Lập Thạch đẩy mạnh phát triển và bảo vệ rừng

Thời gian qua, huyện Lập Thạch đã tích cực chỉ đạo triển khai, hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo cho người dân có thể làm giàu từ rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lập Thạch tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lập Thạch tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Huyện Lập Thạch hiện có trên 4.200ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó rừng phòng hộ chiếm trên 430ha, còn lại là rừng sản xuất. Để công tác phát triển và bảo vệ rừng ngày càng bền vững, huyện Lập Thạch luôn bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bám rừng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế từ nghề rừng.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng tập trung chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ rừng.

Để nâng cao chất lượng giống cây rừng, công tác quản lý giống cây lâm nghiệp luôn được huyện và các cơ quan chức năng quan tâm. Hiện trên địa bàn có 5 hộ gia đình sản xuất giống cây lâm nghiệp, 6 tháng đầu năm 2022, đã gieo ươm được 900 nghìn cây/chỉ tiêu được giao cả năm là 1 triệu cây lấy gỗ.

Việc trồng rừng tập trung được đẩy nhanh tiến độ, đến nay toàn huyện đã trồng được trên 155 ha, đạt 91,23% kế hoạch năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ; các loại cây trồng chủ yếu là Bạch đàn, Keo, Gù Hương, Long Não.

Cây phân tán đã trồng được 61 nghìn cây, đạt 93,84% kế hoạch; loại cây trồng chủ yếu là cây bóng mát, cây ăn quả và cây cảnh. Việc khoán bảo vệ rừng được đặc biệt chú trọng, Hạt Kiểm lâm đã ký hợp đồng khoán bảo vệ 382,50ha đối với các chủ rừng.

Tổng diện tích khai thác rừng trồng sản xuất và cây phân tán đạt 37,2ha, khối lượng 5.100m3 gỗ, củi 2.235ste; trong đó, thuộc phạm vi Công ty lâm nghiệp khai thác 35,7ha/3.100,5m3; hộ gia đình, rừng tập trung 18,5ha/1400m3, củi 1.500ste; cây phân tán 7,5ha/598,8ha, củi 735ste.

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện nghiêm túc, qua rà soát hiện trạng rừng, chủ rừng trên địa bàn đã được bàn giao quản lý 382,5ha.

Do nhiều yếu tố tác động, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc phối hợp giữa chủ rừng với đơn vị chức năng, chính quyền địa phương còn chưa chặt chẽ nên chưa đạt hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng.

Theo thống kê, trên địa bàn đã xảy ra 1 vụ khai thác rừng phòng hộ trái phép ở thôn Cương, xã Ngọc Mỹ, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp tốt với Công an huyện Lập Thạch xử lý vi phạm đối với hộ ông Trần Văn Mạnh, số tiền 11,5 triệu đồng; Trần Xuân Chiến 7,5 triệu đồng; tịch thu gần 2m3 gỗ muồng.

Ngoài ra còn 1 vụ làm đường trái phép trong rừng phòng hộ tại khu Núi Sáng, xã Ngọc Mỹ với chiều dài gần 2km, rộng từ 5 – 7m; đơn vị đã đề xuất với cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.

Để tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế từ rừng, Hạt Kiểm lâm Lập Thạch đã phối hợp với UBND các địa phương tổ chức hàng chục cuộc họp dân để lập phương án chuyển loại rừng. Riêng tại xã Ngọc Mỹ đã tổ chức 3 cuộc họp dân để tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng lập phương án chuyển loại rừng. Cùng chủ rừng rà soát, đối chiếu với bản đồ và thực địa.

Đến nay đã có 189 lô/77,85 ha đất rừng, trong đó 164 lô/69,57 ha của chủ rừng là hộ gia đình và 25 lô/8,28 ha do UBND xã quản lý. Đơn vị đang tiếp tục đối chiếu giữa hồ sơ giao rừng để làm rõ nguồn gốc diện tích đất thổ cư đan xen với đất rừng.

Đến nay, trên địa bàn đã có nhiều mô hình trồng rừng xen kẽ cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao, giúp tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Những mô hình này đã khuyến khích người dân thêm gắn bó, nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ rừng hơn.

Đơn cử như mô hình nông lâm kết hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Hà, xã Bắc Bình trồng xen kẽ nhiều loại cây sưa, ba kích, vải…trên diện tích 2ha rừng được giao. Với mô hình này, mỗi năm gia đình bà Hà cũng có lãi hàng trăm triệu đồng…

Để duy trì và làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm Lập Thạch tập trung đôn đốc các chủ rừng chăm sóc rừng phòng hộ năm thứ 2. Thường xuyên phối hợp với các địa phương có rừng trồng đảm bảo 100% kế hoạch trồng rừng tập trung và cây phân tán được giao trong năm.

Tích cực tham mưu cho chính quyền các cấp về các phương án phát triển, bảo vệ rừng. Chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, bảo vệ rừng; kiểm tra tình trạng sử dụng đất rừng của người dân địa phương nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm đến rừng và đất rừng. Thường xuyên hướng dẫn chủ rừng hoàn thiện phương án chuyển loại rừng để trình cấp thẩm quyền quyết định để phát triển kinh tế rừng.

Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82094/lap-thach-day-manh-phat-trien-va-bao-ve-rung.html