Lên sàn chứng khoán, Kem Thủy Tạ có 'ngon' hơn?

Lên sàn chứng khoán sẽ giúp TTJ huy động vốn dễ dàng hơn, qua đó giải quyết mối bận tâm lớn nhất của lãnh đạo công ty.

 Nhà hàng Cà phê Thủy Tạ là nhà hàng nổi duy nhất nằm bên cạnh hồ Hoàn Kiếm

Nhà hàng Cà phê Thủy Tạ là nhà hàng nổi duy nhất nằm bên cạnh hồ Hoàn Kiếm

‘Mỏ vàng’ kem Thủy Tạ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận cho 3 triệu cổ phiếu mã TTJ tương đương vốn điều lệ 30 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thủy Tạ được giao dịch trên sàn UpCom. CTCP Thủy Tạ nổi tiếng với thương hiệu kem cùng tên, tiền thân là nhà hàng Thủy Tạ, được thành lập từ tháng 5/1958. Ban đầu, TTJ chỉ kinh doanh thương mại và dịch vụ ăn uống. Sau 6 thập kỷ, TTJ đã phát triển thành một chuỗi các cửa hàng và nhà hàng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Được biết tới nhiều với nhãn hiệu km Thủy Tạ, tuy nhiên kem lại không phải là lĩnh vực kinh doanh đầu tiên của công ty này, bởi mặc dù được thành lập từ năm 1958, song phải tới cuối thể kỷ trước, TTJ mới bước chân vào sản xuất, kinh doanh kem, khi đưa vào hoạt động một nhà máy kem công ngiệp với công suất 1 triệu lít/năm. Thời gian đầu sản phẩm kem có 14 loại, đến nay công ty đã có hơn 40 sản phẩm kem các loại.

TTJ được cổ phần hóa từ năm 2006, song hiện nay vẫn là công ty con của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Tới nay, sau 3 lần tăng vốn, TTJ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó Hapro chiếm 51,25%. Một số cổ đông lớn khác là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chiếm 10%, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương – một pháp nhân liên quan tới tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á sở hữu 11,17%, hai thể nhân Nguyễn Mạnh Hà và Nguyễn Minh Hương nắm 19,67%.

Năm tài chính 2016, TTJ báo lãi sau thuế 7,4 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2015. Doanh thu tăng từ 105 tỷ đồng lên 110,5 tỷ đồng, nhỉnh hơn kế hoạch đề ra cho cả năm (110 tỷ đồng). Với vốn điều lệ khá khiêm tốn, chỉ ở mức 30 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của TTJ năm vừa qua là 2.093 đồng, con số khá ấn tượng. Nhà hàng và kem là những “mỏ vàng” của TTJ. Doanh thu bán kem trong năm 2016 chiếm tới 49% tổng doanh thu của TTJ (54 tỷ đồng). Chỉ tiêu này đối với nhà hàng Thủy Tạ là 31,9% (35 tỷ đồng). Trong khi đó, mảng kinh doanh đá và nước đá lại chưa thực sự là điểm sáng của TTJ khi chỉ đạt doanh thu 4,4 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 1,1 tỷ đồng trong năm 2016. Thậm chí năm 2015, TTJ phải chịu mức lỗ 6,7 tỷ đồng từ mảng kinh doanh trên.

Lên sàn để ‘cất cánh’?

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh TTJ với những ông “kẹ” trong ngành công nghiệp kem như Kido Foods hay Vinamilk. Bởi vốn điều lệ của TTJ chỉ là 30 tỷ đồng, rất nhỏ bé so với con số hàng nghìn tỷ đồng của các tập đoàn trên. Bởi vậy, dễ thấy chiến lược kinh doanh của TTJ là đánh vào thị trường ngách, gắn với lợi thế địa lý mà họ đang nắm giữ. Ngoài 259 cửa hàng, đại lý kinh doanh phủ khắp Hà Nội, TTJ còn sở hữu nhiều mảnh đất đắt hơn vàng bên bờ hồ Hoàn Kiếm, như số 1 Lê Thái Tổ, Q. Hoàn Kiếm (833,3 m2), số 3 Lê Thái Tổ (194,57 m2), số 6 Lê Thái Tổ (339,08 m2), số 8 Hàng Thùng. Q. Hoàn kiếm (93,95 m2) hay lô đất 57,6 m2 số 97 Hàng Gai, Q. Hoàn Kiếm.

Mặc dù nắm giữ rất nhiều vị trí đẹp, song nội lực hạn chế khiến TTJ không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh thị trường kem và nhà hàng đang bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ có tiềm lực. Doanh thu bán kem của TTJ trong năm 2016 như đã đề cập là 54 tỷ đồng, tức là chỉ tăng nhẹ so với 49 tỷ đồng năm 2013. Trong khoảng thời gian này, tổng doanh thu của TTJ cũng chỉ ‘nhích’ 3% từ 107 tỷ đồng lên 110 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh của TTJ theo đó đi xuống trông thấy khi EPS giảm từ 3.693 đồng năm 2012 về còn một nửa năm 2015 (1.787 đồng), trước khi tăng nhẹ lên 2.093 đồng năm 2016.

Nguồn vốn hạn chế khiến TTJ không thể mạnh tay đổi mới, cải tiến dây chuyền sản xuất, cũng như mở rộng địa điểm kinh doanh. Số dư tài sản cố định của TTJ tới cuối tháng 3/2017 là 13,7 tỷ đồng, trong đó nguyên giá là 56,7 tỷ đồng và khấu hao lên tới 42 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh của TTJ trong năm 2017 là doanh thu thuần 115 tỷ đồng, lãi sau thuế 8 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 12%. Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, các cổ đông tạm chấp nhận các chỉ tiêu trên, tuy nhiên đề nghị các năm sau phải cao hơn nữa.

Trong lúc này, không rõ liệu công ty mẹ Hapro có chủ trương thoái vốn tại TTJ xuống dưới mức chi phối hay không, song động thái đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán cho thấy quyết tâm của lãnh đạo TTJ nhằm thu hút nguồn lực từ bên ngoài để đổi mới, cải tiến dây chuyền sản xuất, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Và nếu làm được điều này, kem Thủy Tạ có thể sẽ ‘ngon’ hơn, ‘mát’ hơn trong thời gian tới.

Nghi Điền

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/len-san-chung-khoan-kem-thuy-ta-co-ngon-hon-a329456.html