Libya: Liệu Gaddafi có đang trở lại?

Tất nhiên, không thể có chuyện nhà độc tài khét tiếng Muammar Gaddafi đội mồ sống dậy được. Ông đã bị bắt và bị bắn chết ngày 20/10/2011. Nhưng mọi chuyện tại Libya vẫn chưa kết thúc. Giờ đây, khi đất nước lại lâm vào cuộc huynh đệ tương tàn, thì người ta bắt đầu nhìn thấy một người con trai của ông xuất hiện!

Saif al - Islam Gaddafi

Saif al - Islam Gaddafi là ai?

Hiện, tại Libya đang diễn ra cuộc thư hùng giữa tướng Khalifa Haftar, đại diện cho Nghị viện ở Tobruk ở miền Đông, được Ai Cập ủng hộ cả về quân sự lẫn ngoại giao, và Fayez Mustafa al - Sarraj, người đứng đầu chính phủ ở Tripoli, được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng không kiểm soát nổi thậm chí chỉ riêng thành phố Tripoli.

Cuộc nội chiến tại Libya đã bùng phát dữ dội trở lại giữa hai lực lượng đang kiểm soát quốc gia Bắc Phi này, nhằm tranh giành nguồn lợi ích từ các giếng dầu.

Cuộc khủng hoảng toàn diện tại Libya thời hậu Gaddafi đã có dấu hiệu bước vào một giai đoạn nguy hiểm khi mà các tác giả từng đạo diễn xóa bỏ “chế độ độc tài” năm xưa cũng phải bất lực.

Đến giờ phút này thì người dân Libya lại cảm thấy “nhớ” Gaddafi. Mặc dù ông ta là kẻ độc tài, nhưng đối với đa số người dân nước này, Gaddafi đã đảm bảo cho họ một cuộc sống yên bình, sung túc. Chỉ đến sau khi Gaddafi bị lật đổ, đất nước giàu có này đã rơi vào cảnh hỗn loạn. Hai bên kình địch nhau vẫn chưa có dấu hiệu buông vũ khí để thành lập một chính phủ thống nhất, bởi những toan tính chính trị của cả hai bên đều cao hơn sự toàn vẹn của quốc gia.

Đúng trong lúc này, phía chân trời thấy xuất hiện một đấu thủ mới, rất có thể sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng tại đất nước Libya. Đó cũng không phải người mới hoàn toàn, bởi tên anh ta là Saif al - Islam Gaddafi - con trai thứ hai của nhà độc tài khét tiếng. Năm năm trước, đội quân nổi dậy đã bắt được Saif al - Islam khi ông này định chạy sang chỗ người em của mình là Saadi Gaddafi ở nước láng giềng Niger và bị giam tại Zintan.

Saif al - Islam là một người có học thức cao trong gia đình. Năm 1995 ông nhận bằng kỹ sư. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế và Chính trị London và nhận bằng tiến sĩ vào năm 2008.

Khi ông Gaddafi còn đang ngự trên cao, Saif al - Islam đã giúp cha mình điều hành đất nước. Là người có cái nhìn riêng về tương lai của đất nước Libya, muốn thay đổi đất nước một cách từ từ, nhưng do hiểu tính cách độc tài của cha mình, vì thế ông quyết định rút lui khỏi chính trị.

Năm 2011, mùa xuân Ả rập đã diễn ra và làm thay đổi mọi thứ, không chỉ đối với Gaddafi và gia đình ông, với Saif al-Islam, mà còn đối với cả đất nước Libya. Kẻ độc tài đã chết, ba người con của ông ta cũng chết. Những gì xảy ra tiếp theo bây giờ ai cũng đã rõ.

Đúng vào lúc này, Saif al-Islam xuất hiện trở lại. Chưa biết trong tương lai, mọi việc sẽ ra sao, nhưng trong bối cảnh các phe phái ở đất nước này kiên quyết không chịu ngồi với nhau trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, nhiều người nhìn thấy ở Saif al-Islam một nhà kiến trúc tương lai của đất nước Libya mới.

Điều đó là hoàn toàn có thể. Thông qua các bộ tộc Zintan và lực lượng dân quân của ông, Saif al-Islam có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của dân chúng Libya. Người ta không lạ gì ông, với họ, ông vẫn có uy tín, có tài năng như cha mình nhưng không tàn nhẫn và kỳ dị như ông ta.

Có lẽ, chính phủ của al-Sarraj đã nhìn thấy trước một đấu thủ mạnh trong bất kỳ kịch bản chính trị nào của đất nước, và để tránh lặp lại bi kịch Gaddafi nên đã tổ chức phiên tòa ngày 28/7/2015 tại Tripoli kết án tử hình vắng mặt Saif al - Islam vì các tội ác gây ra trong cuộc nội chiến năm 2011 ở Libya. Tất nhiên, việc thi hành án không thể thực hiện và đến tháng 3/2017 thì Quốc hội ở Tobruk đã ân xá cho ông và đến tháng 7/2016 thì ông được giải thoát khỏi nhà tù.

Muammar Gaddafi khi còn sống

Liệu phương Tây có ủng hộ Saif al-Islam?

Sau khi Gaddafi bị lật đổ và bộ tộc Zintan bắt Saif al-Islam, Tòa án hình sự quốc tế kêu gọi chuyển giao cho họ để tổ chức phiên tòa công bằng xét xử vai trò của ông trong việc đàn áp cuộc khởi nghĩa năm 2011. Tuy nhiên dân quân bộ tộc Zintan đã từ chối.

