Laptop chơi game ngày càng “đồ sộ”: dấu ấn VR

(ĐTTD Magazine) Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế ảo, nhiều mẫu laptop chơi game đều sở hữu kích thước tổng thể lớn và khối lượng khá “nặng nề”.

Thiết kế mỏng và nhẹ tưởng chừng như là một xu thế không thể đảo ngược của các mẫu laptop trình làng từ nhiều năm nay. Từ các thế hệ Macbook trứ danh của Apple đến các sản phẩm như Microsoft Surface Book hay HP Spectre đều đi theo một hướng chung là loại bỏ ổ đọc đĩa và phần lớn các cổng kết nối không cần thiết để tối giản hóa kích thước, đồng thời sử dụng chất liệu hợp kim nhằm giúp thiết bị trở nên nhẹ nhàng hơn. Những sản phẩm này có lợi thế ở vẻ thời trang và tính di động cao, giúp người dùng dễ dàng mang theo bên mình đến bất cứ nơi đâu.

Tuy vậy, một xu hướng ngược lại vẫn được duy trì và thậm chí có phần “nở rộ” trong năm gần đây, đó là mẫu laptop gaming lại càng ngày càng có kích thước lớn và khối lượng nặng nề hơn. Điều này được lý giải là do sự phát triển của công nghệ thực tế ảo và sự phổ biến của các loại kính VR hoạt động dựa vào việc kết nối với máy tính như Oculus Rift hay HTC Vive.

Tất nhiên, các ứng dụng và game thực tế ảo vẫn có thể “chạy” khá trơn tru trên các thiết bị PC có cấu hình tầm trung, nhưng để đem lại những trải nghiệm hình ảnh và tốc độ xử lý tốt nhất, điều kiện cần thiết chắc chắn vẫn là một cỗ máy với những thông số cấu hình “khủng long”, tức là thiết bị đó phải sở hữu một vi xử lý có tốc độ siêu nhanh, dung lượng RAM thật lớn và card đồ họa đầy mạnh mẽ, đó là chưa kể đến những thành phần khác như màn hình phân giải cao hay hệ thống tản nhiệt. Việc tích hợp hàng loạt những linh kiện vào một chiếc laptop hiển nhiên dẫn đến một hệ quả là thiết bị sẽ trở nên “đồ sộ” hơn.

Một ví dụ điển hình cho xu hướng trên có thể kể đến là Origin EON17-SLX – mẫu laptop được chính nhà sản xuất quảng cáo là được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu trải nghiệm VR. Với màn hình kích thước 17,3 inch và khối lượng lên đến 4,8 kg, thiết bị này có thể giúp người dùng rèn luyện thể chất một cách đơn giản chỉ bằng bỏ nó vào ba-lô, đeo trên người và dạo qua vài con phố. Hay như Alienware 17 R3 – mẫu laptop được hãng Dell giới thiệu hồi đầu năm 2016 cũng có khối lượng lên đến 3,8 kg.

Những ví dụ khác có thể tìm thấy dễ dàng tại triển lãm CES 2017 mới diễn ra hồi tháng 01/2017 tại Las Vegas (Mỹ). Đó là mẫu laptop gaming Acer Predator 21X sở hữu màn hình có kích thước lên đến 21 inch tỷ lệ “màn hình rộng” 21:9 và khối lượng tổng thể lên đến 8,8 kg, nghĩa là gấp hơn 5 lần một chiếc Macbook Pro 13-inch. Những thông số cấu hình của Predator 21X đương nhiên rất ấn tượng, bao gồm CPU Intel Core i7-7820HK, RAM 64GB và đặc biệt 2 card đồ họa rời Nvidia GeForce GTX 1080 – biến nó trở thành mẫu laptop mạnh nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Đương nhiên, mức giá của Acer Predator 21X không hề rẻ, lên đến 9.000USD – con số khiến nó rất khó để tiếp cận, ngay cả với những game thủ chuyên nghiệp.

Hay như Razer Project Valarie – mẫu laptop độc đáo với 3 màn hình độ phân giải 4K, trong đó một màn hình chính và hai màn hình mở rộng hai bên. Điều này giúp game thủ có một không gian rộng lớn hơn để trải nghiệm các tựa game thực tế ảo, nhưng bù lại họ sẽ vẫn phải chấp nhận sở hữu một thiết bị có khối lượng lên đến 5,4kg và kích thước bề dày 3,8cm. Dù vậy, phiên bản Project Valarie được giới thiệu tại CES 2017 mới chỉ ở dạng concept và Razer vẫn chưa công bố chính xác thời điểm tung bản thương mại của thiết bị này ra thị trường.

Ngoài 2 thiết bị kể trên, đóng góp vào trào lưu laptop “to và nặng” tại CES 2017 còn có nhiều cái tên khác như MSI GT73VR 7RF Titan Pro – mẫu laptop của hãng MSI sở hữu vi xử lý Intel Core i7 Kaby Lake và card đồ họa GTX 1080; Notebook Odyssey – sản phẩm đánh dấu sự gia nhập của Samsung vào thị trường laptop gaming hay bộ đôi Legion Y720 và Y520 của Lenovo.

Theo các chuyên gia, với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong khoảng vài năm tới, các nhà sản xuất có thể tạo nên những linh kiện trên laptop như card đồ họa, RAM và vi xử lý với kích thước “gọn gàng” hơn, đồng nghĩa với việc những mẫu laptop phục vụ trải nghiệm VR có thể trở nên mỏng và nhẹ hơn so với hiện tại. Một lựa chọn khác dành cho người dùng là những mẫu kính thực tế ảo được trang bị phần cứng mạnh mẽ và có khả năng hoạt động độc lập như Qualcomm Snapdragon VR820 (sản phẩm được giới thiệu lần đầu tại IFA 2016) hay Intel Project Alloy (cũng được trình làng tại CES 2017). Tuy nhiên, cả hai sản phẩm kể trên cũng đều chưa chính thức có mặt trên thị trường, và cho đến trước khi điều đó xảy ra, những chiếc laptop “cồng kềnh” và “nặng nề” vẫn là giải pháp hoàn hảo nhất cho những ai muốn trải nghiệm những ứng dụng và game thực tế ảo.

Trúc Phong

Nguồn ĐTTD: http://dientutieudung.vn/ca-fe/laptop-choi-game-ngay-cang-do-so-dau-an-vr/