Lễ hội đầu năm: Tính thương mại đang lấn át

"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", mùa lễ hội, thời điểm du xuân thư giãn của bao người sau một năm bộn bề vất vả, lo toan. Theo con số mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa đưa ra trong tháng 1/2010, thì cả nước có 7.966 lễ hội, nhiều lễ hội kéo dài và thu hút hàng triệu du khách như lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Chùa Bà, Phủ Giầy v.v…

Cùng với sự phát triển kinh tế, số người đến các lễ hội ngày càng đông. Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của lễ hội trong việc làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Song, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đã và đang có không ít lễ hội bị thương mại hóa, làm vẩn đục môi trường văn hóa truyền thống này. Khi lễ hội bị "bao thầu" Mỗi lễ hội đều hướng tới sự linh thiêng, răn dạy về đạo đức, bởi thế, ai đến tham gia, cũng mong muốn được đắm mình vào không gian văn hóa, để tiếp nhận những rung động lan tỏa từ đó. Thế nhưng, hiện nay, việc tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương chỉ thiên về thu lợi, chứ không quan tâm đến yếu tố văn hóa truyền thống. Tính thương mại lấn át cùng với việc bao thầu lễ hội xuất hiện, đã khiến nhiều lễ hội trở nên bát nháo, lộn xộn, nhất là việc lạm dụng tâm linh để kiếm tiền. Kinh tế khó khăn, nhưng một số địa phương tổ chức lễ hội bằng ngân sách nhà nước vẫn cố gắng tổ chức thật lớn, để tranh thủ kinh phí Nhà nước và các tổ chức tài trợ, nhưng lễ hội lại thiếu hiệu quả, đã gây lãng phí lớn. Tiền lẻ được "đổi" với giá rất đắt. Nhiều lễ hội tổ chức thiếu căn cứ khoa học, bị trùng lặp. Không ít nơi lạm dụng sự tôn trọng tín ngưỡng của người đi dự hội để bày đặt thêm nhiều yếu tố phức tạp, làm biến tướng ý nghĩa của lễ hội. Thực trạng đang phổ biến ở các lễ hội là việc nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi lễ hội và di tích là nguồn lợi của địa phương, dẫn đến việc lập ban thờ, hòm công đức tùy tiện tại các di tích, làm mất vẻ tôn nghiêm cần có. Năm trước, nhiều người từng lên tiếng khi thấy có hòm công đức ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được đặt la liệt, cái nằm dưới chân tượng, cái đặt ở hành lang, hậu điện và cả khu mộ tháp v.v... chỉ là một ví dụ. Tình trạng quá nhiều hòm công đức phổ biến ở hầu khắp các di tích, lễ hội, như một sự "tận thu", làm ảnh hưởng đến không gian văn hóa tâm linh cũng như giá trị tốt đẹp của lễ hội, khiến dư luận bức xúc đến nỗi, trong một kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã phải đăng đàn trả lời về vấn đề này. Ngay lập tức, Bộ VH-TT&DL cũng đã có văn bản chấn chỉnh với yêu cầu mỗi đền, chùa chỉ có một hòm công đức. Song, văn bản là một chuyện, còn việc thực hiện ở các đền, chùa lại là... chuyện khác! Một kiểu ăn mày ở hội Lim năm ngoái. Nhiều lễ hội thu được hàng chục tỉ đồng từ tiền công đức mỗi mùa hội, nhưng hầu như nguồn thu chi này không kiểm soát được, khi mỗi nơi áp dụng một cách quản lý khác nhau: nơi thì do Ban quản lý di tích, nơi thì thuộc Sở VH-TT&DL, nhiều nơi lại do thủ nhang, thủ đền quản lý. Đây chính là nguyên nhân "đẻ" ra các hình thức biến tướng nhằm thu tiền của khách hành hương. Cũng vì coi lễ hội, di tích là "của riêng", dù đó là Di tích Quốc gia, những người quản lý tự cho mình quyền sửa sang di tích, rồi mua sắm đồ thờ tự, xây dựng trái phép, làm biến dạng di tích, như đền Bà Chúa Kho, chùa Tiêu (Bắc Ninh), đền Trần, lăng mẫu Chúa Liễu Hạnh (Nam Định) v.v... khiến dư luận lo ngại về tính nguyên trạng của di tích. Hơn thế, ở nhiều nơi, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lễ hội thuộc về cá nhân, chứ không phục vụ cho di tích và sự phát triển của lễ hội. Tiếng là đi hành lễ, du xuân, nhưng việc ứng xử thiếu văn hóa diễn ra khắp các lễ hội, như chen lấn, xô đẩy để hành lễ, rồi thả tiền vào hậu cung, gài tiền lẻ vào gốc cây, tay tượng v.v... Có không ít người đi lễ hội với mục đích hướng đến mê tín dị đoan nhiều hơn là du xuân, nên hiện tượng "mâm cao cỗ đầy" với đủ loại tiền đặt lễ, kể cả tiền có mệnh giá cao, không hề hiếm. Quan niệm, càng "hóa" đồ mã nhiều cho người âm thì càng được nhiều lộc, dẫn đến hiện tượng đốt quá nhiều đồ mã ở các lễ hội, vừa ảnh hưởng môi trường, vừa lãng phí. Điều này có nên chăng, khi còn rất nhiều em bé thất học, không có sách vở đến trường? Cũng với mục đích "mua thần bán thánh", nhiều cơ quan nhà nước đã sử dụng xe công, thậm chí là quỹ công, cho việc lễ bái. Lễ hội cũng được coi như mảnh đất màu mỡ của các trò mê tín dị đoan với các hình thức bói toán, xóc thẻ như ở đền Bà Chúa Kho, Bia Bà và chùa Hương v.v... với đủ dạng: xem ngày tháng năm sinh, xem tướng tay, nhận dạng nhân tướng học v.v... Tình trạng đỏ đen, cờ bạc biến tướng từ các trò chơi dân gian như chọi gà, đua thuyền, cờ tướng để cá độ, ăn tiền, dường như song hành với các lễ hội hiện nay, nhất là những lễ hội lớn như đền Trần, chùa Hương, chợ Viềng, hội Lim v.v... đã biến những ngày hội vui đậm chất văn hóa truyền thống thành nơi ăn thua. Ở nhiều lễ hội, người hành khất "nhiều như đất", mà chỉ nhìn qua đã thấy đây chỉ là việc lợi dụng lòng trắc ẩn của du khách, khi không ít thanh niên, đàn ông trai tráng hoàn toàn khỏe mạnh vẫn ôm những đứa bé lê lết giữa đường để ăn xin như ở hội Lim. Còn ở đền Bà Chúa Kho, những ngày cuối năm này lại có tình trạng giả vờ tàn tật để xin tiền của khách. Những hình ảnh phản cảm này thực sự làm vẩn đục môi trường văn hóa của lễ hội, nhất là khi có không ít du khách nước ngoài đến đây thưởng ngoạn vẻ đẹp của lễ hội Việt Nam. Thời gian gần đây, đã manh nha xuất hiện trở lại nạn "đền giả", "chùa giả" với việc treo biển giả tại suối Giải Oan, suối Tiên ở đất Phật chùa Hương. Chợ Viềng (Nam Định) nổi tiếng với nét đặc sắc là mua bán chủ yếu để cầu may, nên hàng bán thường là đồ cũ. Thế nhưng, những năm gần đây, do có đông người đến chợ Viềng, nên người ta đã làm giả đồ thành cũ để bán, làm mất đi cái ý nghĩa vốn có của phiên chợ độc đáo này.

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2010/3/71709.cand