Lễ tang 9 quân nhân tổ bay Casa - 212: Xót lòng vành tang trắng trên đầu con trẻ

Những người lính quả cảm, hầu hết còn trẻ, con cái của họ cũng còn nhỏ, chưa thể thấu hết nỗi mất mát này. Hình ảnh các cháu ngơ ngác trong lễ tang cha khiến những người đến dự không thể kìm nén được nước mắt…

10h sáng 30/6, lễ truy điệu 9 quân nhân tổ bay CASA – 212 được tiến hành. Đi đầu là linh cữu của Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 (quê quán Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội).

Bố đã không còn để đọc truyện cho con

Trưa 30/6, đoàn xe chở di hài các liệt sĩ phi hành đoàn CASA-212 từ Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đến đài hóa thân Hoàn Vũ như chậm lại, nhịp đi cũng chậm hơn để những người vợ tiễn chồng, con tiễn bố, gia đình, người thân được thêm mỗi giây, mỗi phút cuối tiễn biệt các anh. Nước mắt những người thân các liệt sĩ không ngừng rơi trong giây phút tiễn biệt những người con của Tổ quốc...

Không ít người đã bật khóc khi chứng kiến cảnh những em nhỏ chít vành khăn trắng với vẻ mặt ngơ ngác. Cậu con trai của Trung tá Nguyễn Ngọc Chu - Dẫn đường kiêm phi công với vẻ mặt ngây thơ liên tục hỏi “bố Chu đi đâu mà lâu không thấy về nhà?”. Câu nói ngây ngô của trẻ thơ khiến một nữ quân nhân đứng bên cạnh bật khóc nghẹn ngào.

Một bé trai đang nghịch chiếc máy bay mô hình dưới trời mưa như trút nước ngoài sân nhà tang lễ khiến nhiều người xót lòng.

Con trai 4 tuổi của liệt sĩ, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu, phi công dẫn đường Lữ đoàn 918.

Một người bạn thân của chiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đang công tác tại lực lượng phòng không - không quân cho biết: “Gia đình anh Chu từ Hải Dương đến Hà Nội từ chiều 29/6. Họ được bố trí ăn ở tại trạm 66 Bộ Quốc phòng. Khoảng 0h30 rạng sáng 30/6, tất cả họ đến nhà tang lễ để đón thi hài anh Chu. Ông Nguyễn Ngọc Thắng (bố anh Chu) là thương binh 2/4. Mấy năm nay, vết thương do chiến tranh tái phát khiến ông bị liệt, não tổn thương nên hầu như không nhận ra ai. Vì lẽ đó, mẹ anh Chu cũng không thể có mặt viếng con trai do phải ở nhà chăm sóc chồng. Bà không đến dự lễ tang con được, chắc buồn lắm”.

Được biết, gia đình chiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu có truyền thống quân nhân. Bố anh Chu, anh và một người cháu đều phục vụ trong quân đội. Con trai người anh cả của anh Chu (SN 1996) cũng đang theo học trường đào tạo phi công quân sự ở Nha Trang.

Trước ngày cử hành tang lễ, anh Nguyễn Văn Cả - người anh cả trong gia đình anh Chu đang sinh sống tại miền Nam đã cùng vợ con bay ra Hà Nội từ lúc anh chị hay tin em gặp nạn trên biển. Cậu ruột của anh Chu cũng từ Hải Dương lên Hà Nội nhiều ngày nay để mong ngóng tin tức. Trước lễ tang, máy bay chở người em út anh Chu đang làm việc tại Đài Loan cũng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. “Em tôi là trụ cột gia đình, bao lâu nay đều thay anh chị em chăm sóc cha mẹ già. Từ bé tới giờ, Chu rất giỏi. Sau này vào phi công, chú ấy trở thành niềm tự hào của cả dòng họ. Bây giờ, xảy ra chuyện này, ai cũng xót xa và đau buồn”, anh Cả lặng người kể.

Nhiều năm qua, căn nhà vợ chồng anh Chu đang sinh sống là thuê của một người bạn. Anh chị muốn ở gần Lữ đoàn Không quân 918 để anh Chu có thời gian đưa đón, chăm sóc vợ con. Giờ đây, căn nhà trọ ấy chỉ còn vợ con anh đi về.

