Li Shufu “vua” xe hơi Trung Quốc

Ngày 28.3 vừa qua, thế giới xe hơi chấn động khi hay tin tại thành phố Goteborg (Thụy Điển), ông Li Shufu, 47 tuổi, Chủ tịch HĐQT hãng Zhejiang Geely Automobile của Trung Quốc, ký kết thỏa thuận với hãng Ford để mua lại hãng sản xuất xe hạng nhẹ Volvo - Volvo Cars.

Đứa con của nông dân Điều kiện của thỏa thuận nêu trên khiến thế giới phải ngả mũ trước tỉ phú người Trung Quốc. Cần nhắc lại là vào năm 1999, Ford mua lại hãng xe của Thụy Điển với giá 6,45 tỉ USD. Trong khi đó Li Shufu chỉ trả chưa đến 2 tỉ USD để sở hữu Volvo Cars. Hơn nữa, phần lớn số tiền phía Trung Quốc mua là để trả nợ và trả lương hưu… Như vậy, theo các chuyên gia, về bản chất khi ký kết hợp đồng (dự kiến vào mùa thu này), Ford hầu như “biếu” không Li Shufu thương hiệu xe nổi tiếng toàn cầu. Điều này quả là phép màu và người ta có thể tin khi xem xét tiểu sử của Li Shufu. Li Shufu sinh ra trong một gia đình nông dân tại ngoại ô Hàng Châu - một trong những thành phố đẹp nhất trên bản đồ du lịch của Trung Quốc. Khi Li bắt đầu vào tiểu học, thì tại Trung Quốc diễn ra cuộc cải tổ của Đặng Tiểu Bình với khẩu hiệu “Hãy làm giàu!”. Điều này quả hợp với Li khi chàng trai trẻ bị các kỹ thuật mới, công nghệ mới cuốn hút. Lúc đầu Li yêu thích chụp ảnh, nên xin tiền bố mẹ mua chiếc máy ảnh để mở tiệm hành nghề chụp ảnh, sau đó Li bị cuốn hút bởi các đồ kim hoàn. Sau một thời gian mua đi bán lại đồ kim hoàn, Li hiểu rằng, vàng bán nguyên khối không có lợi bằng làm ra thành phẩm. Chàng trai trẻ đầu tư vào dây chuyền sản xuất thủ công tủ lạnh và các phụ tùng thay thế. “Vay” của bố 2.000 tệ (tương đương 300 USD) cùng với chút ít số vốn tích cóp của mình, Li bắt đầu thành lập hãng Geely (trong tiếng Hoa có nghĩa là “chúc may mắn”. Khi bắt đầu sản xuất, Li không mua bản quyền công nghệ hay sáng chế mà “nhái” các thương hiệu tủ lạnh nổi tiếng rồi xuất khẩu với giá rẻ. Công cuộc kinh doanh thu được thành công. Tuy nhiên, vào năm 1989, chính quyền Trung Quốc theo yêu cầu của WTO áp dụng biện pháp mạnh với các nhà sản xuất tủ lạnh. Các nhà máy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này được chọn lựa kỹ càng và Li Shufu không có tên trong số này. Nhà tỉ phú tương lai ngậm ngùi chia tay với ngành sản xuất tủ lạnh. Phải mất vài năm Li Shufu mới lấy lại được sinh khí. Năm 1992, Geely bắt đầu nhập mô tô của Nhật Bản, Mỹ cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 1994, Li bắt đầu tự sản xuất mô tô. Công thức kinh doanh không có gì thay đổi: Nhái các mẫu mã nổi tiếng để sản xuất. 2 năm sau - 1996, Li đưa ra thị trường mỗi năm trên 200 ngàn mô tô và xe gắn máy. Có lẽ Li sẽ làm thị trường mô tô, xe gắn máy nhiễu loạn, nếu như một lần nữa chính quyền Trung Quốc không vào cuộc, đấu tranh với bản quyền và chất lượng trong lĩnh vực này. Nhưng lần này Li đã chuẩn bị cách đối phó: Ông mua tại Hàng Châu quê mình một hãng sản xuất mô tô đang đứng bên bờ vực phá sản. Điều chính yếu là hãng này là của nhà nước. Và như thế, con đường đến phương Tây đối với Geely rộng mở. Volvo - thương hiệu xe nổi tiếng toàn cầu - Ảnh: AFP Hãng của Li bắt đầu xuất khẩu mô tô đến 22 nước, kể cả Mỹ, Đức, Ý. Chỉ một thời gian, doanh số của Geely đứng hàng thứ 4 trong số các doanh nghiệp tư nhân về mô tô của Trung Quốc. Chính vào thời điểm này, Li tiết lộ bí quyết thành công trong kinh doanh của mình: “Nếu như bạn dễ dàng từ chối, thoái thác điều gì đó, bạn sẽ không bao giờ giành được chiến thắng”. Phép màu kỳ diệu Mọi việc bắt đầu từ khi Li mời 3 kỹ sư từng làm việc tại các