Lệnh trừng phạt thứ 4 với Iran: Thay đổi được gì?

Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong bối cảnh hội nghị toàn cầu về an ninh hạt nhân theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa diễn ra ở Mỹ.

Mặc dù chủ đề chính của Hội nghị và cũng là mục tiêu của Mỹ là tập trung vào việc ngăn ngừa vũ khí hạt nhân có thể rơi vào tay chủ nghĩa khủng bố song vấn đề hạt nhân Iran vẫn là một lo ngại lớn đối với Mỹ cũng như tiếp tục gây chia rẽ trong nhóm P5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức). Quan điểm cứng rắn Trước thềm Hội nghị, giữa Iran và các nước phương Tây liên tục có những động thái chỉ trích lẫn nhau. Nhân Ngày Hạt nhân Quốc gia 9/4, Tổng thống Ahmadinejad đã công bố loại máy ly tâm thế hệ thứ ba do nước này tự sản xuất. Loại máy mới này có khả năng làm giàu hạt nhân nhanh hơn nhiều so với những máy đang được sử dụng. Giới phân tích cho rằng, chương trình hạt nhân của Iran sẽ có một “bước nhảy quan trọng” nếu loại máy này được đưa vào hoạt động. Hai ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi cho biết, Iran đã bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa phòng không thế hệ mới. Tên lửa mới mang tên Mersad có khả năng tiêu diệt những máy bay tối tân ở tầm thấp và tầm trung. Những động thái trang bị vũ khí cho quân đội Iran càng khiến phương Tây lo ngại và cho rằng Iran rõ ràng đang phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà nước này bác bỏ. Ngày 11/4, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã lên án những lời lẽ đe dọa của Tổng thống Obama trong chiến lược hạt nhân mới của Mỹ đối với Iran. Đề cập những lời đe dọa gần đây của ông Obama trong chiến lược hạt nhân mới của Mỹ ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Iran, Lãnh đạo tối cao Khamenei đã gọi những lời lẽ như vậy là “đáng hổ thẹn và có hại đối với người dân Mỹ”. Những phát ngôn trên đây đã thể hiện rõ quan điểm cứng rắn của giới lãnh đạo Iran trước sức ép của phương Tây. Lệnh trừng phạt thứ 4 Mỹ và phương Tây thường xuyên cáo buộc Iran bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự nhưng Tehran khăng khăng cho rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình, cung cấp năng lượng cho dân số ngày một đông của họ. Mỹ hiện đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tập hợp sự ủng hộ quốc tế để áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Iran. Pháp cũng cùng quan điểm với Mỹ và cho rằng chương trình hạt nhân của Tehran không có mục đích dân sự “đáng tin” như quốc gia này khẳng định. Nga từ lâu luôn nói rằng họ muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua các biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, việc Nga gần đây đồng ý nghiêng về các biện pháp trừng phạt đã cho thấy Mátxcơva không hài lòng trước hành động từ chối hợp tác với cộng đồng quốc tế của Tehran. Để tránh gói trừng phạt thứ tư, Nga đã thuyết phục Iran chấp nhận thỏa thuận của LHQ, theo đó Tehran sẽ gửi 1.200kg uranium làm giàu ở mức thấp (LEU) – đủ để chế tạo một quả bom nguyên tử - sang Pháp và Nga để chế biến thành nhiên liệu phục vụ cho lò phản ứng nghiên cứu của Tehran. Tuy nhiên, các quan chức Iran từ chối chuyển giao LEU, khẳng định việc trao đổi nhiên liệu phải diễn ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia Hồi giáo này. Các cường quốc không nhất trí với đề xuất của Iran. Hiện nay, trong số các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ chỉ còn Trung Quốc chưa chịu đồng ý trừng phạt Iran. Trung Quốc luôn cho rằng vẫn còn cơ hội cho những nỗ lực ngoại giao về vấn đề hạt nhân của Iran và rằng các lệnh trừng phạt không phải là biện pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã có một số thay đổi trong lập trường, nhất trí tham gia các cuộc thảo luận cấp đại sứ tại New York. Với sự thay đổi lập trường của Trung Quốc, nhiều khả năng một nghị quyết thứ 4 trừng phạt Iran sẽ được thông qua trong một vài tuần tới. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi được gì? Iran có từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi hay không? Câu trả lời là không. Tổng thống Ahmadinejad đã tuyên bố, các lệnh trừng phạt đe dọa Iran sẽ không thể buộc nước này thay đổi quan điểm và ngưng chương trình hạt nhân vì hòa bình. “Chúng tôi không muốn có bất kỳ lệnh trừng phạt hay đe dọa nào. Tuy nhiên, trong trường hợp các lệnh trừng phạt được thông qua thì chúng tôi sẽ không cầu xin để được thay đổi chúng, mà ngược lại chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi những gì có lợi cho chúng tôi”, ông nói. Hòa Bình

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ThoiSu/2010/4/27F58534CE829FDD/