Lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Hết)

Đức Phật là một nhân vật phi thường, tuy nhiên còn mang thân ngũ uẩn là còn chịu sự hoại diệt của định luật vô thường. Khi 80 tuổi, thấy niên cao sức yếu, con đường giáo hóa đã viên mãn, Đức Thế Tôn quyết định nhập Niết Bàn tại một làng mạc xa xôi, hẻo lánh là Kusinàrà (cách Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar ngày nay 180 dặm - khoảng 300 cây số - về hướng Bắc), mà không phải ở những đô thị lớn như Sàvatthi hay Ràjagaha.

Đức Phật là một nhân vật phi thường, tuy nhiên còn mang thân ngũ uẩn là còn chịu sự hoại diệt của định luật vô thường. Khi 80 tuổi, thấy niên cao sức yếu, con đường giáo hóa đã viên mãn, Đức Thế Tôn quyết định nhập Niết Bàn tại một làng mạc xa xôi, hẻo lánh là Kusinàrà (cách Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar ngày nay 180 dặm – khoảng 300 cây số – về hướng Bắc), mà không phải ở những đô thị lớn như Sàvatthi hay Ràjagaha.

Đức Phật tuyên bố nhập Niết Bàn

Đức Phật là một nhân vật phi thường, tuy nhiên còn mang thân ngũ uẩn là còn chịu sự hoại diệt của định luật vô thường. Khi 80 tuổi, thấy niên cao sức yếu, con đường giáo hóa đã viên mãn, Đức Thế Tôn quyết định nhập Niết Bàn tại một làng mạc xa xôi, hẻo lánh là Kusinàrà (cách Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar ngày nay 180 dặm – khoảng 300 cây số – về hướng Bắc), mà không phải ở những đô thị lớn như Sàvatthi hay Ràjagaha.

Trong thời gian cuối cùng còn lưu lại Magadha, Đức Phật đã giảng cho đại thần của Ajàtavattu nghe 7 điều kiện thịnh suy của một quóc gia, khi ông này tham vấn Thế Tôn về việc chinh phục nước Cộng hòa Vajjian. Nhân đó, Đức Phật cũng giảng 7 yếu tố thịnh suy của Giáo hội.

Rời Ràjagaha, Đức Phật đi về Ambalatthika, và đến Nàlandà, rồi qua Pàtaligàma; nhân Đức Phật đến viếng nơi này, dân chúng đặt tên cổng thành là Gotama. Từ đó, Đức Phật vượt sông Hằng và hướng về Kotigàma đến làng Nàdika và sau đó đi về Vesàli, nhập Niết bàn cuối cùng tại đây. Mỗi nơi chốn Ngài đi qua đều có dấu ấn của sự tế độ mọi người.

Trong năm này, Đức Phật đã tuyên bố giữa đại tăng: “Này Ananda, Giáo hội các đệ tử còn mong mỏi gì nữa ở Như Lai? Như Lai đã truyền dạy giáo pháp không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền. Về chân lý, Như Lai không bao giờ có bàn tay nắm lại của một ông thầy.” Và Ngài đã dạy rằng không nên nghĩ là có một ai phải lãnh đạo Giáo hội và Giáo hội phải tùy thuộc một ai, mà mỗi cá nhân phải là một giáo hội, một hiện thân của giáo pháp chân chính.

Ngài tiếp lời: “Như Lai đã già yếu, gần đến ngày lìa trần. Như Lan đã 80 tuổi, không khác nào cỗ xe quá cũ kỹ phải cần có những sợi dây để cột lại các bộ phận, giữ nó khỏi rời ra“. Và Ngài lại kêu gọi sự nỗ lực tinh tấn, giác tỉnh chính niệm, khước từ mọi tham ái thế gian, quán niệm Tứ niệm xứ của các Tỳ kheo.

Ngài nói thêm rằng: “Các ông hãy xem chính mình là hải đảo của mình, chính mình là nơi nương tựa của mình, không nên nương tựa bên ngoài. Hãy xem giáo pháp là hải đảo của các ông, giáo pháp như chỗ nương tựa, không nên nương tựa bên ngoài”. Ngài lại đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực cá nhân.

Mặc dầu tuổi cao sức yếu, đức Phật luôn vận dụng mọi cơ hội để khuyên dạy các Tỳ kheo bằng nhiều phương thức khác nhau.

Ở Càpalà, Đức Thế Tôn tuyên bố 3 tháng sau nhập Niết Bàn.

Trước đây, Đức Thế Tôn đã tạo cơ hội cho Ananda thỉnh cầu sự trụ thế lâu dài hơn nữa của Ngài, nhưng Ananda đã vô tình bỏ qua; giờ nghe Đức Phật tuyên bố như vậy, Ngài liền khẩn cầu nhưng bị từ chối.

Trước khi cùng Ananda đi về Mahàvana, Đức Phật đã giảng cho đại chúng nghe về tính cách vô thường của cuộc sống khi thấy họ quá u sầu não.

Triệu tập Tăng chúng quanh thành Vesàli, đức Phật nói lời cuối cùng và đưa mắt nhìn thành phố này lần chót và đi về Kusinara. Trên đường đi, Ngài dừng lại nhiều nơi để hóa độ kẻ hữu duyên. Ở Pava, người thợ rèn Cunda (Thuần Đà) cúng dường cho đức Phật món sùkasamaddhara (nấm rừng).

