10 năm trước đây đi xuyên Việt đạp xe ra Hà Nội thăm người thân. Thậm chí mới đây, một mình ông Xuất còn đạp xe lên Bắc Giang chơi với bà con trên đó.

Những kỷ niệm không bao giờ quên

“Lúc tôi ở Lạng Sơn, trời xuống 00C, có mưa tuyết. Tôi không thể tiếp tục chuyến hành trình trong điều kiện thời tiết như thế vậy nên vào nhà một người dân tộc xin sưởi nhờ nửa ngày. Sau đó hết mưa tuyết, tôi lại tiếp tục hành quân. Tôi ngủ “vạ” ở đèo Hải Vân do kiệt sức không lên được đèo. Hay lần ở đồn Biên Phòng Đèo Cả (Khánh Hòa), tôi đến xin ngủ nhờ gọi mãi chẳng thấy ai. Tôi chỉ thấy đàn chó khoảng 30 con chạy ra vây quanh. Điều lạ là chúng chỉ vây tròn chứ không cắn. Lúc ấy tôi hoảng quá, may mắn là lát sau có anh lính chạy ra giải cứu…” – ông Xuất kể.

Văn Chương

Xem thêm Clip: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải nguyên nhân bỏ điểm sàn

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/lao-nong-u80-va-hanh-trinh-ba-lan-dap-xe-xuyen-viet-a131300.html