Lê Thiên Lý - người "khai sinh" lối viết thư pháp mới

(VnMedia) - Tôi gặp ông ngồi lặng lẽ ở 1 góc nhỏ trong cuộc triễn lãm thư pháp kỷ niệm 999 năm Hà Nội ở vườn hoa Lý Thái Tổ. Trầm ngâm với mực Tàu, giấy đỏ, khuôn mặt ông ưu tư, đầy tâm trạng như 1 người nghệ sỹ đang sáng tác. Trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, ông chỉ thích nói về thư pháp, về những bức thư pháp đang được triển lãm với một sự say mê tột cùng…

Nhìn cụ già đầu tóc bạc phơ trong trang phục thầy đồ, ít ai biết rằng đó chính là nghệ nhân thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý. Người đã tạo ra một thay đổi lớn trong nền thư pháp Việt Nam khi sáng tạo ra 2 lối viết thư pháp mới là “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”, để những bức thư pháp thực sự được “vẽ” hồn một cách hết sức độc đáo. Nghệ nhân Lê Thiên Lý bên những tác phẩm của mình Người “nặng nợ” với thư pháp Ông tự nhận mình là người như vậy. Tuổi thơ ông, ông thuộc Tam Tự Kinh từ khi nói chưa sõi, tập viết chữ Nho khi bàn tay cầm chiếc bút lông còn chưa chắc. Học chữ Nho, viết thư pháp từ cha, ông sớm bộc lộ niềm đam mê. Mới 14, 15 tuổi ông đã thông thạo lĩnh vực này và những bức tranh thư pháp của ông hồi đó đã được nhiều người biết đến qua 1 số bức đăng trên báo Thiếu niên tiền phong. Rồi những năm tháng của người lính trên chiến trường, ông đành phải rời xa sách thánh hiền, bút lông, mực tàu. Những năm phục viên cũng thế, cuốn theo dòng xoáy của cuộc sống mưu sinh, ông phải gắn bó với đồng ruộng, với con lợn, con gà. Nhưng trong thâm tâm Lê Thiên Lý luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ trở lại với niềm đam mê thư pháp. Những tháng năm như thế cứ lầm lũi trôi đi. Ông bảo vì cuộc sống quá khó khăn mà ông đã quên đi thư pháp và coi đó chỉ là một kỷ niệm đẹp của quá khứ. Thế nhưng đó không chỉ là đam mê mà còn là cái duyên, cái nợ. Muốn bỏ nó cũng không hề dễ. Ông không nhớ được đã bao nhiêu đêm ông cầm lại cây bút lông, mài mực tàu để tập vẽ lại những bức thư pháp. Thế nhưng bàn tay đó đã chai sạn vì cây súng, cái cuốc. Tập lại là một điều khó vô cùng. Một ngày đầu xuân năm 1998, Lê Thiên Lý đến dự cuộc triển lãm tranh của nhà thư pháp nổi tiếng Lê Xuân Hòa ở Văn miếu. Những bức thư pháp rất đẹp của cụ Hòa đã làm ông nhớ lại những ngày cùng cha học chữ Nho, luyện thư pháp và ông chợt nhận ra rằng lúc trước những bức thư pháp ông vẽ cũng đẹp không thua những bức ông đang xem là bao. Ông biết trước đây ông vẫn chưa luyện tập một cách thực sư say mê và cần mẫn. Thế là về nhà, ông bỏ công lên tận Lạng Sơn, Móng Cái để tìm những cuốn sách quý về chữ Hán, về thư pháp và luyện tập ngày đêm. Ông kể, vì thư pháp mà ông sẵn sàng quyên ăn, quên ngủ. Chuyện bỏ ra 1 ngày 16, 17 tiếng để học và luyện thư pháp đã trở thành bình thường. Công sức và sự đam mê đã không phụ lòng ông. Những bức tranh thư pháp ông vẽ ngày càng đơn đẹp hơn. Tên tuổi của ông đã được những người đam mê thư pháp thừa nhận qua 2 cuộc triển lãm tại Festival Huế năm 2006 và 2008. Hơn nữa, 2 bức thư pháp viết theo lối chữ Triện “Chiếu dời đô” và “Nam Quốc Sơn Hà” hiện đang được để tại đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý cũng rất nổi tiếng và được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông