Lễ Xiền Pìe của người Dao Tiền ở Nguyên Bình

Lễ Xiền Pìe còn gọi là Lễ đàng hứa, là nghi lễ xin phép các thần thánh cho phép làm Lễ Tẩu sai, lễ diễn ra trước Lễ Tẩu sai một tháng. Lễ Xiền Pìe hình thành và ra đời cùng nghi Lễ Tẩu sai của người Dao Tiền.

Lễ Xiền Pìe với mục đích hứa và báo với tổ tiên ngày làm Lễ Tẩu sai, đồng thời báo tên họ những người sẽ thụ lễ, cầu xin thần linh và tổ tiên phù hộ cho họ khỏe mạnh, gia đình không có ai bị chết, mọi người đều bình an, cầu xin Bàn Vương (thủy tổ của người Dao) phù hộ cho gia súc, gia cầm trong gia đình chóng lớn để thực hiện nghi lễ tẩu sai thuận lợi. Lễ Xiền Pìe diễn ra trong 3 ngày 2 đêm và được thực hiện trước Lễ Tẩu sai khoảng 30 ngày, lễ diễn ra tại nhà của trưởng họ.

Để thực hiện nghi lễ cần mời 3 thầy cúng, 3 đôi nam nữ biết hát Páo Dung. Đồ cúng gồm: 5 chum rượu nếp, tiền giấy, 2 con lợn (mỗi con khoảng 30 kg), 2 con gà trống choai, bánh zùa chang 60 cái. Bánh zùa chang là bánh gói xôi nếp bằng lá dong rồi đem hấp cách thủy.

Đội nữ được mời đến để hát Páo Dung cho nghi lễ đón Bàn Vương.

Trong ngày đầu tiên của Lễ Xiền Pìe, người được chủ nhà mời đến từ sáng sớm (là nam giới) để thực hiện đồ cúng và làm món bánh zùa chang 60 chiếc, zùa trống 5 cái, chuẩn bị rượu nếp cho vào chum và bánh zùa chít 5 cái được gói từ gạo nếp, trông như bánh gio của người Tày, Nùng.

Trong các nghi lễ của người Dao, bước đầu tiên là nghi thức ngồi ở mâm cơm để giao việc cho mọi người, thầy cả sẽ nhắn nhủ, dặn dò công việc của từng người, nhắc nhở mọi người làm cẩn trọng, tỉ mỉ để nghi lễ diễn ra suôn sẻ. Tất cả những người thực hiện nghi lễ cúng sẽ ngồi mâm ở trong nhà trước bàn thờ tổ tiên, những người phụ bếp và giúp việc thì ăn ở bên ngoài nhà. Chỉ khi nào trong nhà ăn cơm thì ở bên ngoài mới được ăn, tuyệt đối không được tự ý ăn trước.

Xong nghi thức ăn tối là thực hiện nghi lễ treo tranh, người phụ việc sẽ rải chiếu ở giữa nhà, thầy cả và gia đình mang hộp đựng tranh đến mở ra và lần lượt treo tranh Thái Thanh, Ngọc Thanh, Thượng Thanh. Sau đó người chuẩn bị đồ cúng sẽ bày lên bàn dài ở phía dưới tranh bánh zùa chang, rượu, một bát nước vừng đen trên có kiếm của thầy cả, đồ lễ cúng tranh Tam Thanh luôn là đồ chay.

Đầu tiên người đánh trống sẽ gõ 3 hồi trống, thanh la gõ nhịp nhàng theo tiếng trống, nhạc cụ tấu lên 3 hồi thì dừng lại, việc tấu nhạc ở trước bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa báo với gia tiên và các thần, thầy cả chuẩn bị thực hiện Lễ Xiền Pìe.

Đầu tiên là Lễ Xíp Miên, đó là lễ thỉnh gọi mời các thần thánh Ngọc Hoàng và các vị thần, Bàn Vương (tổ tiên của người Dao), những người đã khuất trong dòng họ về dự lễ. Đồng thời xin phép các chư vị thánh thần và tổ tiên cho phép làm Lễ Tẩu sai cho những người trong danh sách.

Tiếp theo làm Lễ Là miên, khi đã thỉnh được các thần thánh về dự lễ, các thầy bắt đầu múa là miên để các thần thánh xem, mục đích là làm vui lòng các thánh.

