Lễ hội Đền Cuông - điểm du lịch tâm linh hấp dẫn

Vào những ngày này, du khách thập phương lại trở về với mảnh đất Hoan Châu, nơi lưu giữ một phần cội nguồn dân tộc - đền thờ Thục An Dương Vương trên núi Mộ Dạ (xã Diễn An, huyện Diễn Châu). Lễ hội khai mạc vào ngày 11/3 (14/2 âm lịch) và kéo dài trong 4 ngày với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham gia.Thu Hương

(Baonghean) - Vào những ngày này, du khách thập phương lại trở về với mảnh đất Hoan Châu, nơi lưu giữ một phần cội nguồn dân tộc - đền thờ Thục An Dương Vương trên núi Mộ Dạ (xã Diễn An, huyện Diễn Châu). Lễ hội khai mạc vào ngày 11/3 (14/2 âm lịch) và kéo dài trong 4 ngày với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham gia.

Đông đảo du khách về với Lễ hội Đền Cuông. Ảnh: THu Hương

Đền Cuông là một công trình kiến trúc đẹp, vững chắc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên, xung quanh có trồng nhiều cây xanh đan xen. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm tam quan, ba tòa Thượng, Trung và Hạ điện.

Còn nhớ, năm 1995, chim hạc bay về đền Cuông, đúng ngày khai mạc lễ hội của đền; vào dịp lễ hội năm 1996, cá voi chết dạt vào biển Cửa Hiền. Người dân tin rằng: Hạc về là hiện thân của công chúa Mỵ Châu; cá voi chết dạt vào biển là minh chứng cho sự tuẫn tiết bi thương của An Dương Vương.

Những sự kiện ấy càng làm cho đền Cuông thêm huyền bí, linh thiêng, thu hút người dân gần xa về dâng hương cầu quốc thái dân an, gia đình ấm no, hạnh phúc. Hàng tháng, cứ vào ngày mồng 1 và ngày Rằm, người dân biển Diễn Châu đều sắm sửa lễ vật lòng thành dâng lên Vua An Dương Vương và lên đèn chăm sóc khói hương.

Trong những ngày diễn ra lễ hội (từ 13 đến hết ngày 16 Âm lịch) xung quanh khu vực dưới chân núi Mộ Dạ, sân hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự. Phần lễ của Lễ hội Đền Cuông gồm: lễ khai quang, lễ trung thiên, lễ yết, lễ đại và lễ tạ. Ngoài ra còn có thêm lễ túc trực. Khi tham gia lễ, các vị trong ban hành lễ mặc lễ phục theo quy định.

Múa lân tại Lễ hội đền Cuông. Ảnh: THu Hương

Đặc sắc nhất là phần lễ rước kiệu từ nhà thờ họ Cao và đình Xuân Ái về đền Cuông bắt đầu từ sáng sớm ngày 15/2. Đi đầu đám rước là lễ cờ của cả đình và nhà thờ, ban âm nhạc, tiếp đến là kiệu của Vua, sau đó là kiệu của Công chúa Mỵ Châu, và tiếp theo nữa là kiệu của tướng Cao Lỗ. Khi kiệu về đến đền, cửa chính của tam quan sẽ được mở ra để cho đoàn rước kiệu đi vào. Kiệu sẽ được đặt ở sân bái đường để chuẩn bị làm lễ.

Sau phần lễ thành kính, trang nghiêm, phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra xung quanh dưới chân núi Mộ Dạ với nhiều trò chơi dân gian cổ truyền như: ném còn, đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, đi cầu kiều, cờ tướng, cờ thẻ... Những hoạt động giao lưu văn nghệ của các làng văn hóa, các câu lạc bộ ca trù, dân ca, ví giặm... Lễ hội Đền Cuông năm nào cũng có trò chơi chọi gà với gà chọi được nhân dân khắp nơi đưa về. Rồi cuộc thi chơi cờ người không chỉ là các xã trong huyện thi với nhau như những trò chơi thể thao khác, mà còn có sự tham gia của các đoàn huyện bạn trong tỉnh.

Tiết mục giao lưu ca trù giữa các đơn vị. huyện Diễn Châu. Ảnh: Sách Nguyễn.

Được biết, năm 2017 không gian đền Cuông được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Ông Trần Sỹ Hồng - Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Diễn Châu cho hay: “Với sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND, sân hội được nâng cấp, sửa chữa kịp thời, hệ thống đường điện cũng vì thế được đảm bảo hơn. Các cuộc thi như: Tiếng hát học sinh THPT, thanh niên thanh lịch năm nay cũng được đưa vào, tăng thêm không khí vui tươi của lễ hội.

Trước đó, để tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, phòng đã giao cho TTVH treo các băng rôn, khẩu hiệu, áp phích dọc Quốc lộ 1A trước lễ hội 1 tuần. 39 xã, thị đều có chương trình nội dụng về lịch sử đền Cuông phát trên loa phát thanh của xóm, xã. Giao Công an huyện, Huyện đội và Đồn Biên phòng Diễn Thành đảm bảo an ninh, trật tự đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và không để diễn ra tình trạng người ăn xin trong thời gian diễn ra lễ hội. Nhìn chung, công tác tuyên truyền và chuẩn bị cho lễ hội Đền Cuông đến thời điểm này khá chu tất...

Lễ hội Đền Cuông thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Diễn Châu nói riêng và du khách thập phương nói chung. Về đây, du khách được hòa mình với Cửa Hiền thơ mộng - hồ Xuân Dương êm mát - Khu Du lịch biển Diễn Thành, chùa Cổ Am - Hổ Linh Sơn - lèn Hai Vai soi bóng dưới sông Bùng; ghé thăm các danh thắng trên địa bàn Diễn Châu để hiểu thêm tình đất, tình người, nơi có lịch sử hơn 1.380 năm văn hiến, để cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.

Theo truyền thuyết, An Dương Vương có tên là Thục Phán, là hậu duệ 18 đời của Vua Hùng, là người có sức khỏe phi thường, thông minh mưu lược. Thục Phán có công lớn trong việc đoàn kết các bộ lạc phía Bắc nước ta đánh tan quân xâm lược nhà Tần. Trong lễ khải hoàn ca,Thục Phán được tôn vinh lên ngôi Vua, lấy hiệu An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì được 50 năm (từ 257 - 208 TCN).

Thu Hương

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quang-cao/201703/le-hoi-den-cuong-diem-du-lich-tam-linh-hap-dan-2790013/