Lê Hoàng “lên thớt”!

Từng cương quyết không làm phim truyền hình rồi sau đó thay đổi ý định vì cho rằng “phim truyền hình VN dở quá”, giờ đây đạo diễn Lê Hoàng đang là trung tâm chú ý của dư luận khi bộ phim truyền hình đầu tiên của ông - Những thiên thần áo trắng - chuẩn bị lên sóng

* Phóng viên: Cảm giác của ông thế nào khi “hạ sinh” xong “đứa con tinh thần” đầu lòng và sắp khoe cho công chúng xem mặt? - Đạo diễn Lê Hoàng: Tôi thấy vui vẻ và tò mò muốn biết thái độ của người xem ra sao! * Những thiên thần áo trắng có kết cấu mỗi tập một câu chuyện, phải chăng vì lần đầu viết kịch bản phim dài tập nên ông không có khả năng tạo ra một câu chuyện xuyên suốt đủ sức thu hút người xem? - Viết theo lối mỗi tập một câu chuyện khó hơn rất nhiều so với một câu chuyện xuyên suốt. Đó là điều chắc chắn. Ở ta, các biên kịch thường dùng thủ pháp cho nhân vật phát triển từ trẻ con đến lúc già hoặc lâu lâu để nhân vật hồi tưởng nhằm câu giờ. Một trong những đặc điểm “gần gũi” của phim truyền hình là khán giả có thể theo dõi phim mà thỉnh thoảng họ vẫn có quyền đi vắng. Phương pháp mỗi tập phim một câu chuyện giúp khán giả có thể xem bất cứ tập nào. Cảnh trong phim Những thiên thần áo trắng. Ảnh: BHD * Ông có thấy Những thiên thần áo trắng hướng đến những điều chỉ có trong mơ: lớp học trong mơ với những hành vi, lời nói cũng trong mơ nên khiến phim trở nên xa lạ? - Nếu mơ mà tốt hơn ngoài đời thì chúng ta nên hướng về mơ. Điện ảnh là công nghiệp sản xuất những giấc mơ, phim truyền hình cũng không ngoại lệ. Nghệ thuật không chỉ phản ánh hiện thực mà còn phản ánh những gì người ta suy nghĩ hoặc mong muốn về hiện thực. Theo tôi, ngay cả khái niệm phim truyền hình phải gần gũi người xem cũng chưa chắc đúng. Phim truyền hình dành cho mọi đối tượng khán giả, trong đó cũng có nhiều đối tượng trí thức, cho nên cũng phải có một tỉ lệ nào đó cho những phim đòi hỏi người xem phải có lối tư duy hiểu biết hoặc “khó tính” nhất định mới thưởng thức được. * Vậy có thể xem phim của ông là một sản phẩm cao cấp? - Tôi không dám bảo sản phẩm của mình là cao cấp nhưng tôi cũng không hề nghĩ các phim truyền hình cứ phải có một đối tượng giống nhau thì mới đạt tiêu chuẩn về tuyên truyền. Tôi biết chắc một điều người ta khen phim tôi sẽ nói rằng các nhân vật nói như Lê Thị Liên Hoan. (Đó là bút danh tôi dùng viết sách. Hai cuốn sách tôi ký tên Lê Thị Liên Hoan được xuất bản vừa qua đều được bán với số lượng rất cao. Điều đó chứng tỏ các nhân vật nói giọng điệu Lê Thị Liên Hoan cũng không phải là khó chấp nhận với người xem). Tôi thà giống Lê Thị Liên Hoan còn hơn giống Lê Thị Tèo nào đó để rồi được khen là phim mình gần gũi. Tôi có thể chắc chắn thêm một điều nếu không nhìn màn hình mà chỉ nghe nhân vật nói chuyện, khán giả cũng có thể biết đó là phim của Lê Hoàng. Làm nghệ thuật đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải tạo được dấu ấn riêng. Sự riêng ấy có thể thành công hay không nhưng phải là điều mà mỗi nghệ sĩ cần đạt được. * Để Những thiên thần áo trắng nói bằng ngôn ngữ rất Lê Thị Liên Hoan ấy cũng là cách tạo dấu ấn riêng của ông? - Tôi không ngu ngốc để những nhân vật nông dân hay trẻ chăn trâu cắt cỏ nói bằng ngôn ngữ này. Trong Những thiên thần áo trắng, ngay từ đầu, tôi đã khẳng định đây là một lớp học xuất sắc, các em sắp vào đại học nên nếu nhân vật có những phát ngôn