Lễ hội đền Bạch Mã: Linh thiêng văn hóa xứ Nghệ

Là một trong 4 ngôi đền linh thiêng nhất của Xứ Nghệ, Lễ hội Đền Bạch Mã, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được tổ chức vào các ngày 9 và 10/2 Âm lịch.

Đền Bạch Mã tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 5000 m², đây là công trình có kiến trúc đẹp, độc đáo, bố cục hài hòa, được chạm khắc với nhiều họa tiết tinh xảo theo các đề tài dân gian phong phú... Trong điện còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật đồ tế khí quý hiếm, làm tăng thêm giá trị lịch sử, tâm lịch của di tích.

Trao đổi với báo Infornet, ông Trình Văn Nhã – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Đền Bạch Mã được coi là một trong ‘tứ linh’ (là một trong bốn ngôi đền linh thiêng nhất - PV) của Xứ Nghệ. Nhiều năm trở lại đây, Đền tiếp tục được Đảng và Nhà nước, các cấp quan tâm, đông đảo các tổ chức, cá nhân cung tiến để tu bổ, phục hồi".

 Đền Bạch Mã thờ tướng Phan Đà, một vị tướng trẻ, có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh xâm lược

Đền Bạch Mã thờ tướng Phan Đà, một vị tướng trẻ, có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh xâm lược

Bạch Mã là gọi theo tên con ngựa trắng mà tướng Phan Đà thường cưỡi khi ra trận. Khi còn tuổi trẻ Phan Đà đã là cậu bé thông minh, tuấn tú, có tài võ nghệ được nhân dân tin yêu, bạn bè mến phục. Năm 1418 khi Bình Định Vương Lê Lợi về tại Nghệ An, Phan Đà đã toán quân của mình gia nhập vào nghĩa quân của Lê Lợi và lập được nhiều công lớn, rồi hy sinh trong một trận chiến khi mới 24 tuổi.

Đánh giá công lao của ông, sau này Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã truy phong cho ông là “Đô thiên Đại Đế Bạch Mã Thượng đẳng phúc thần”, cho lập đền thờ và liệt vào hàng “Điển lễ Quốc tế”, nghĩa là tế lễ theo nghi thức nhà nước do quan triều đình làm chủ tế. Về sau các triều đại phong kiến tiếp tục sắc phong hơn 100 đạo sắc và gia phong ông là Thượng thượng đẳng tối linh tôn thần.

Ở đây vẫn còn truyền tụng câu chuyện vào dịp giỗ thần đền (13/6 âm lịch) là sẽ có mưa mặc dù có thể trước và sau đó trời vẫn nắng nóng.Từ xa xưa đền Bạch Mã nổi tiếng rất linh thiêng, người xe qua đây kể cả quan lại cũng phải dừng lại cất mũ nón vái lạy. Thần đền cũng đã giúp người dân Võ Liệt nói riêng và người dân trong vùng vượt qua nhiều trận thiên tai, giặc giã.

Không những nổi tiếng linh thiêng, đền Bạch Mã còn là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử - văn hóa. Là công trình tưởng niệm một danh tướng do đích thân nhà vua ra chiếu chỉ xây dựng, nên đã được đầu tư thực hiện cẩn trọng.

Công trình gồm có Tam quan, Nghi môn, Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, Tả vu và Hữu vu với nhiều kiến trúc độc đáo. Đặc biệt, sau hơn 500 năm, các màu sơn trên cánh cửa vẫn tươi tắn rõ nét. Trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật và đồ tế khí quý hiếm…

Với những giá trị như vậy, ngày 24/3/1994 Bộ Văn hóa Thông tin đã có Quyết định xếp hạng đền Bạch Mã là “Di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia. Từ khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đền Bạch Mã thường xuyên được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin, Ban Quản lý Di tích và danh thắng hỗ trợ kinh phí để tu sửa, tôn tạo nhằm bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di tích.

Chuẩn bị cho lễ hội năm 2017, Ban quản lý di tích đã cho xây dựng nhiều hạng mục như nhà làm việc và đón tiếp khách, lầu hóa hương, chỉnh trang khuôn viên, sân lễ hội, tạo nên quần thể di tích đến Bạch Mã ngày càng bề thế”.

Tại lễ hội năm nay, phần lễ được tổ chức trang trọng: Lễ khai quang, Lễ dâng hương tại phần mộ tướng Phan Đà, lễ dâng hương Phủ ngoại, lễ rước thần, lễ tế thần...

Phần hội được tổ chức sôi nổi với các môn thể thao, các trò chơi dân gian như: Bóng đá, bóng chuyền, vật cù, đập niêu đất, sinh hoạt CLB thơ – bình thơ, trưng bày các bộ tranh lưu động...

Trần Thanh (t/h)

Trần Thanh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/le-hoi-den-bach-ma-linh-thieng-van-hoa-xu-nghe-d116645.html