Libya đối mặt với công cuộc tái thiết đất nước

(Nguoiduatin.vn) - Hội đồng quốc gia chuyển tiếp Libya (NTC) đã chỉ định một chính phủ mới hôm thứ Ba vừa qua, ba ngày sau khi Saif al-Islam – con trai của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi bị bắt.

Saif là thành viên quan trọng cuối cùng của gia đình Gadhafi bị bắt hoặc bị giết. Hôm chủ nhật, lực lượng nổi dậy Libya đã bắt giữ và giam cầm cựu thủ lĩnh tổ chức tình báo Libya Abdullah Sanusi.

Tuy nhiên, việc bắt giữ Saif và Sanusi không có nhiều ý nghĩa đáng kể trong thời kỳ hậu Gadhafi ở Libya. Và mặc dù dấy lên cuộc tranh cãi về việc Saif sẽ bị xét xử bởi NTC tại thành phố Tripoli hay Tòa án Hình sự quốc tế tại Hague thì phiên tòa xét xử nhân vật này cũng không còn là điều quan trọng. Tốt hơn cả, những sự phát triển mới là phần quan trọng trong chương cuối cùng của cuộc nội chiến tại Libya.

Những đống đổ nát như thế này sẽ khiến người dân Libya cần phải nỗ lực hơn

Các lực lượng trung thành với ông Gadhafi có lẽ đã mất đi tất cả những hy vọng về những sự thay đổi, nhưng xung đột tại Libya vẫn sẽ tiếp diễn. Thay vì là một chính quyền có hiệu lực, NTC lại trở thành một khối liên minh lỏng lẻo của ít nhất bốn nhóm chính trị - dân chủ, đại diện các bộ lạc, những nhân vật quân chủ cũ và những người có quan điểm Hồi giáo cực đoan.

Có những sự khác biệt rất lớn giữa các lực lượng này, đặc biệt là giữa những người dân chủ, thủ lĩnh các bộ lạc và những người Hồi giáo cực đoan.

Những người theo xu hướng dân chủ hy vọng đưa ra mô hình dân chủ phương Tây hiện đại, nhưng thủ lĩnh các bộ lạc và những người Hồi giáo cực đoan lại muốn tái thiết lại xã hội truyền thống bị chi phối bởi các luật lệ Hồi giáo. Đó chỉ là khoảng trống tuy nhỏ nhưng rất khó vượt qua bởi sự khác biệt của các nhóm này.

NTC không có đủ quyền lực và sức mạnh vật chất cần thiết để điều khiển họ. Theo các báo cáo, khi mà chủ tịch của NTC là ông Mustafa Abdul Jalil trình bày bài phát biểu tại Tripoli hồi tháng 9, thậm chí ông đã không thể ngăn chặn được các lực lượng của mình bắn súng bừa bãi trong dịp chào mừng gần Quảng trường Martyr.

Bên cạnh đó, chế độ mới cần những nhân viên có trình độ, kinh nghiệm và chuyên nghiệp để bổ nhiệm vào những ghế trống trong chính quyền và các lĩnh vực khác của quốc gia, nhưng những người như thế này rất hiếm tại Libya bởi ông Gadhafi đã làm xói mòn bộ máy chính quyền hiện đại trong suốt 42 năm tại vị. Với việc tất cả các đảng phái chính trị bị cấm hoạt động kể từ năm 1972, người dân Libya không có trải nghiệm về quan điểm chính trị hiện đại và sẽ rất khó khăn trong việc phát triển một bầu không khí chính trị lành mạnh.

Vấn đề kinh tế là một nhân tố quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Gadhafi. Thu nhập GDP bình quân theo đầu người của người dân Libya là 13.000 đô la mỗi năm trước khi cuộc nội chiến xảy ra, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại đất nước này đạt tới gần 30%, đã buộc những người trẻ tuổi cầm súng chống lại ông Gadhafi.

Nhưng cũng những con người trẻ tuổi này, giờ đây được vũ trang súng ống, có thể gây nên sự lo lắng hơn cho xã hội nếu như họ không thể tìm kiếm được việc làm. Chỉ một tuần trước đây, một cuộc đấu súng giữa lực lượng du kích đã đột ngột bùng phát gần Tripoli và sau 4 ngày đã khiến cho rất nhiều người chết.

NTC phải khôi phục lại trật tự xã hội trước khi quá muộn. Và cách duy nhất họ có thể làm là khôi phục kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn nữa, những vấn đề thậm chí thách thức họ nhiều hơn cả khi ông Gadhafi cầm quyền. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nói rằng các hoạt động kinh tế của Libya đã giảm đi quá nửa bởi cuộc nội chiến và các sản phẩm dầu thô - nguồn lợi chiếm hơn 70% nền kinh tế - không thể hồi phục lại cho tới nửa cuối năm 2012. Sự sụt giảm giá dầu trên thị trường quốc tế có thể khiến nhiều vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với NTC.

Ngoài ra, không giống Afghanistan hay Iraq, Libya không thể trông chờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ hay các đồng minh phương Tây của mình trong việc tái thiết đất nước bởi chính họ cũng đang phải gồng mình chiến đấu với các cuộc khủng hoảng. Iraq và Afghanistan đã cho thấy rằng tỷ lệ lợi nhuận thấp trong việc tái thiết sau chiến tranh ít có sức hấp dẫn đối với những nhà tài phiệt tư nhân đầy tham lam. Bên cạnh đó, các chính phủ nước ngoài có thể không mấy thiết tha giúp đỡ Libya trong việc tái thiết đất nước bởi những “bài học xương máu” tại Iraq và Afghanistan vẫn còn “như mới” trong ký ức của họ.

Quân đội nước ngoài cũng sẽ giúp đỡ nhưng không được lâu dài. Trên thực tế, “mẫu hình Libya” là một trường hợp đặc biệt trong vũ đài chính trị quốc tế hiện đại và có thể không có “bản sao” thứ hai.

NATO đã phá vỡ thông lệ quốc tế và đã vi phạm giải pháp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc bằng việc ném bom toàn diện Libya. Bởi vậy, họ không có lựa chọn là phải rút quân khỏi Libya khi mà ông Gadhafi đã chết.

Hơn nữa, gánh nặng chi trả cho cuộc chiến chống lại ông Gadhafi đã làm tiêu hao nguồn lực của các nền kinh tế phương Tây. Theo báo cáo gần đây nhất, nhiệm vụ của Libya là phải trả cho Pháp 413 triệu đô la vào tháng 10. Có lẽ, đó là lý do tại sao NATO đã kết thúc “sứ mệnh” quân sự gần như ngay lập tức sau cái chết của ông Gadhafi.

Bởi vậy, sau khi lật đổ ông Gadhafi, người dân Libya giờ đây đang phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng khó khăn khác, đó là việc xây dựng mọt quốc gia dân chủ và thịnh vượng.

Tuy nhiên, có một điều rõ ràng rằng: Một quốc gia có thể xây dựng được một nền dân chủ và có được sự thịnh vượng chỉ bằng những nỗ lực của chính những người dân của họ chứ không phải bằng những sự can thiệp của nước ngoài. Đó là bài học lớn cho bất cứ một quốc gia nào.

Chí Thành

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/libya-doi-mat-voi-cong-cuoc-tai-thiet-dat-nuoc-a21389.html