đã từng bỏ ra 18 tiếng một ngày để học thư pháp “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” Thư pháp Trung Hoa và thư pháp Việt Nam từ hàng ngàn đời nay đều đi theo 5 lối viết cơ bản là Triện thư, Lễ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư. Hơn nữa cả 5 lối viết đó đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Điều đó đã khiến nhà thư pháp Lê Thiên Lý băn khoăn và muốn làm một cái gì đó để thoát khỏi lối mòn từ ngàn đời. Chính vì thế ông đã tập trung nghiên cứu và chỉ mấy tháng sau, ông đã công bố 2 lối viết mới do chính ông sáng tạo ra là “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Hai lối thư pháp này đã tạo ra 1 sự khai phá kì lạ so với thư pháp đơn thuần. Với “Nhân diện thư”, mỗi nét chữ là một nét mặt nhân vật và tác phẩm đó được biến thể thành nhân vật. Điểm đặc biệt là chữ viết trên bức thư pháp không chỉ giống người thật ở hình thức mà còn thể hiện được nội tâm, tính cách…của nhân vật. Ví dụ như chữ Đức dưới bút pháp của ông biến thành khuôn mặt phúc thiện của Quan Âm Bồ Tát… Còn lối viết “Vật điểu thư” thì mỗi nét chữ lại mang dáng dấp của 1 con chim hoặc 1 bông hoa. Nét mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp đã được ông thổi vào những con chim, bông hoa đó khiến nó sống động và bay bổng như thật. Hai lối viết thư pháp mới của nghệ nhân Lê Thiên Lý đã loại bỏ được cái thô cứng và khuôn mẫu của những lối viết thư pháp trước đó, cho nên ngay sau khi ra đời, lối viết này ngay lập tức trở thành hiện tượng. Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng đó là biểu tượng của thư pháp đương đại. Sự khác biệt tuyệt vời ở những bức chân dung sống động hay những sinh vật đầy hồn sắc đã khiến không ít người say mê, khâm phục. Chính nhờ 2 lối viết mới của ông mà Việt Nam có thể tự hào với bạn bè quốc tế về sự sáng tạo, trí tuệ của người Việt. Miệt mài với niềm đam mê... Vĩ thanh Hiện Lê Thiên Lý đang là chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp Hải Phòng. Thế nhưng theo như ông bảo, cái tên “Thiên Lý” cha ông đặt cho chắc cũng là có lý do. Chính vì thế mà không mấy khi ông ở thành phố cảng mà toàn đi tham dự các cuộc triển lãm thư pháp dọc khắp cả nước. Có nhiều lần còn sang tận Trung Quốc để “mang chuông đi đánh xứ người”. Dẫu bộn bề công việc nhưng ông vẫn mở lớp để cho những ai yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian này có thể học. Lớp có khi chỉ có 1 vài học sinh nhưng ông vẫn dạy bảo học trò một cách hết sức nhiệt tình, say mê. Ông cho rằng thư pháp chính là hiện thân của vẻ đẹp “chân, thiện, mỹ”. Đó cũng là tinh hoa, mang giá trị lớn lao về nội dung, nghệ thuật. Trước dòng chảy ào ạt của cái gọi là văn hóa hiện đại, thư pháp vẫn có chỗ đứng, đó là điều mà nghệ nhân Lê Thiên Lý hạnh phúc. Nhưng ông vẫn lo một ngày nào đó, nghệ thuật thư pháp sẽ bị lãng quên trước sự thờ ơ của giới trẻ hiện nay. Ngày đó có thể 10 năm, trăm năm hay ngàn năm…ông không thể biết trước được. Nhưng người nghệ nhân già ấy vẫn tâm niệm rằng mình còn sống được 1 ngày, 1 tháng, 1 năm…thì những ngày tháng đó ông sẽ làm tất cả những gì có thể để gìn giữ và phát triển văn hóa thư pháp như chính máu thịt mình. Hoàng Đức Nhã

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=58&newsid=177124