Lễ hội Phát lương và Khai ấn Đền Trần

ND - Đêm 27-2, tại Đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ hội Phát lương Đức Thánh Trần. Lễ hội lần đầu được tổ chức long trọng với quy mô lớn, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và 710 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã tham dự buổi lễ.

Sau những nghi lễ truyền thống tế lễ Đức Thánh Trần, lễ hội Phát lương chính thức bắt đầu từ 23 giờ 30 phút với việc đọc Mật Lễ mở kho lương Đức Thánh Trần phát lương cho quân dân và khai ấn của Đức Thánh Trần. Nối tiếp là lễ dâng hương và phát túi lương (gồm các vật phẩm ngô vàng, thóc nếp và tờ in Ấn vua Trần) cho người dự lễ. Ngoài ý nghĩa tâm linh khai lộc đầu năm, lễ hội còn là dịp để tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã từng làm nên những trang lịch sử hào hùng trong giữ nước, chống giặc ngoại xâm. * Cũng trong đêm 27, rạng sáng 28-2, hàng chục nghìn du khách đã về dự Lễ Khai ấn Đền Trần truyền thống hằng năm tại Khu di tích Đền Trần (phường Lộc Vương, TP Nam Định). Tham dự lễ hội có Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. Lễ Khai ấn mở màn từ 22 giờ với nghi thức rước ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Sau đó đến 23 giờ, 14 cụ cao niên ở thôn Tức Mặc tiến hành tế lễ khai ấn trong Cung Thiên Trường. Ấn được đóng để phát cho chín đình, chùa thờ các danh nhân nhà Trần và phát ấn cho các khách mời, đại biểu và những người dự hội. Theo tục truyền, Lễ hội bắt nguồn từ lễ khai ấn thời nhà Trần đầu năm để thưởng công, phong tước, đồng thời cũng là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của chính quyền. Mỹ tục này đã được duy trì qua nhiều thế kỷ và trở thành một lễ hội lớn để tưởng nhớ và tôn vinh công đức các vua Trần, giáo dục truyền thống yêu nước, cầu quốc thái, dân an và một năm an lành, may mắn và hạnh phúc. * Sáng 28-2, lễ hội Đền Thượng tưởng nhớ công lao đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi xã tắc và thái bình cho muôn dân của Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã diễn ra tại đền Thượng, TP Lào Cai. Sau màn biểu diễn nghệ thuật khai hội, lễ hội Đền Thượng diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, đa dạng. * Chương trình giao lưu nghệ thuật "Về miền Quan họ" Cùng ngày tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Chương trình giao lưu nghệ thuật "Về miền Quan họ" đã được tổ chức nhân dịp Dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, khách quốc tế, các tổ chức ngoại giao và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và đông đảo nhân dân địa phương đã tham dự. Phát biểu tại Chương trình giao lưu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc dân ca quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Kinh Bắc mà còn của cả đất nước. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cần nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn và phổ cập dân ca quan họ đến đông đảo người dân cả nước. Chương trình góp phần đưa hình ảnh một Bắc Ninh năng động đang trên đà phát triển mạnh mẽ, một Bắc Ninh giàu tiềm năng phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình hành động nhằm thực hiện cam kết bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh và là cơ hội để Bắc Ninh giới thiệu, quảng bá về vùng đất và con người quê hương Kinh Bắc yêu ca hát và giàu lòng mến khách.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=168991&sub=134&top=43