Lệch chuẩn

Tuần qua, dư luận bàn nhiều về các clíp được chia sẻ trên mạng xã hội, ghi lại hình ảnh không đẹp trong hành xử của một số người dân, cán bộ với lực lượng chức năng. Vụ việc được ghi lại trực tiếp từ ca-mê-ra cùng những biện minh sau đó ở mức độ và tính chất khác nhau cho thấy hiện tượng lệch chuẩn trong ứng xử, cả từ phía người dân và cán bộ.

Người phụ nữ được xác định là Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) và cán bộ cấp dưới đậu xe sai quy định trên đường Nguyễn Quý Ðức, gây bức xúc cho người dân. Chuyện sẽ không ồn ào nếu hai cán bộ quận khi được người dân nhắc nhở, chủ động lái xe tìm nơi đỗ hợp lý. Tiếc là, đồng chí Phó Chủ tịch quận đã rút điện thoại gọi cấp dưới, mà như chị giải trình sau đó là để hỏi xem khu vực này có cấm đỗ xe.

Ở vụ việc khác, về những "va chạm" giữa một cảnh sát giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cho thấy hành vi không đẹp và để lại hình ảnh xấu trong cộng đồng. Một phụ nữ lái xe đi ngược chiều, đã sấn sổ, túm áo và lăng mạ người thực thi công vụ, khi bị buộc dừng xe tại đường Ung Văn Khiêm (TP Hồ Chí Minh). Cách đây không lâu, một nữ Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận đã bị kỷ luật về Ðảng do có hành vi và thái độ thiếu chuẩn mực trong lễ hội hoa Ðà Lạt,...

Mức độ vi phạm, đúng, sai sẽ có cơ quan chức năng xác định và xử lý theo quy định pháp luật, nhưng qua những sự việc xảy ra cho thấy hiện tượng lệch chuẩn trong hành vi ứng xử nơi công cộng. Ðối với người dân bình thường, đó là thái độ đáng trách, sẽ chịu sự phê phán của cộng đồng. Nhưng đối với cán bộ, công chức, người thực thi công vụ thì đó không chỉ là vấn đề cá nhân. Bởi họ là hình ảnh gắn với tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Hành vi, thái độ, phát ngôn không chuẩn mực sẽ ảnh hưởng uy tín của cán bộ, đảng viên, của tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi họ công tác. Hơn nữa, dù là ai cũng cần nhận thức sâu sắc về nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai có quyền lợi dụng vị trí, chức danh hay bất kỳ sức ép nào để đứng trên pháp luật.

Từ những sự việc nêu trên, vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên và cả người dân đã để lại bài học lớn về rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống,… Nhiều địa phương đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhằm từng bước xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, điều chỉnh thái độ, hành vi cá nhân nơi công cộng, góp phần xây dựng xã hội văn minh; giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp. Ðể những quy định đó đi vào đời sống xã hội, cần ý thức tự rèn luyện của mỗi cá nhân, nhất là thái độ, hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên, những người đại diện các cơ quan nhà nước.

LÊ VY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33569902-lech-chuan.html