Lễ hội Katê 2016: Bồi đắp tình đoàn kết giữa các dân tộc

Sáng ngày 30/9 (mùng 1/7 Chăm lịch) tại Tháp Pô Klong Grai thuộc phường Đô Vinh, TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã chính thức diễn ra Lễ hội Katê 2016.

Lễ hội Katê.

Tham dự buổi lễ có, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo của tỉnh Ninh Thuận.

Theo thông lệ, hằng năm cứ đúng vào ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch thì đồng bào Chăm khắp nơi của tỉnh Ninh Thuận nô nức đến viếng và dâng lễ tại các Đền Tháp để tỏ lòng biết ơn các đấng đã có công xây dựng đất nước.

Phong tục này đã có từ lâu đời, do người Chăm chủ yếu sống bằng nghề nông phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, nên sau khi thu hoạch họ thường lên Tháp để tạ ơn và cầu xin Ngài cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, gia quyến được bình an. Việc này lâu dần trở thành một nét văn hóa tinh thần độc đáo trong đời sống và sinh hoạt của cộng đồng người Chăm.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận chia sẽ tại buổi lễ: Đất nước và tỉnh nhà đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, tiếp tục đổi mới, ổn định và phát triển toàn diện về cả vật chất kinh tế và văn hóa tinh thần. Sự nghiệp và trách nhiệm đó thuộc về toàn dân ta trong khối đại đoàn kết các dân tộc.

Từ đó, các vị chức sắc và đồng bào Chăm trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; Nhiều con em của đồng bào Chăm trong tỉnh đã đạt thành tích cao trong học tập và thành đạt trong công tác.

Lễ hội Katê diễn ra trên một không gian rộng lớn từ đền tháp lan tỏa về làng thôn và đến mỗi gia đình của cộng đồng người Chăm, đặc biệt là người Chăm Bàlamôn, tạo thành một dòng chảy văn hóa, nghệ thuật phong phú và đa dạng. Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc và độc đáo, được bắt đầu bằng Lễ hội rước y trang của các vị thần: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Garai, Pô Rômê… Lễ rước y trang lên Tháp Pô Klong Garai bắt đầu từ sáng sớm ngày Mùng Một tháng bảy lịch Chăm.

Đến với lễ hội Katê chúng ta sẽ được hòa mình vào bầu không khí sôi động và náo nhiệt của người dân Chăm nơi đây, bởi những cô gái Chăm duyên dáng với những bộ trang phục áo dài truyền thống của phụ nữ Chăm với những múa Apsara, điệu múa quạt hòa quyện với âm thanh độc đáo, đặc sắc của tiếng trống paranưng bập bùng, tiếng kèn Saranai réo rắt và thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Chăm mà chỉ Katê mới có.

Cả sư Tháp Pô Klong Garai chia sẻ: Theo thông lệ hằng năm, cứ vào ngày này đồng bào Chăm khắp nơi nô nức đến dâng lễ tại các đền Tháp và mở hội vui chơi ở các thôn làng. Katê là lễ hội lớn nhất trong năm, được cử hành long trọng tại 3 vùng Đền Tháp như: Tháp Pô Rômê ở Hậu Sanh, Đền Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức, và Tháp Pô Klong Garai ở trên đỉnh Chơk Hala (Đồi Trầu).

Lễ hộ Katê là dịp để nhắc nhở đồng bào Chăm luôn luôn tôn trong đạo lý “Mưnhum ia dar halau, băng pauth Kayau dar urang pala phun”. Tạm dịch là “ Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kể trồng cây”. Cũng như đồng bào Chăm luôn nhớ ơn Bác Hồ kính yêu đã đêm lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân tộc.

Một số hình ảnh tại Lễ hội Katê:

Văn Nhất

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/le-hoi-kate-2016-boi-dap-tinh-doan-ket-giua-cac-dan-toc/124799