Lệnh cấm TikTok ở bang Montana là gì và liệu có thể thực thi?

Thống đốc bang Montana, Greg Gianforte đã ký dự luật cấm hoàn toàn TikTok ở tiểu bang của nước Mỹ, mở đường cho một cuộc chiến pháp lý có thể quyết định số phận của lệnh cấm trên toàn quốc đang được xem xét ở Washington.

Lệnh cấm gồm những gì?

Thống đốc Greg Gianforte hôm 18/5 đã ký phê chuẩn để dự luật cấm Tiktok trở thành luật sau khi cơ quan lập pháp của Montana thông qua vào tháng trước. Như vậy, Montana đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ luật hóa việc cấm Tiktok, ứng dụng có hơn 150 triệu người dùng tại nước này.

 Thống đốc Montana, Greg Gianforte đã ký phê duyệt một dự luật cấm TikTok hoạt động ở bang này và cấm tải xuống ứng dụng. Ảnh: Wall Street Journal

Thống đốc Montana, Greg Gianforte đã ký phê duyệt một dự luật cấm TikTok hoạt động ở bang này và cấm tải xuống ứng dụng. Ảnh: Wall Street Journal

Đạo luật mà Montana vừa ban hành sẽ cấm các cửa hàng ứng dụng, chẳng hạn như của Google và Apple, cung cấp ứng dụng TikTok để tải xuống trong phạm vi bang Montana. TikTok và các cửa hàng ứng dụng sẽ phải chịu phạt 10.000 USD/ngày nếu vi phạm luật. Người dùng TikTok cá nhân sẽ không bị trừng phạt.

Đáp lại lệnh cấm của Montana, TikTok, thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, cho biết trong một tuyên bố rằng dự luật “vi phạm quyền của Tu chính án thứ nhất của người dân Montana”, đồng thời nói thêm rằng họ “sẽ bảo vệ quyền của người dùng của chúng tôi bên trong và bên ngoài Montana”.

“Gianforte đã ký một dự luật vi phạm quyền của Tu chính án thứ nhất của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp,” phát ngôn viên của TikTok tuyên bố. Tuy không nói liệu công ty có kế hoạch theo đuổi hành động pháp lý hay không nhưng TikTok, trong một tuyên bố trước đó, cho biết, “tính hợp hiến của dự luật sẽ do tòa án quyết định”.

Lệnh cấm Montana sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2024. Tuy nhiên, bất kỳ thách thức pháp lý nào cũng có thể dẫn đến lệnh hoãn ngày bắt đầu lệnh cấm.

Không rõ lệnh cấm sẽ được thực thi như thế nào hoặc điều gì sẽ xảy ra với những người Montana đã tải xuống ứng dụng này trước ngày bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1. Vẫn còn những câu hỏi chưa được trả lời về việc liệu người Montana có thể sử dụng một giải pháp thay thế, chẳng hạn như mạng riêng ảo, để làm cho thiết bị của họ trông giống như chúng ở bên ngoài tiểu bang hay không.

Khi được hỏi về các chi tiết cụ thể, ông Shelley Vance - thượng nghị sĩ bang của Đảng Cộng hòa, người bảo trợ cho đạo luật, cho biết trách nhiệm tuân thủ luật sẽ thuộc về chính TikTok.

Những tiếng nói phản đối

Nhưng ngay khi vừa được phê phuẩn, đạo luật của Montana thu hút sự chỉ trích từ TikTok và những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận tại Mỹ. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) - một tổ chức phi chính phủ, phi đảng phái vốn rất uy tín về việc bảo các quyền và tự do cá nhân - gọi lệnh cấm của Montana là vi hiến.

“Với lệnh cấm này, Thống đốc Gianforte và cơ quan lập pháp Montana đã bỏ qua quyền tự do ngôn luận của hàng trăm nghìn người Montana, những người sử dụng ứng dụng này để thể hiện bản thân, thu thập thông tin và điều hành doanh nghiệp nhỏ của họ”. Giám đốc chính sách địa phương của ACLU, Keegan Medrando, cho biết trong một tuyên bố.

Jameel Jaffer, chuyên gia nghiên cứu hiến pháp đến từ Đại học Columbia cho biết: “Montana sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các tòa án rằng loại lệnh cấm này phù hợp với Tu chính án thứ nhất”.

Nhưng Thống đốc Gianforte, trong một tuyên bố hôm 18/5, khẳng định Montana đang thực hiện “hành động quyết đoán nhất so với bất kỳ tiểu bang nào để bảo vệ dữ liệu riêng tư và thông tin cá nhân nhạy cảm của người Montana”.

