Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư ( Ninh Bình): Hào khí một thuở, vang vọng mãi ngàn năm

Kỷ niệm 1042 năm Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế lập nên nước Đại Cồ Việt, hướng tới 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, tối 18/4, UBND tỉnh Ninh Bình đã khai mạc trọng thể lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư năm 2010.

Các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Trung ương, thành phố Hà Nội cùng hàng nghìn người dân địa phương, du khách trong cả nước về dự lễ hội. Trong tiết trời mát dịu, đêm cố đô lung linh trong ánh điện soi tỏ hình sông, thế núi trập trùng, âm vang tiếng trống hội mang hào khí Hoa Lư một thuở vang vọng đến hôm nay. Phát biểu lễ khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng đã nêu bật công đức của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và vua Lý Thái tổ, những vị vua đã khai sáng các Vương triều mở nền độc lập lâu dài cho dân tộc Việt Nam định đô tại Hoa Lư trong 42 năm và sau đó dời đô về kinh thành Thăng Long để có một Hà Nội ngàn năm tuổi như ngày nay. Chung vui trong đêm lễ hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ công lao của vua Đinh Tiên Hoàng trong việc dẹp yên 12 sứ quân thành lập nước Đại Cồ Việt, tiếp đến thời đại vua Lê Đại Hành có công phá Tống, bình Chiêm để giữ vững nhà nước Đại Cồ Việt. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Văn Hùng đã khởi trống, khởi chiêng khai hội buổi lễ truyền thống cố đô Hoa Lư để lại ấn tượng trong lòng người dân cố đô và khách tham dự. Trong đêm khai mạc lễ hội, Nhà hát chèo Ninh Bình đã mang đến một màn diễn trống hội Hoa Lư âm vang trong lòng người xem, các sự tích cờ lau tập trận, Đinh Tiên Hoàng Đế đăng quang tái hiện một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn để tạo nên 1.000 năm Hoa Lư, Thăng Long, Hà Nội. Một chương trình biểu diễn nghệ thuật do Nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành đạo diễn với 4 chương thể hiện quá trình lịch sử vinh quang của 3 triều đại Đinh - Lê - Lý trên mảnh đất cố đô Hoa Lư lịch sử. Chương 1: Tuổi trẻ Vua Đinh; chương 2: Thời kỳ Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thành lập nhà nước Đại Cồ Việt; chương 3: Thời đại Vua Lê Đại Hành phá Tống, bình Chiêm; Chương 4: Khởi thủy của Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long- Hà Nội ngày nay. Trong dịp lễ hội, cố đô Hoa Lư có nhiều đổi mới mà mọi người đều cảm nhận được: Đó là cổng thành từ ngã 3 Cầu Huyện vào cố đô được xây dựng khang trang với tường thành ốp đá, cao 2 tầng mái cong tạo ấn tượng cổ kính đi vào cố đô. Khu vực cố đô đã có xây dựng 3 cổng nghi môn nội, nghi môn ngoại đã hoàn thành. Tỉnh cũng phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam khai quật di tích khảo cổ học đã phát lộ khu vực tường thành của cố đô xưa với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử hàng nghìn năm tuổi như gạch ngói, đồ gốm, vật dụng của thời đại Đinh – Lê. Khu vực cổng thành đã xây dựng cây cầu mới ốp đá, nạo vét sông Sào Khê dài hơn 3 km là nơi triển khai ra sông Hoàng Long, theo sông Đáy về sông Hồng và tiến vào kinh thành Thăng Long. Theo nghi lễ truyền thống, sáng 18/4, Ban Tổ chức lễ hội đã tổ chức lễ rước lửa từ đền thờ vua Đinh tại xã Gia Phương ( Gia Viễn) – quê hương của Vua Đinh Tiên Hoàng về cố đô Hoa Lư. Lễ rước nước từ sông Hoàng Long, tương truyền khi vua đi đến sông có rồng vàng hiện lên chở qua sông. Lãnh đạo tỉnh, các ngành đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ tại đền thờ Vua Đinh, Vua Lê và nhà bia tưởng niệm Lý Thái Tổ. Cũng trong ngày 18/4, 24 đoàn rước kiệu từ các địa phương trong toàn tỉnh có các vị công thần tiêu biêu của các triều đại Đinh, Lê, đã hội tụ về nguồn tạo nên hào khí linh thiêng của lễ hội. Từ nay đến dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Ninh Bình sẽ triển khai nhiều công trình có ý nghĩa lịch sử như nạo vét sông Sào Khê, nơi sau này Lý Thái Tổ dời đô theo đường thủy về Thăng Long- Hà Nội. Các tuyến đường giao thông liên quan đến khu di tích cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch tâm linh Bái Đính, tượng đài vua Lê Đại Hành và nhiều hạng mục công trình nổi tiếng trên mảnh đất Hoa Lư lịch sử. Trong những ngày lễ hội, nhiều hoạt động của phần hội sẽ diễn ra như đấu vật, bóng chuyền, cờ tướng, cờ người, kéo co, đi cà kheo, ca nhạc của đoàn chèo, hát xẩm, ca trù, múa rối nước và nhiều hoạt động khác. Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư kéo dài đến ngày 21/4/2010, là dịp du khách đến với hoạt động truyền thống của 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, để con dân nước Việt nhớ mãi thuở hào hùng về lịch sử nghìn năm Hoa Lư- Thăng Long- Hà Nội./. TTXVN-Khắc Cư

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/36/36/109604/Default.aspx