Lập lại văn minh đô thị: Cần xử lý dứt điểm 'xe dù, bến lậu'

Trong những vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thì vấn nạn 'xe dù, bến cóc' (xe khách trá hình và bến xe khách lậu) đã diễn ra lâu nay và ngày càng bùng phát. Đáng tiếc là các cơ quan chức năng chưa quan tâm xử lý triệt để vấn nạn này khiến nhân dân vô cùng bức xúc.

Thành phố đã cấm xe trên 25 chỗ ngồi đi vào đường Lê Hồng Phong từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày, nhưng vẫn có xe đi vào đón khách tại văn phòng.

TP.Hồ Chí Minh đang đi đầu trong việc quyết liệt lập lại văn minh đô thị, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống tắc đường. Đây là chủ trương là hoàn toàn đúng đắn, được đông đảo du khách và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, trong những vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thì vấn nạn “xe dù, bến cóc” (xe khách trá hình và bến xe khách lậu) đã diễn ra lâu nay và ngày càng bùng phát. Đáng tiếc là các cơ quan chức năng chưa quan tâm xử lý triệt để vấn nạn này khiến nhân dân vô cùng bức xúc, vì “xe dù, bến lậu” không chỉ gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông, mà còn trốn tránh các loại thuế, phí làm thất thu rất lớn ngân sách nhà nước, đồng thời phá vỡ trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà xe làm ăn chân chính...

Xe Thành Bưởi thường xuyên đỗ trên đường Trần Phú và quanh khu vực “bến lậu” để chờ khách đi Đà Lạt với tần suất khoảng 30 phút/chuyến

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương, trong đó có TP.Hồ Chí Minh phải tăng cường kiểm tra và xử lý dứt điểm nạn “xe dù, bến lậu”; các báo, đài cũng liên tục phản ánh và rất nhiều cử tri, các doanh nghiệp vận tải cùng đại biểu HĐND thành phố đã kiến nghị xử lý nghiêm vấn nạn này.

Với quan điểm nghiêm túc và quyết liệt, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đã nhiều lần chỉ đạo Sở GTVT phải chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm nạn “xe dù, bến lậu” trước ngày 31.12.2016; riêng với “bến lậu” của nhà xe Thành Bưởi tại 419 Lê Hồng Phong, quận 10 (do Công ty cổ phần giày Sài Gòn cho thuê đất của Nhà nước trái phép) phải dẹp ngay trong tháng 8.2016. Thế nhưng đến nay “xe dù, bến lậu” trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh vẫn không bị dẹp mà trái lại còn hoạt động ngày càng tinh vi.

Hoạt động của “bến lậu” Thành Bưởi trong khuôn viên Công ty cổ phần Giày Sài Gòn ở số 419 Lê Hồng Phong (quận 10) vẫn ngang nhiên diễn ra dù lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo phải dẹp bến lậu này trong tháng 8.2016.

Năm 2016 đã trôi qua hơn 2 tháng. Các cơ quan báo chí và cử tri rất thất vọng vì đã quá thời hạn từ lâu mà “xe dù, bến lậu” vẫn chưa dẹp được, chứng tỏ kỷ cương phép nước chưa được thực hiện nghiêm túc. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nắm rõ thực tế này và ngày 8.2 vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo quận 1, ông tiếp tục khẳng định: “Dứt khoát phải xử lý hết bến cóc, xe dù... Tình trạng bến cóc, xe dù trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đang gây phiền lòng người dân ghê gớm lắm”.

Song, trong khi Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh thẳng thắn nhìn nhận và bày tỏ quyết tâm như vậy, thì điều khiến dư luận thêm bất bình là vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố về xử lý “xe dù, bến lậu” lại báo cáo rằng: Trên địa bàn thành phố đã cơ bản hết xe dù, bến cóc (?). Nghe xong báo cáo này, chính Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Cường đã phải chất vấn lại: “Trên địa bàn thành phố mà cơ bản không còn xe dù, bến cóc thì 86 điểm đón trả khách là cái gì? Có phải xe dù, bến cóc đã được nâng lên tầm cao mới? Không còn xe dù, vậy có phải xe khách trá hình không?”.