Ngài hoan hỷ nhận lãnh và dặn kỹ nên chôn phần còn lại. Sau bữa cơm này, Đức Phật bị kiết lỵ rất nặng. Với tinh thần bình thản, Ngài nói những lời chúc phúc để trấn an và thanh minh cho Cunda và từ giã đi về Kusinara cách Pava 6 dặm (khoảng 9 cây số), nơi có dòng tiểu vương của bộ tộc Malla ở.

Đến nơi, giữa hai tàng cây sala, Ngài nằm tĩnh lặng, nghiêng mình về hông mặt, chân trái để trên chân phải duỗi thẳng, đầu quay về hướng Bắc. Cây sala trổ bông trái mùa như để cúng dường cho ngài đại tang. Mọi người mọi cách biểu hiện sự kính lễ. Đức Phật lại dạy cách tỏ lòng kính ngưỡng và tôn sùng Đức Thế Tôn là hãy tuân thủ giáo pháp, tinh tấn tu hành, phẩm hạnh trang nghiêm.

Kế đó, Ngài đề cập đến 4 thánh tích (nơi Đản sinh, Thành đạo, Chuyển pháp luân lần đầu tiên và nơi Nhập diệt) liên quan đến đời sống của một đức Phật, nếu với lòng thành kính chiêm bái sẽ được nhiều lợi lạc.

Sau khi độ cho tu sĩ ngoại đạo Subhadda và đây là người đệ tử sau cùng, Đức Thế Tôn bảo Ananda báo cho dân chúng người Malla biết rằng Ngài sẽ nhập Niết bàn vào canh cuối đêm nay, cũng như căn dặn Ananda không nên bận tâm với việc phải làm vẻ vang long trọng đối với nhục thể của Như Lai, mà hãy tận lực tinh tấn để chu toàn hạnh phúc cho chính mình.

Được tin qua hàng nước mắt ràn rụa của Tôn giả Ananda, dân chúng Malla thành Kusinara tấp nập kéo về quây quần quỳ bên Đức Phật, cùng rừng cây sala chứng kiến giây phút thiêng liêng duy nhất trong đời và nghe những lời dạy sau rốt của Đức Bổn sư:

“Này Ananda, đừng nghĩ rằng chỉ còn lại giáo pháp cao cả mà không còn bậc Đạo sư nữa. Pháp và luật mà ta đã dạy bảo, đó là Đạo sư của các ông. Này Ananda, Tăng chúng nếu muốn có thể bỏ các giới luật phụ và nhỏ, sau khi Như Lai nhập diệt. Có một nghi ngờ, thắc mắc, phân vân gì liên quan đến Phật Pháp Tăng, đến đạo, đến phương pháp, hãy hỏi đi, đừng để sau này hối tiếc”. Đức Thế Tôn nói như vậy ba lần, nhưng cả đại chúng đều im lặng.

Và Đức Đạo Sư đã khuyến tấn các đệ tử câu cuối cùng:

Hỡi các đệ tử, Như Lai khuyên các con, các pháp hữu vi đều vô thường, hãy tận lực, liên tục chuyên cần“.

Đó là di huấn tối hậu của Đức Thế Tôn.

Thế rồi Đức Bổn sư yên lặng nhập và xuất sơ thiền. Lần lượt nhị thiền v.v… đến nhập và xuất Diệt thọ tưởng định. Ngài lại nhập và xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ định và lần lượt ngược trở lại đến nhập và xuất sơ thiền. Và khi nhập và xuất lần thứ hai ra khỏi tứ thiền, Đức Thế Tôn nhập Vô dư Niết bàn.

Kim thân của Đức Phật được đưa đến Makutabandhana để cho mọi người chiêm bái, và sau 7 ngày được cử hành lễ trà tỳ dưới sự tổ chức của ngài Maha Kassapa. Xá lợi được chia làm 8 phần theo thỏa thuận của cuộc họp do ngài Maha Kassapa, đại vương Ajàtasattu và ông Dona đứng chủ trì và phân phối cho 8 quốc gia lớn nhỏ cùng dân tộc Malla, xây tháp tôn thờ. Ông Dona xin được thờ phụng cái bình đựng xá lợi khi vừa thiêu xong. Những người Maurya ở Pipphalirana vì đến chậm, xin được lấy tro tàn của giàn hỏa để dựng tháp mà lễ bái.

Hình dáng của Như Lai khuất dạng từ đây. Con đường hoằng pháp lợi sinh của Đức Phật kéo dài hơn 45 năm. Từ lúc thành đạo cho đến lúc nhập Niết Bàn, Ngài không ngừng phục vụ chúng sinh bằng hai lối đời sống của chính bản thân và những lời dạy. Suốt cả con đường, đôi lúc đi một mình, lắm khi cùng đại chúng, từ làng mạc, rừng núi đến thung lũng đồi cao, ở xã thôn nghèo khổ đến phố tứ phồn hoa. Ngài đều có mặt và đưa tất cả trở về với giáo pháp chân như, giáo pháp của từ bi, tự do, dân chủ, bình đẳng, giải thoát.

Với sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn và một ý chí độ sinh dũng mãnh của đức Phật, ta có thể tán dương hay quan niệm Ngài là vĩ nhân trên tất cả những vĩ nhân, siêu nhân đứng trên mọi siêu nhân. Nhưng lời tán dương, việc làm tôn vinh, kính ngưỡng đức Phật đúng đắn nhất, ý nghĩa nhất phải là như lời dặn dò của Bổn Sư trước lúc Ngài ly trần:

“Này Ananda, không nên tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai theo cách như vậy. Bất cứ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di nào sống đúng với chính pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chính, thì chính người đó, tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai một cách tốt đẹp nhất”.

Tác giả: Gia Tuệ
Nguồn: Budsas.net

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/lich-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni.html