Người thân của Thiếu tá Lê Văn Đình - Trợ lý tuần thám Lữ đoàn Không quân 918 cũng không giấu được nỗi sự đau thương, mất mát. Anh Đình ra đi khi con gái đầu mới 2 tuổi, và con trai vừa mới 3 tháng. Chị Thắm, vợ người lính không quân cho biết, anh từng chia sẻ với vợ rằng anh yêu việc bay lượn trên bầu trời, đam mê làm việc với máy móc, coi máy bay là đồng đội. “Với mình, anh thật sự là người anh hùng”, chị tâm sự.

Chị Thắm cũng cho biết, khi con gái sinh vào mùa hè, anh Đình đặt tên Hạ Bình với mong muốn con sẽ là mùa hè bình yên cho ba mẹ. Cháu thứ hai là con trai, anh đặt tên Bình Minh, nghĩa là giây phút bình an khi mặt trời mọc và cũng là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày, khung cảnh mà phi công yêu thích nhất. Không ai ngờ tới, người cha đã sớm ra đi.

Cháu Chi Anh (7 tháng tuổi), con gái thứ hai của liệt sĩ Nguyễn Bá Thế, Trung úy nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Cũng như các em nhỏ khác, bé Chi Anh, cô con gái thứ hai mới 7 tháng tuổi của chiến sĩ Nguyễn Bá Thế còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi đau thương mất mát của bà, mẹ và cả gia đình. Gia đình bé Chi Anh kể, trước mỗi lần đi ngủ, Phương Linh (con gái đầu) vẫn hay được bố Thế gọi điện về đọc truyện cho nghe, nhưng từ hôm máy bay gặp nạn, mẹ cháu thay bố làm việc này. Những ngày chưa tìm được máy bay mất tích là những ngày hy vọng vào sự kỳ diệu, rằng cha sẽ trở về. Để rồi, niềm đau ập đến gia đình trẻ này. Trẻ thơ sớm mất cha. Những ước mơ còn dang dở.

Trời tuôn mưa, người đổ lệ

Người thân Đại úy Đỗ Văn Mạnh gục khóc khi linh cữu anh được đưa ra xe. Đại úy Đỗ Văn Mạnh (27 tuổi) là người trẻ nhất trong số 9 thành viên tổ bay.

Từ rạng sáng 30/6, biết được lịch trình lễ viếng và truy điệu 9 phi công và thành viên tổ bay CASA-212, nhiều người dân đã tìm đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để thắp hương tiễn đưa các anh về đất mẹ. Trong số đó, chúng tôi gặp người cựu chiến binh Lê Hữu Dai (62 tuổi, ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ông tâm sự: “Hay tin Tàu Quân y ở Hải Phòng đã đưa thi thể các quân nhân tổ bay CASA-212 hy sinh trên biển vào bờ, tôi trào nước mắt. Tối hôm qua, tôi đã bắt xe từ Thanh Hóa ra Hà Nội để đến viếng các anh. Kính cẩn vĩnh biệt những anh hùng của đất nước, các anh vẫn mãi trên bầu trời tổ quốc Việt Nam”.

Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, trong đoàn người đến tham dự lễ viếng 9 quân nhân hy sinh còn có đại diện của gia đình liệt sĩ Trần Quang Khải - phi công lái chiếc máy bay Su-30 gặp nạn trên biển. Ông Lương Đình Hải, anh rể của liệt sĩ Trần Quang Khải cho biết, ngay từ rất sớm, gia đình gồm 7 người đã bắt xe từ quê nhà Tân Dĩnh (Bắc Giang) xuống Hà Nội. “Gia đình chúng tôi xin gửi lời chia sẻ đến gia đình các liệt sĩ trên máy bay CASA-212 đã hy sinh. Chúng tôi sẽ luôn nhớ ơn và xin được bày tỏ lòng thành kính tới các anh”, ông Hải nói.

Nước mắt của những người đồng đội.

Đến 10h15, lễ viếng kết thúc song vẫn còn nhiều đoàn chưa kịp vào nhà tang lễ. Ban tổ chức lễ tang thông báo, lễ truy điệu chuẩn bị bắt đầu. Lúc này, gia đình Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (phi công Su-30MK2 được cứu sống) cũng kịp tới viếng vào cuối giờ.

Đọc lời điếu tại lễ truy điệu, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân bày tỏ lòng tiếc thương 9 đồng đội, là tổn thất to lớn của Quân đội, Quân chủng, Lữ đoàn 918 và các gia đình. Trung tướng Thanh lần lượt đọc tiểu sử 9 thành viên tổ bay CASA-212 số hiệu 8983 trong khi ngoài trời lại sụt sùi mưa.