Để công luận hiểu rõ thực trạng về “xe dù, bến lậu” trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, các phóng viên vừa tiến hành khảo sát và ghi lại được rất nhiều hình ảnh rõ ràng về hoạt động của xe khách trá hình hay còn gọi là “xe dù, bến lậu”. Có thể khẳng định, tình trạng xe ô tô đăng ký chở khách theo hợp đồng nhưng hoạt động trá hình, chở khách theo tuyến cố định đang rất phổ biến và hoạt động đón trả khách trái quy định trong nội thành vẫn ngang nhiên diễn ra, đặc biệt là trên địa bàn quận 5, quận 10.

Những hình ảnh đăng kèm bài viết này được các phóng viên chụp sau 3 tuần kể từ khi Đoàn thanh tra liên ngành báo cáo với Giám đốc Sở GTVT là toàn thành phố đã cơ bản hết “xe dù, bến lậu”.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao các lãnh đạo đứng đầu Thành ủy, UBND thành phố đã nhiều lần chỉ đạo kiên quyết mà các cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm được vấn nạn “xe dù, bến lậu”? Vì sao nhiều doanh nghiệp vận tải tổ chức xe khách trá hình, bến xe khách lậu đã được cơ quan chức năng kết luận rõ ràng sai phạm nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp chỉ đạo “phải xử lý dứt điểm” của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố? Nội dung báo cáo “toàn thành phố đã cơ bản hết xe dù, bến lậu” có thật sự khách quan? Có hay không tình trạng “bảo kê”, bao che cho “xe dù, bến lậu”?...

Được biết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký Công văn số 1288/VPCP-ĐMDN đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh xem xét, xử lý và trả lời các doanh nghiệp vận tải tại về việc thời gian qua các cơ quan chức năng của TP chưa xử lý nghiêm những vi phạm của xe khách trá hình và bến xe khách lậu trên địa bàn, khiến dư luận nhân dân bất bình, bức xúc.

Thiết nghĩ, để không còn tình trạng “chây ỳ” trong xử lý nạn “xe dù, bến lậu”, TP.Hồ Chí Minh cần quy trách nhiệm rõ ràng cho cán bộ phụ trách địa bàn và lĩnh vực, nghiêm túc kiểm điểm người đứng đầu nếu còn “xe dù, bến lậu” trên địa bàn. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng “cấp trên quyết liệt, cấp dưới thản nhiên” khiến nhân dân mất niềm tin vào kỷ cương phép nước.

Công văn của Văn phòng Chính phủ đề nghị TP.Hồ Chí Minh xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến lậu”

Xe trung chuyển của nhà xe Thành Bưởi đưa đón khách ra đi xe hợp đồng không đúng quy định, vì xe trung chuyển chỉ được chở khách ra bến xe đi tuyến cố định

Xe hợp đồng trá hình của nhà xe Thành Bưởi chạy lòng vòng trên các phố để chờ đón khách đi Đà Lạt (ảnh chụp trên đường Hùng Vương)

Nhà xe Thịnh Phát chạy tuyến TP.Hồ Chí Minh – Bến Tre thường xuyên đón khách trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 5

Nhà xe Thảo Châu chạy tuyến TP.Hồ Chí Minh - Bến Tre cũng thường xuyên đón khách tại văn phòng ở 70B đường Hùng Vương, quận 5

Nhà xe Hùng Hiếu gắn phù hiệu xe hợp đồng nhưng ngang nhiên treo biển đi Mỹ Tho như xe khách tuyến cố định, chạy vào đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) đón khách

Hai chiếc xe hợp đồng Hoàng Khải và Duy Quý dừng đón khách trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5