Sau đó là Lễ Síp Zùa chang, nghi lễ mời các thánh nhận đồ cúng gồm bánh zùa chang, thịt lợn, thịt gà, tiền âm phủ... Đồng thời xin Ngọc Hoàng và vị thần trông coi gia súc (tiếng Dao gọi là Tùm Miên), ban điềm lành cho các gia đình có người chuẩn bị làm Lễ Tẩu sai, cho các hộ gia đình trong dòng họ chăn nuôi được nhiều gia súc, gia cầm để tiến hành Lễ Tẩu sai được thuận lợi. Đến cuối nghi lễ, thầy cả sẽ tung 2 mẹt bánh zùa chang vừa cúng ra chiếu để mọi người trong họ tranh bánh. Nghi thức này chỉ có người trong họ mới được giành bánh, thuở xưa nghi lễ này chỉ có trẻ em tranh bánh, đến nay tùy theo dòng họ nếu không có trẻ con thì người lớn cũng có thể tranh. Mọi người vui vẻ thi nhau nhặt bánh, ai nhặt được nhiều thì lộc nhiều, nghi thức này có ý nghĩa đây là lộc của các vị thần và tổ tiên ban cho con cháu trong họ.

Nghi lễ tranh bánh diễn ra trong khoảng 3 - 5 giây, sau đó thầy cả sẽ đốt tiền giấy hướng về phía cửa với ý nghĩa tiễn các vị thần về chốn cũ. Thầy cả cởi bỏ trang phục nghi lễ, người phụ việc hạ tranh cất vào ống.

Tiếp sau là Lễ Tùm Miên, đây là nghi lễ cầu mong thần bảo vệ gia súc ban may mắn cho dòng họ, nuôi con gì được con đấy, gia súc sinh sôi đầy đàn. Đồ cúng cho nghi lễ là 2 con lợn to được sơ chế sạch sẽ, trên lưng lợn phủ mỡ chài, bên dưới bàn để con lợn là một bát tiết, cạnh đầu lợn là chùm bánh nếp (tiếng Dao là zùa trống).

Các thầy thực hiện nghi thức cúng Bàn Vương.

Người phụ việc sắp một bàn dài phía trước bàn thờ tổ tiên, bày lên 3 bát thịt lợn sống được thái miếng vuông, 3 bát rau cải xanh sống, 6 đôi đũa và 6 bát con, bên cạnh bát đũa là quyển sách Sài Dung Sâu được bọc trong lá dong. Thầy cả bắt đầu nghi lễ với việc mời thần Tùm Miên về tại gia để chứng kiến nghi lễ Xiền Pìe, rồi lần lượt thầy thứ 2 và 4 người phụ việc ra ngồi vào bàn, tất cả cùng đọc quyển sách Sài Dung Sâu theo điệu Tộ Dung. Trong khi các thầy đọc Tộ Dung thì những người có nhiệm vụ hát sẽ liên tục hát đối đáp Páo Dung theo quyển sách gồm 29 bài. Nội dung bài hát được truyền lại từ thuở xưa, đến nay do nhiều người không biêt chữ Nôm Dao, do đó những người biết chữ đã tự phiên âm bằng chữ cái la tinh để cho mọi người dễ tiếp cận.

Nội dung các bài hát đối đáp rằng “Hôm nay gia đình có việc gì mà đông vui thế”?. Bên nam sẽ đáp là “Hôm nay gia đình làm lễ để báo với các vị thần sẽ chuẩn bị làm Lễ Tẩu sai”. Lời hát theo điệu Páo Dung, hát khen mọi thứ đều tốt, mong cho gia chủ khỏe mạnh, nuôi gia súc, gia cầm được sinh sôi, nảy nở, trồng trọt được mưa thuận, gió hòa…

Cuối cùng là nghi thức tiễn vị thần Tùm Miên (thần trông coi gia súc) về quê. Nghi lễ này còn mang ý nghĩa cầu cho các gia đình trong họ nuôi lợn hay ăn chóng lớn, đây cũng là nghi lễ kết thúc Lễ Xiền Pìe. Sau nghi lễ, trưởng họ bàn bạc và cử người đi mời các thầy để chuẩn bị thực hiện Lễ Tẩu sai.

Trong Lễ Xiền Pìe, người Dao Tiền hát Páo Dung để đón và tiễn Bàn Vương. Nội dung các bài hát được ghi chép trong quyển Đàng Dung bằng chữ Nôm Dao. Đến nay những người thuộc tất cả các bài hát trong sách đều ở độ tuổi trung niên và số người biết hát còn rất ít. Chị Triệu Thị Mai, xóm Nà Lèng, xã Quang Thành (Nguyên Bình) là một trong số những người biết hát Đàng Dung trong Lễ Xiền Pìe, chị Mai được mời đến để hát trong Lễ Xiền Pìe và lễ cấp sắc bậc 3 đèn của cộng đồng người Dao Tiền tại một số nơi trên địa bàn huyện.

Những lời ca, tiếng hát Páo Dung trong Lễ Xiền Pìe cần được ghi chép, phiên âm, phiên dịch sang tiếng phổ thông để phục vụ công tác nghiên cứu di sản văn hóa của người Dao, góp phần làm phong phú thêm kho tàng ngữ văn dân gian các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Ngân Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/le-xien-pie-cua-nguoi-dao-tien-o-nguyen-binh-3168320.html