Việc phương Tây yêu cầu chuyển giao Saif al-Islam có thể có hai lý do:

Thứ nhất, là giá trị về chính trị mà Saif al-Islam có thể có được trong tương lai của Libya, thứ hai là số của cải của ông này, có thể là rất lớn, hàng tỷ đô la chứ không ít.

Rất có thể, trong thời điểm này, phương Tây cũng không phản đối để Libya ổn định trở lại và được lãnh đạo bởi một chính phủ mạnh và một lãnh tụ có uy tín. Hiện nay, cả hai nhân vật chính đang tranh đấu với nhau giành quyền lãnh đạo Libya đều không có đủ những yếu tố của một người có thể đưa đất nước này đi đến một tương lai hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.

Theo ý kiến của một số nhà quan sát trong thế giới A rập, nhân vật đầu tiên là Khalifa Haftar, ngoài vấn đề có nhiều mối quan hệ phức tạp với Ai Cập, với Nga, với Mỹ - điều này báo chí đã nói nhiều - thì nay tuổi tác đã cao, lại không có nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị. Nhân vật thứ hai là al-Sarraj, mặc dù được Liên Hợp quốc ủng hộ, nhưng lại chịu ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo và không được người dân kính trọng.

Từ tất cả các yếu tố trên có thể thấy, Saif al - Islam hoàn toàn có thể là một người có thể chấp nhận được đối với người Libya. Ông còn trẻ, năm nay mới 44 tuổi, có học vấn cao, có kinh nghiệm hoạt động chính trị và có thể lôi kéo được số lượng lớn người ủng hộ trong nước.

Tất nhiên, tất cả những điều đó chỉ có thể xảy ra một khi có được sự ủng hộ của Liên đoàn A rập, Ai Cập, Italia và có thể là của Nga nữa. Mỹ thì do đã có sự thay đổi chính quyền, mà Trump thì đặt vấn đề trong nước cao hơn, có lẽ sẽ không can thiệp quá tích cực vào quá trình chính trị ở Libya. Khalif Haftar thì có thể không đồng ý với quan điểm cho rằng ông đã quá già, bởi hiện nay ở Libya, chỉ có ông ta mới có thực lực và hiện vẫn đang đủ khéo léo trong việc đi dây giữa các đấu thủ lớn trong khu vực. Ông có cả một quân đội có sức chiến đấu mạnh và hiện đang kiểm soát các vùng có mỏ dầu chủ yếu của Libya và cả các cảng dầu để xuất khẩu món vàng đen này. Nghĩa là ông cũng có nhiều tiền nữa. Tuy nhiên điểm yếu của ông này, ngoài chuyện tuổi tác cao, còn là vấn đề chính quyền Tobruk mà ông ủng hộ lại không được quốc tế thừa nhận.

Trong bối cảnh đó, có lẽ phương án khả thi nhất là Saif al Islam trở thành đồng minh của Khalif Haftar để có thêm sức nặng trong việc đối thoại với các bộ tộc Beduin, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy có thông tin gì về việc đó.

Một nguyên nhân rất quan trọng khác, đó là ân oán giữa Gaddafi cha và Khalif Haftar. Hai người đã có thời là chiến hữu của nhau, cùng nhau làm binh biến, giành thắng lợi. Sau đó, một người thì làm nguyên thủ, một người phụ trách quân đội. Thân thiết đến mức Gaddafi cha đã nhận Haftar là “con nuôi” dù tuổi tác chênh lệch có 1 tuổi. Mọi sự thay đổi vào năm 1987, trong cuộc chiến tranh với Cộng hòa Sát, Haftar - khi đó là Tổng Tham mưu trưởng quân đội, ông bị bắt làm tù binh trong một hoàn cảnh không rõ ràng. Gaddafi cho rằng, những viên tướng của ông không có quyền để bị bắt sống, vì thế đã công khai từ bỏ Haftar. Về phía mình Haftar coi đó là sự phản bội của Gaddafi. Trong tù, ông đã cùng các bạn tù lập ra nhóm với mục tiêu lật đổ Gaddafi. Năm 1990, nhờ có sự can thiệp của Mỹ, Haftar được thả và sang tỵ nạn ở Mỹ. Năm 1993, chế độ của Gaddafi đã kết án tử hình vắng mặt ông. Năm 2011, Haftar đã từ Mỹ quay trở về, trở thành một trong những chỉ huy lực lượng nổi dậy lật đổ Gaddafi. Nói qua như thế để thấy, ân oán giữa hai nhà là sâu sắc lắm.

Trong bối cảnh đó, việc Saif al Islam và Haftar có thể ngồi lại với nhau hay không còn là chuyện chưa thể nói trước. Chỉ biết rằng, cả hai đều có thể đã hiểu, nếu giữ mãi hận thù thì kết cục đều không có gì hay cho từng người và cho cả đất nước Libya. Và nếu họ có thể hợp tác được thì tình hình Libya sẽ có những biến chuyển rất khác. Và đó chính là câu chuyện Gaddafi trở lại Libya.

Libya là quốc gia ở Bắc Phi, nằm bên bờ biển Địa Trung Hải. Diện tích 1.759,541 km2, đứng thứ 17 thế giới. Dân số khoảng 6,5 triệu người (2015).

Hà Khoa -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/libya-lieu-gaddafi-co-dang-tro-lai-115814.html