hơi “chọn lọc” thì cũng phù hợp thôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người ta cứ phàn nàn mãi về việc các nhân vật trong kịch, phim của Lê Hoàng cứ sắc sảo giống như Lê Hoàng. Tôi không thể thay đổi được và cũng không muốn thay đổi. Ai bảo đó là nhược điểm của tôi thì tôi chịu, còn khen đó là ưu điểm của tôi thì tôi cảm ơn. * Đúng là thoại trong Những thiên thần áo trắng rất sâu sắc, mang tính triết lý và nhiều ẩn ý nhưng chính vì vậy lại rơi vào tình trạng nói nhiều - một “căn bệnh” chung của phim truyền hình VN? - Theo tôi nói nhiều không phải là bệnh của phim truyền hình mà là ưu điểm của nó. Nói dở mới là bệnh! Mà bệnh ấy trong phim của chúng ta rất nặng. * Những tình huống ông đặt ra và giải quyết trong mỗi tập phim khá thú vị và “không giống ai”, tuy vậy quá trình giải quyết tình huống ấy hơi dài dòng, có cảm tưởng ông cũng cố kéo dãn thời lượng để lấp sóng? - 40 tập phim của Những thiên thần áo trắng tất nhiên khó hoàn hảo tất cả. Nhưng tôi tin rằng về khả năng câu giờ tôi kém xa nhiều đạo diễn khác. * Giờ nghĩ lại câu nói: “Tôi làm phim truyền hình vì thấy phim truyền hình VN dở quá”, ông có thấy mình lỡ lời không ? “Tôi thà giống Lê Thị Liên Hoan còn hơn giống Lê Thị Tèo nào đó để rồi được khen là phim mình gần gũi” - đạo diễn Lê Hoàng nói. - Cái đấy hãy để khán giả phán xét sau khi tập 40 kết thúc. Chả biết tôi có hơn ai không nhưng tôi chẳng giống ai thì chắc chắn! Một phim truyền hình hay theo tôi là phải động đến những vấn đề của cuộc sống và được giải quyết một cách thấu đáo. Đã có bao nhiêu phim làm về học trò trong đấy miêu tả học trò vui chơi, quậy phá nhưng thử hỏi có mấy phim nêu lên được những bức xúc của các em với thầy cô, bạn bè như Những thiên thần áo trắng hay chưa? * Hầu hết phim truyền hình hiện nay đều mời những người nổi tiếng tham gia để câu khách nhưng phim ông đa phần là những gương mặt mới, ông tự tin vào tên tuổi của mình đến mức chả cần “sao”? - Ai cũng muốn tìm “sao” mà chẳng ai dám tạo ra thì lấy đâu ra “sao”? Tôi có một phương châm: “Hãy cho tôi biết anh chọn diễn viên ra sao tôi sẽ cho anh biết anh là một đạo diễn như thế nào”. * Ông có định làm tiếp phim truyền hình nữa không? - Phim sắp tới của tôi có tên Cà phê phù thủy nói về một quán cà phê chỉ chuyên đón khách đàn ông do 10 cô gái xinh đẹp làm chủ. Những thiên thần áo trắng, dài 40 tập (BHD sản xuất, kịch bản-đạo diễn Lê Hoàng) phát sóng trên VTV3 lúc 21 giờ 10 phút vào thứ hai, ba, tư hằng tuần, kể từ ngày 2-3. Phim xoay quanh cuộc sống học đường của những cô cậu lớp 12 rất thông minh và cá tính, trong đó nhân vật trung tâm là July Miu, một cô bé vừa từ Anh Quốc trở về. Không theo đường lối từ chương, văn mẫu, lớp học của Những thiên thần áo trắng không chỉ là môi trường để các em học sinh có cơ hội phát biểu suy nghĩ của mình mà những khát vọng ngỡ như bình thường của các em cũng được gửi gắm một cách tinh tế. Phim Những thiên thần áo trắng thể hiện quan điểm: Nhà trường không chỉ là nơi để học sinh được nhận nguồn tri thức từ thầy cô giáo mà đó còn là nơi để học sinh thể hiện tính cách, đam mê và ước vọng của mình. Phim có mặt các diễn viên trẻ: Ánh Nhật, ca sĩ Nam Cường, Tùng Lâm, Midu... bên cạnh các diễn viên kỳ cựu: Mỹ Duyên, Thanh Hoàng...

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100228105018443p0c1020/le-hoang-len-thot.htm