Lễ phục càng chọn càng rối

PN - Việc chấp nhận cả hai xu hướng “truyền thống” và “hiện đại” trong cuộc thi thiết kế Lễ phục càng cho thấy tính phức tạp của đề án này, cũng như sự lúng túng từ những người thực hiện.

Cụ thể, trong lễ phát động vào cuối tuần qua, Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Cục MT, NA&TL - đơn vị được giao thực hiện đề án) cho biết: cuộc thi yêu cầu thiết kế hai cặp mẫu lễ phục (mỗi cặp gồm một bộ nam, một bộ nữ), tương ứng với hai xu hướng hiện đại và truyền thống. Các thiết kế này cần mang bản sắc văn hóa VN, phù hợp với nghi lễ quốc gia và quốc tế, thuận tiện với vóc dáng người Việt, khuyến khích dùng chất liệu truyền thống...

Áo dài nam hay áo vest?

Từ hơn một năm nay, ba cuộc hội thảo về vấn đề này đã lần lượt được tổ chức, không thiếu ý kiến từ các chuyên gia về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật... Ở góc độ “bản sắc văn hóa”, hầu hết các quan điểm đều thống nhất: áo dài (cho cả nam và nữ) từ rất lâu đã được người Việt sử dụng trong các nghi lễ trang trọng, như một thứ quy ước bất thành văn. Thế nhưng, nếu việc sử dụng áo dài nữ làm lễ phục nhận được 100% ý kiến tán đồng thì áo dài nam lại là nguyên nhân chính gây ra những rắc rối quanh vấn đề lễ phục. Cụ thể, theo thăm dò tại ba cuộc hội thảo, chỉ có 3% đại biểu đồng ý nên chọn loại trang phục này, trong khi 12% ý kiến đề nghị sử dụng comple và 61% ý kiến muốn... tiếp tục nghiên cứu.

“Cũng có những phản hồi cực đoan, cho rằng bộ áo dài gắn với hình ảnh của lý trưởng, chánh tổng thời Pháp thuộc, hoặc của một số nhân vật trong chính quyền miền Nam cũ" - ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MT, NA&TL, cho biết. "Nhưng, lý do chính có lẽ vẫn là sở thích thẩm mỹ của mỗi người”.

Thực tế, bên cạnh sự xuất hiện của áo vest Âu phục từ đầu thế kỷ XX, bộ áo dài nam giới trong nhiều năm qua chỉ còn chủ yếu dùng trong các dịp lễ hội dân gian, hoặc trong các đám cưới, đám hỏi tại một số địa phương. Do vậy, theo các nhà thiết kế, so với xu thế dùng Âu phục, việc dùng trang phục áo dài nam giới có thể gây cảm giác tự ti, không thoải mái trong các sự kiện ngoại giao hoặc văn hóa quốc tế.

“Lịch sử văn hóa VN là một dòng chảy bất tận theo thời gian. Rất khó để chọn ra một trang phục đặc thù và bảo nó có giá trị tiêu biểu hơn tất cả các lựa chọn còn lại” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét. “Chẳng hạn, đến nay, áo dài nam và nữ đều đã có những thay đổi rất cơ bản so với nguyên mẫu ban đầu. Hoặc, việc sử dụng Âu phục cũng có thể coi là một đặc thù của chúng ta từ việc tiếp nhận văn hóa Pháp cuối thế kỷ XIX”.

Trong dịp giỗ tổ Hùng Vương hiện nay, quan khách vẫn sử dụng đồng thời cả áo dài nam và Âu phục

Âu phục sẽ được “biến tấu” thế nào?

Nhiều khả năng, những mẫu thiết kế lễ phục thời gian tới sẽ là sự sáng tạo dựa trên cái nền là bộ áo dài nam hoặc Âu phục. Tuy nhiên, với trường hợp thứ hai, một câu hỏi được đặt ra: với một bộ trang phục vest mang đặc thù của phương Tây, việc bổ sung vào đó những yếu tố để thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam - một quốc gia phương Đông - cần được tính toán thế nào để không khiên cưỡng và cứng nhắc?

“Không phải chúng ta chỉ có một cách làm máy móc là in hình chim lạc, trống đồng, hoa sen... lên áo vest”. Ông Vi Kiến Thành nói. “Nhiều khi, việc chọn một màu sắc đặc trưng, một chất liệu thuần Việt như tơ tằm, gấm, đũi, thêm một dải ruy băng hoặc thiết kế lại một vài chi tiết đặc thù như cổ, ve áo... cũng có thể mang lại cho bộ vest một màu sắc văn hóa, thẩm mỹ khác hẳn”. Cũng theo lời ông, để tương xứng với bộ “nam hiện đại”, bộ “nữ hiện đại” cũng không nhất thiết phải là áo dài, mà có thể được cách tân từ vest nữ, váy...

Vậy, với hai cặp lễ phục “hiện đại” và “truyền thống” được trao giải, sự lựa chọn tiếp theo để đi tới mẫu lễ phục thống nhất sẽ như thế nào? “Chúng tôi sẽ lựa chọn cặp lễ phục xuất sắc hơn để trình lên Chính phủ. Nếu được chấp nhận, những văn bản pháp lý sẽ ban hành để quy định đây là mẫu lễ phục chuẩn của VN”, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL nói. “Bằng không, chúng ta hãy nghĩ theo hướng tích cực là cuộc thi dù sao cũng đã cung cấp cho xã hội Việt Nam một số mẫu trang phục giàu bản sắc”.

Thậm chí, một số nhà nghiên cứu bày tỏ quan điểm: Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng… hai bộ lễ phục, trong những thời điểm khác nhau. Cách giải quyết đó có thể làm vừa lòng tất cả những người yêu chuộng “truyền thống” cũng như “hiện đại”.

Vấn đề lễ phục nhà nước chính thức được đặt ra vào năm 1991. Khi đó, một cuộc tuyển chọn thiết kế mẫu lễ phục cũng đã được tổ chức nhưng khi đệ trình lên cấp cao hơn, các phương án được chọn từ cuộc thi đều không được chấp nhận. Đến thời điểm này, sau 22 năm, xem ra vấn đề cũng chẳng hề bớt rắc rối...

Thanh Nguyễn

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri//le-phuc-cang-chon-cang-roi/a99018.html