nhà máy sản xuất ô tô và đề nghị họ biến các ý tưởng của Henry Ford thành hiện thực: Sản xuất hàng loạt ô tô giá rẻ cho người Trung Quốc. Cuộc trò chuyện không mang lại kết quả, khi 3 kỹ sư thuyết phục Li là ý tưởng của ông không có triển vọng. Bởi, khi đó Trung Quốc chưa có công nghệ sản xuất xe ô tô riêng, chưa có cơ sở sản xuất cũng như các kỹ sư, công nhân tay nghề cao. Nhưng trong các thiên tài, Li là người có sự kiên trì nhất. Vào năm 1997, một người bạn cho ông biết tại tỉnh Tứ Xuyên có nhà máy sản xuất ô tô, chuyên sản xuất xe hơi loại nhỏ. Một năm sau đó, Li mua tất cả bản quyền sáng chế của nhà máy này và bắt đầu sản xuất xe hơi giá rẻ, mà đến năm 2006 có thương hiệu Haoging. Về hình mẫu, chiếc Haoging rất giống chiếc Daihatsu Charade của Nhật Bản. Phía Nhật rất muốn kiện Li về sao chép bản quyền, nhưng chỉ dọa thế thôi mà không làm được gì. Hơn nữa, từ năm 2001, chính phủ Trung Quốc đề ra kế hoạch “Hàng chất lượng cao giá rẻ”. Và theo các chuyên gia đánh giá Haoging dường như đạt được tiêu chí của kế hoạch vừa nêu. Tại Trung Quốc, xe của Geely bán với giá 40 ngàn tệ (5.860 USD) và bán được khá nhiều. Điều này giúp cho Trung Quốc trong năm 2009 tuy bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng là quốc gia đứng đầu về lượng bán xe ô tô. “Sắp sửa xe hơi của chúng tôi sẽ có mặt ở khắp nơi, giống như bật lửa Trung Quốc vậy”, Li Shufu tuyên bố và hứa đến năm 2015 sẽ sản xuất 2 triệu chiếc ô tô/năm. Cần nhớ, năm 2007, hãng của ông xuất xưởng gần 210 ngàn chiếc xe hơi, còn doanh thu đạt 1,5 tỉ USD/năm, bằng 1/2 doanh số của hãng Mazda. Có thể thấy về công nghệ, Geely không có gì mới. Tự động hóa trong sản xuất hầu như là con số không và hiện mới chỉ trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Tuy thế, từ năm 2004, Geely đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, đến năm 2005 niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Mùa thu năm 2009, Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đầu tư vào Geely 334 triệu USD. Đây là sự thừa nhận khuynh hướng toàn cầu hóa của hãng xe này. Nhưng chỉ như thế là chưa đủ, Li Shufu lấy tiền đâu để mua lại Volvo? Bởi lượng cổ phiếu của Geely hiện chỉ khoảng 20 tỉ tệ (2,9 tỉ USD). Với khả năng tài chính như thế, Li khó có thể “nuốt” trọn Volvo, chứ chưa nói đến việc tiếp tục đầu tư để phát triển Volvo Cars, nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Dường như Geely được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn để dòng xe Volvo sớm có mặt tại đất nước đông dân nhất thế giới này, cũng như chinh phục thị trường xe quốc tế. Ngay sau ký thỏa thuận với hãng Ford, cổ phiếu của Geely tăng giá trị gấp đôi tại Hồng Kông. Li Shufu - người chưa bao giờ xa lạ với sự phiêu lưu mang tính tiên phong, rất tin tưởng vào thương vụ mua lại hãng Volvo. Ông nói: “Sản xuất xe hơi không phải là bí mật hay khó khăn như mọi người thường nghĩ. Xe hơi - đó là đồ vật có 4 bánh xe, động cơ và tay lái”. Tuy nhiên hiện ngoài những thứ này, còn phải là công nghệ cao mà giữa Ford và Geely chưa thỏa thuận được các điều kiện bảo vệ sở hữu trí tuệ để ký kết hợp đồng. Hơn nữa, liệu người Thụy Điển có sẵn lòng chia sẻ các bí quyết công nghệ của mình? Để ký kết hợp đồng, chắc chắn giữa hai bên phải có sự nhượng bộ nữa, nhưng ngay từ bây giờ có thể nói chắc chắn rằng, một tương lai khác đang chờ đón Volvo Cars. Tốt hay xấu thì chỉ có thời gian mới đưa ra được câu trả lời. Phong Trần

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/tnotuansan/pages/201016/20100414150700.aspx