Nhà xe Hùng Cường chạy tuyến TP.Hồ Chí Minh – An Giang thường xuyên chạy lòng vòng trên các tuyến đường ở quận 5 đón khách, gây ùn tắc giao thông

Xe Cúc Phương cũng thường xuyên vào các tuyến đường quận 5 đón khách đi Long Khánh, Đồng Nai

Dàn xe của nhà xe Kim Hoàng thường xuyên chờ đón khách trên đường Trần Phú, quận 5

Nhà xe Phú Vĩnh Long chạy tuyến TP.Hồ Chí Minh – Vĩnh Long ngang nhiên đón khách trái phép trên đường 3-2, quận 10

Xe của 2 hãng Minh Tâm và Thịnh Phát cùng chạy tuyến TP.Hồ Chí Minh – Bến Tre thường xuyên vào đường Sư Vạn Hạnh, quận 5 đón khách

Nhiều xe hợp đồng trá hình vào trung tâm thành phố đón trả khách gây ách tắc giao thông (ảnh chụp trên đường Võ Văn Tần)

Những chiếc xe Limousine 9 chỗ ngồi đăng ký chạy hợp đồng “tung hoành” khắp nơi trong thành phố để đón khách đi tuyến cố định

Xe của hãng Tân Thanh Thủy chạy tuyến TP.Hồ Chí Minh – Trà Vinh vòng vào đường Trần Phú (quận 5) gây ùn tắc giao thông

Xe đăng ký hợp đồng nhưng chở khách tuyến cố định, vừa đi vừa mời khách là cảnh thường thấy trên các tuyến đường cửa ngõ thành phố

Và đây là hình ảnh nhân viên nhà xe Toàn Thắng thu tiền trực tiếp của từng khách lẻ đi trên xe hợp đồng trái quy định trên tuyến TP.Hồ Chí Minh – Vũng Tàu

Trong khi “xe dù, bến cóc” hoạt động tấp nập trong nội thành, thì bến xe Miền Đông lại vắng vẻ vì ít xe vào đây. Điều này cho thấy hoạt động vận tải khách ở TP.Hồ Chí Minh có nhiều bất cập

Ngày 22.2 vừa qua, UBND quận 10 tiếp tục có công văn trả lời Đường dây nóng của lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh rằng: Hiện tại Công ty TNHH Thành Bưởi làm bãi đỗ xe tại 419 đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10 là không đúng với “Phương án kinh doanh” của công ty này xây dựng. Hoạt động bến xe, bãi đỗ xe tại số 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10, không được UBND Thành phố và UBND quận 10 quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, nên có dấu hiệu vi phạm kinh doanh Bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ “không theo quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (quy định tại Điều 14 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP). UBND quận 10 kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn (Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố…) tiếp tục kiểm tra và làm rõ dấu hiệu vi phạm kinh doanh Bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ “không theo quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Công ty TNHH Thành Bưởi.

Như vậy, UBND quận 10 đã nhiều lần kiểm tra và đều kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những sai phạm về kinh doanh bãi đỗ xe, bến xe tại số 419 Lê Hồng Phong, quận 10. Các lãnh đạo cao nhất của TP.Hồ Chí Minh cũng nhiều lần chỉ đạo dẹp “bến lậu” này. Thế nhưng không hiểu vì sao đến nay mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ” khiến nhân dân nghi ngờ có sự “bảo kê”, tiêu cực. Các chuyên gia trong lĩnh vực GTVT cho rằng: Nếu TP.Hồ Chí Minh không xử lý được vi phạm về hoạt động xe khách trá hình và bến xe khách lậu tại 419 Lê Hồng Phong, quận 10 để làm gương thì rất khó có thể xử lý dứt điểm nạn “xe khách trá hình, bến lậu”.

Cường Lâm - Quang Sơn

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-c-96/lap-lai-van-minh-do-thi-can-xu-ly-dut-diem-xe-du-ben-lau-58534.html