Lầu Năm Góc quyết bỏ động cơ Nga trên tên lửa Mỹ

Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định chi 536 triệu USD cho dự án phát triển động cơ tên lửa đẩy AR1 thay thế loại RD-180 mua của Nga.

Kênh TASS của Nga dẫn thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ vào đầu tuần này cho hay, Lầu Năm Góc vừa ký kết một hợp đồng mới với các công ty công nghệ Aerojet Rocketdyne và United Launch Services (ULA) nhằm phát triển động cơ thế mới để thay thế cho mẫu động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga mà Mỹ không thể thay thế trong suốt thời gian qua.

Được biết, Không quân Mỹ đã chọn mẫu động cơ đẩy AR1 do Aerojet Rocketdyne phát triển sau một cuộc đấu thầu động cơ tên lửa đẩy mới, Aerojet Rocketdyne cũng là một trong những công ty con thuộc hãng công nghệ hàng không vũ trụ Aerojet Rocketdyne Holdings có trụ sở tại tiểu bang Alabama, Mỹ.

Thông tin mẫu động cơ tên lửa đẩy AR1 được Bộ Quốc phòng Mỹ lựa chọn cũng mới được Aerojet Rocketdyne đăng tải trên website chính thức của công ty này. Và mẫu thiết kế này có thể tương thích với mọi loại bệ phóng hay tên lửa đẩy mà Mỹ sử dụng trong tương lai.

Chương trình không gian của Mỹ hiện nay quá phụ thuộc vào động cơ đẩy RD-180 từ Nga và Washington thì không thích điều đó.

Động cơ tên lửa đẩy AR1 được thiết kế để Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào động cơ RD-180 mà nước này phải mua từ Nga trong suốt thời gian qua, thậm chí Lầu Năm Góc còn xem việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ.

RD-180 được Mỹ trang bị cho mẫu tên lửa đẩy Atlas V phục vụ cho các mục đích quân sự lẫn dân sự của nước này trên không gian. Việc để Nga nắm được thóp của mình khiến Washington cảm thấy không hề dễ chịu. Theo thiết kế được Aerojet Rocketdyne công bố, AR1 có lực đẩy có thể lên đến 500.000 lbf và sử dụng nhiên liệu lỏng.

Theo công ty này, việc chế tạo và cho ra mắt nguyên mẫu AR1 đầu tiên dự kiến sẽ vào cuối năm 2019, Không quân Mỹ dự tính sẽ chi cho Aerojet Rocketdyne 115,3 triệu USD cho chi phí phát triển AR1 ban đầu và với ULA là 57,7 triệu USD với vai trò nhà thầu phụ. Tổng mức kinh phí cho toàn bộ dự án này ước tính đạt 536 triệu USD, trong đó sẽ có khoảng 268 triệu USD là dành cho Aerojet Rocketdyne và các nhà thầu phụ.

Jim Simpson – Phó chủ tịch phụ trách bộ phận phát triển chiến lược của Aerojet Rocketdyne cho rằng, việc đưa vào trang bị động cơ AR1 sẽ là thành tựu mới của ngành công nghệ hàng không vũ trụ Mỹ cũng như khôi phục lại niềm tự nào dân tộc của nước này và giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Trà Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/tin-tuc-quan-su/lau-nam-goc-quyet-bo-dong-co-nga-tren-ten-lua-my-643768.html