Phía ngoài nhà tang lễ, mưa đang rơi nặng hạt. Hàng trăm người dân vẫn kiên nhẫn tập trung dưới hiên nhà hoặc đứng nép vào một góc tường trú mưa, mắt hướng về lễ truy điệu, cố chờ đến giờ làm lễ di quan để được nhìn, được nói lời tiễn biệt các anh lần cuối.

Hơn 11h, lễ di quan được tiến hành, di ảnh và linh cữu của những chiến sĩ được chuyển lên xe. Sau khi hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ, tro cốt các liệt sĩ sẽ được chuyển đi mai táng tại quê nhà hoặc nghĩa trang liệt sĩ địa phương theo nguyện vọng gia đình. Người dân cả nước tiếc thương và cầu nguyện linh hồn các anh sớm được yên nghỉ và hòa vào bầu trời và bảo vệ sự bình yên cho biển trời Tổ quốc.

Ngày 14/6, Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) chính thức xác nhận máy bay Su-30 MK2 của Không quân Việt Nam gặp sự cố và mất liên lạc vào khoảng 7h50 sáng 14/6, khi đang hoạt động ngoài khơi tỉnh Nghệ An. Trên máy bay khi đó có 2 phi công.

Đến sáng 15/6, một tàu đánh cá đã phát hiện Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường – một trong 2 phi công trên chiếc Su-30MK2. Chiều cùng ngày, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được đưa về đất liền an toàn và lập tức tham gia tìm kiếm đồng đội là Thượng tá Trần Quang Khải.

Ngày 16/6, trong lúc tìm kiếm Thượng tá Trần Quang Khải, chiếc máy bay cứu nạn CASA 212 không may gặp sự cố bất ngờ và xảy ra tai nạn lúc 12h30 tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng. Toàn bộ 9 phi công và thành viên tổ bay đã hy sinh. 8/9 thi thể của phi hành đoàn đã được tìm thấy.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định nâng lương một lần đối với Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng, phi công cấp 1, lái chính máy bay Casa 212 và 8 quân nhân, mỗi người thăng một bậc quân hàm. Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất đối với từng thành viên của phi hành đoàn.

Danh sách 9 quân nhân hy sinh trên CASA-212

1. Đại tá Lê Kiêm Toàn - Lữ đoàn trưởng, phi công cấp 1, lái chính máy bay CASA-212, Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không-Không quân. Sinh ngày 20/8/1960. Nhập ngũ tháng 7/1978.

2. Thượng tá Nguyễn Đức Hảo - Phi đội trưởng, phi công cấp 1, lái chính Phi đội máy bay CASA-212, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sinh ngày 7/7/1962. Nhập ngũ tháng 4/1980.

3. Thiếu tá Nguyễn Văn Chính - Chính trị viên phi đội, phi công cấp 3, lái chính Phi đội máy bay CASA-212, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sinh ngày 27/5/1977. Nhập ngũ tháng 9/1995.

4. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu - Dẫn đường kiêm phi công Phi đội CASA-212, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sinh ngày 12/12/1976. Nhập ngũ tháng 2/1995.

5. Đại úy Lê Văn Đình - Trợ lý Tuần thám trên không, Phi đội CASA-212, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sinh ngày 6/3/1984. Nhập ngũ tháng 9/2002.

6. Thượng úy Đỗ Văn Mạnh - Phó đội trưởng Đội 4, Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật Hàng không, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sinh ngày 11/6/1989. Nhập ngũ tháng 9/2007.

7. Trung úy QNCN Nguyễn Bá Thế - Nhân viên Tuần thám trên không Phi đội CASA-212, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sinh ngày 11/2/1982. Nhập ngũ tháng 3/2002.

8. Trung úy QNCN Nguyễn Văn Thái - Nhân viên Tuần thám trên không Phi đội CASA-212, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sinh ngày 15/4/1982. Nhập ngũ tháng 3/2002.

9. Trung úy QNCN Lê Đức Lam - Cơ giới trên không Phi đội CASA-212, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sinh ngày 16/12/1985. Nhập ngũ tháng 9/2006.

Nhóm Phóng viên

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/le-tang-9-quan-nhan-to-bay-casa-212-xot-long-vanh-tang-trang-tren-dau-con-tre-20160701081713347.htm