Lập chợ cho người bán hàng rong

SGTT - Trong chiến lược quốc gia Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, TP.HCM và Hà Nội được giao thí điểm các mô hình thức ăn đường phố. Ngày 27.5, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết, TP.HCM đã tổ chức được mô hình “thức ăn đường phố tập trung” tại năm khu vực, như chợ đêm Bến Thành quận 1, khu vực Hải Thượng Lãn Ông, đường Trần Hưng Đạo quận 5 (khu vực người Hoa)…

Theo kế hoạch, tới đây hàng rong ở TP.HCM sẽ được bán tập trung. Ảnh: Lê Hồng Thái Mô hình này nhằm mục đích tập trung các dịch vụ buôn bán hàng rong, hàng ăn vào một khu vực để dễ quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Y tế TP.HCM sẽ tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục triển khai mở rộng mô hình tập trung hàng rong tại một điểm và hỗ trợ ngân sách để quận – huyện thực hiện tốt chương trình này bằng kinh phí chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Những người buôn bán hàng rong sẽ không phải trả tiền mặt bằng, họ sẽ có đủ nước để rửa vật dụng đựng thức ăn, hệ thống thoát nước sạch sẽ… Ông Hòa cũng cho hay UBND TP.HCM sẽ trình đề án xây dựng mô hình điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn giai đoạn 2011 – 2015. Từ năm 2009 đến nay, sở Y tế TP.HCM đã kết hợp với nhiều sở ngành cùng với các tỉnh lẻ để có cơ chế quản lý thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến sản phẩm bán ăn, với những chuỗi trái cây, cá, rau sạch chất lượng. Do đặc thù của nước ta là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc quản lý chất lượng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm thực hiện chuỗi mới chưa nhiều. Bà Nguyễn Thị Khánh Trâm, cục phó cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bộ Y tế, cho biết bộ Y tế được giao nhiệm vụ soạn thảo đề án chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2015. Ngày mai, bộ sẽ họp lần đầu xung quanh về việc này. Hiện nay, an toàn thực phẩm đang nóng nhưng phải giải quyết từ từ. Vấn đề an toàn thực phẩm có rất nhiều vấn đề như thực phẩm, kiểm nghiệm, chất lượng… nên không phải lúc nào nhân lực, kỹ thuật cũng đủ để làm. Do đó, cục phải xem xét để làm sao giải quyết các vấn đề một cách đồng bộ. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ triển khai áp dụng mô hình điểm về thức ăn đường phố tại các quận, thị xã của thành phố giai đoạn 2011 – 2015. Đề án này sẽ do UBND thành phố Hà Nội soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2010. Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2010 phấn đấu 80% số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng hiểu biết đúng về an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm... cung cấp bộ xét nghiệm nhanh cho 100% trung tâm y tế các quận, huyện, thị trấn; xây dựng mô hình điểm an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố ở 58 phường, thị trấn trên địa bàn.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/thoi-su/122953/lap-cho-cho-nguoi-ban-hang-rong.html