Ngay sau khi các nhà lập pháp thông qua dự luật, Gianforte đã tìm kiếm những thay đổi để mở rộng luật để nó có thể áp dụng cho tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội cung cấp dữ liệu cho các đối thủ nước ngoài, chứ không riêng gì TikTok.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Thống đốc bang Montana cho biết những thay đổi được đề xuất nhằm giải quyết các mối quan ngại về pháp lý. Nhưng Gianforte đã nhận được dự luật vào cuối phiên họp lập pháp, vì vậy không có thời gian để đưa những thay đổi ấy vào nội dung của dự luật.

Thống đốc Gianforte cũng đang chỉ cấm sử dụng tất cả các ứng dụng truyền thông xã hội gắn liền với các đối thủ nước ngoài trên thiết bị nhà nước và cho doanh nghiệp nhà nước ở Montana. Gianforte, trong một bản ghi nhớ, đã liệt kê các ví dụ về các ứng dụng như vậy, bao gồm ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat, được hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng.

Trường hợp Montana sẽ định hình bức tranh lớn

Những thách thức pháp lý đối với đạo luật mà Montana vừa phê duyệt có thể cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu các tòa án có ủng hộ các nỗ lực của liên bang nhằm cấm TikTok hay không, ứng dụng có 150 triệu người dùng ở Mỹ.

Các thành viên Quốc hội Mỹ đã đưa ra các dự luật cấm TikTok trên toàn quốc hoặc trao cho chính phủ nhiều quyền hơn để làm như vậy. Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây đã yêu cầu TikTok tách khỏi các chủ sở hữu Trung Quốc nếu không sẽ bị cấm.

 Giám đốc điều hành TikTok, Shou Zi Chew điều trần trước Hạ viện Mỹ về quyền riêng tư dữ liệu vào đầu năm nay. Ảnh: NBC

Giám đốc điều hành TikTok, Shou Zi Chew điều trần trước Hạ viện Mỹ về quyền riêng tư dữ liệu vào đầu năm nay. Ảnh: NBC

Những người ủng hộ dự luật Montana nói rằng tiểu bang có quyền ưu tiên hợp pháp để giành chiến thắng trong một thách thức. Các nhà lập pháp Montana đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia làm cơ sở để cấm TikTok. Một số quan chức chính quyền và thành viên Quốc hội Mỹ từng lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể ra lệnh cho công ty mẹ của TikTok, ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, sử dụng ứng dụng này để theo dõi người Mỹ hoặc phát tán tuyên truyền.

TikTok nói rằng một kịch bản như vậy chưa bao giờ xảy ra và họ sẽ từ chối tuân theo mệnh lệnh nếu có những yêu cầu tương tự trong tương lai. Công ty mẹ của TikTok cũng cho biết họ đã đề xuất với chính quyền Mỹ một kế hoạch trị giá 1,5 tỷ USD để bảo vệ dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ.

Tu chính án thứ nhất của Mỹ bảo vệ quyền tự do ngôn luận nhưng không phải là tuyệt đối. Những lo ngại về an ninh quốc gia và các vấn đề khác có thể biện minh cho nỗ lực điều chỉnh ngôn luận của chính phủ.

Ví dụ, vào năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ đã giữ nguyên luật liên bang cấm “hỗ trợ vật chất” cho các tổ chức khủng bố nước ngoài , thậm chí cấm tư vấn về các hoạt động hoàn toàn hợp pháp, bất chấp các lập luận cho rằng biện pháp này chà đạp lên quyền tự do ngôn luận.

Hoặc một trường hợp khác, vào năm 1986, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên lệnh đóng cửa một hiệu sách dành cho người lớn vì hiệu sách này tạo điều kiện cho mại dâm. Phía hiệu sách cho rằng lệnh đóng cửa đã vi phạm Tu chính án thứ nhất, nhưng phản đối đã không có hiệu lực.

Joel Thayer, một luật sư điều hành Viện Tiến bộ Kỹ thuật số - một tổ chức tư vấn, cho biết Tòa án Tối cao đã phán quyết về hành vi của hiệu sách chứ không phải nội dung của nó. Ông cho biết điều tương tự cũng xảy ra tại Montana, khi bang này đang điều chỉnh hành vi của TikTok, chẳng hạn như mối quan hệ của công ty với công ty mẹ ByteDance. “Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tòa án có coi luật của Montana là điều chỉnh hành vi hoặc lời nói không?”, Thayer cho biết.

Rõ ràng, lộ trình để lệnh cấm TikTok của Montana chính thức được áp dụng cũng còn khá chông gai. Nhưng nó có thể tạo tiền đề cho một biện pháp kiểm soát toàn diện với TikTok khi mà những lo ngại về sự an toàn dữ liệu của người dùng ứng dụng này đang trở thành đề tài nóng bỏng, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lenh-cam-tiktok-o-bang-montana-la-gi-va-lieu-co-the-thuc-thi-post248305.html