Lịch sử đặc biệt ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3

ANTĐ Ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm tại nhiều nước trên thế giới. Đây là ngày để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của mỗi người phụ nữ trong mỗi quốc gia, dân tộc; ở các lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế hay chính trị.

Ngày Quốc tế Phụ nữ cũng là dịp để chúng ta nhìn lại các cuộc đấu tranh trong quá khứ và những thành tựu giải phóng phụ nữ; quan trọng hơn là để khai thác những tiềm năng và cơ hội của các thế hệ phụ nữ tương lai.

Vào năm 1975 - Năm Quốc tế Phụ nữ, Liên Hợp Quốc đã bắt đầu kỷ niệm ngày 8 tháng 3 là ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, vào tháng 12 năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết tuyên bố ngày Liên Hợp Quốc về quyền của phụ nữ và hòa bình quốc tế.

Thông qua nghị quyết này, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận vai trò của phụ nữ trong các nỗ lực hòa bình và phát triển; bên cạnh đó kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử và tăng cường hỗ trợ cho sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ.

Dưới đây là một số dấu mốc quan trọng của ngày Quốc tế Phụ nữ:

Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên xuất phát từ các hoạt động của phong trào lao động ở Bắc Mỹ và châu Âu đầu thế kỷ XX.

Năm 1909: Ngày 28/2 là ngày Phụ nữ Quốc gia đầu tiên được tổ chức ở Hoa Kỳ. Đảng Xã hội Mỹ đã chọn ngày này để tôn vinh cuộc đình công phản đối điều kiện làm việc của những nữ công nhân dệt may ở New York năm 1908.

Năm 1910: Các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã có cuộc gặp ở Copenhagen, thành lập một ngày của phụ nữ, mang tính quốc tế, nhằm tôn vinh phong trào về các quyền của phụ nữ và xây dựng sự ủng hộ nhằm đạt được phổ thông đầu phiếu cho phụ nữ. Đề xuất này đã được hưởng ứng với sự chấp thuận, nhất trí của hơn 100 phụ nữ đến từ 17 quốc gia đã tham gia hội nghị, trong đó bao gồm 3 người phụ nữ đầu tiên được bầu vào quốc hội Phần Lan. Tuy nhiên, hội nghị này vẫn chưa chọn được một ngày cố định để làm ngày Quốc tế Phụ nữ.

Năm 1911: Như là kết quả của sáng kiến ở Copenhagen, ngày Quốc tế Phụ nữ được đánh dấu lần đầu tiên (vào ngày 19 tháng 3) ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ. Đã có hơn một triệu phụ nữ và nam giới tham gia cuộc biểu tình. Ngoài các quyền bầu cử và nắm giữ những chức vụ trong xã hội, họ yêu cầu các quyền của phụ nữ để làm việc, đào tạo ngành nghề và chấm dứt phân biệt đối xử trong công việc.

Năm 1913-1914: Ngày Quốc tế Phụ nữ cũng đã trở thành một cơ chế để phản đối chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Là một phần của phong trào hòa bình, phụ nữ Nga đã tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên của mình vào chủ nhật cuối cùng trong tháng Hai. Năm sau, tại những nơi khác ở châu Âu, vào những ngày trước, trong và sau ngày 8 tháng 3, phụ nữ đã tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối chiến tranh và thể hiện tình đoàn kết với các nhà hoạt động xã hội khác.

Năm 1917: Trong bối cảnh chiến tranh thế giới, phụ nữ ở Nga một lần nữa đã chọn ngày Quốc tế Phụ nữ để phản đối, đình công, đòi "Bánh mì và hòa bình" (“Bread and Peace”) vào ngày chủ nhật cuối cùng trong tháng hai (ngày 8 tháng 3 theo lịch Gregory). Bốn ngày sau đó, Sa hoàng Nicolas II đã phải thoái vị và chính phủ lâm thời trao cho phụ nữ quyền bầu cử.

Kể từ đó, ngày Quốc tế Phụ nữ đã mang một quy mô toàn cầu mới cho phụ nữ ở các nước phát triển và đang phát triển. Phong trào quốc tế phụ nữ phát triển và không ngừng được thừa nhận, củng cố bởi 4 hội nghị phụ nữ toàn cầu của Liên Hợp Quốc. Các hội nghị này để kỷ niệm và ghi nhớ những nỗ lực xây dựng các quyền; sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế.

Từ đây, ngày Quốc tế Phụ nữ là thời gian để nhìn lại những tiến bộ đã đạt được và kỷ niệm hành động dũng cảm, quyết tâm của phụ nữ - những người đã đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử của mỗi quốc gia và cộng đồng của họ.

Một số hình ảnh về lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ:

Lễ khai mạc Hội nghị thế giới - Năm Quốc tế Phụ nữ, Mexico 6/1975

Lễ khai mạc Hội nghị thế giới - Năm Quốc tế Phụ nữ, Mexico 6/1975

Hội nghị thế giới về Thập kỷ Phụ nữ của Liên Hợp Quốc, Copenhagen 7/1980

Bà Ellen Sirleaf tham gia vào một cuộc thảo luận trong ngày Quốc tế Phụ nữ, 1990

Tổng thư ký Boutros Boutros-Ghali tham dự cuộc họp ngày Quốc tế Phụ nữ, 1994

Bà Patricia Licuanan, Chủ tịch Ủy ban chính Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ IV Bắc Kinh, 9/1995

Bộ Haiti kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, Thủ đô Port-au-Prince, 2010

Mạnh Tuấn (Theo UN)

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/quoc-te/lich-su-dac-biet-ngay-quoc-te-phu-nu-83/539787.antd