Lịch sử tiếp nhận Kinh Kim Cang ở Việt Nam

Kinh Kim cang tiếp tục nhận được sự quan tâm không nhỏ của các nhà nghiên cứu, học giả, đọc giả,.. có tâm huyết muốn tìm hiểu, trì tụng và tu tập theo. Các công trình nghiên cứu, tác phẩm, dịch phẩm, chú giải, sớ giải,… liên quan kinh Kim cang và tư tưởng kinh này vẫn lần lượt cho ra đời giúp tư tưởng kinh văn càng thêm đồ sộ, đa dạng và phong phú cả về chiều sâu và chiều rộng.

Mục lục bài viết

Kinh Kim cang tiếp tục nhận được sự quan tâm không nhỏ của các nhà nghiên cứu, học giả, đọc giả,.. có tâm huyết muốn tìm hiểu, trì tụng và tu tập theo. Các công trình nghiên cứu, tác phẩm, dịch phẩm, chú giải, sớ giải,… liên quan kinh Kim cang và tư tưởng kinh này vẫn lần lượt cho ra đời giúp tư tưởng kinh văn càng thêm đồ sộ, đa dạng và phong phú cả về chiều sâu và chiều rộng.

1. Dẫn nhập

2. Nội dung

Thay lời kết

Kinh Kim cang tiếp tục nhận được sự quan tâm không nhỏ của các nhà nghiên cứu, học giả, đọc giả,.. có tâm huyết muốn tìm hiểu, trì tụng và tu tập theo. Các công trình nghiên cứu, tác phẩm, dịch phẩm, chú giải, sớ giải,… liên quan kinh Kim cang và tư tưởng kinh này vẫn lần lượt cho ra đời giúp tư tưởng kinh văn càng thêm đồ sộ, đa dạng và phong phú cả về chiều sâu và chiều rộng.

TT TS Thích Hạnh Tuệ & SC Thích nữ Trung Hiếu

1. Dẫn nhập

Kinh Kim cang có vị thế đặc biệt trong hệ thống kinh điển Đại thừa đồ sộ của Phật giáo, nhất là ở Việt Nam. Kinh Kim cang thuộc hệ Bát nhã là một trong những bản kinh quan trọng và sớm nhất trong kinh điển Đại thừa Phật giáo. Bản kinh này do chính đức Như Lai tuyên thuyết và được biên tập cũng từ rất sớm ở Ấn Độ.

Trong tác phẩm Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử có đoạn khẳng định “Kinh Kim-cang thuộc văn hệ Bát-nhã… này đã được đức Phật giảng dạy đầu tiên tại thành Vương-xá, bắt đầu từ năm thứ năm kể từ khi đức Thế Tôn thành đạo và kinh Kim-cang Bát-nhã đã được đức Phật giảng dạy sau cùng trong văn hệ Bát-nhã”[1].

Theo sự phán giáo của ngài Thiên Thai Trí Giả (538-597), thì đức Phật thuyết kinh Kim cang vào thời kỳ thứ tư, tức thời Bát Nhã. Kinh thuộc loại biệt giáo và là một quyển trong sáu trăm quyển của bộ đại Bát nhã. Phật nói toàn bộ Bát nhã, tính tổng cộng trong 22 năm “nhị thập nhị niên bát nhã đàm”.

Nội dung chủ yếu của kinh Kim cang là làm sao hàng phục tâm và làm sao an trụ tâm. Đức Phật dạy: Muốn hàng phục tâm thì phải phát tâm độ tất cả chúng sinh vào chỗ vô sinh. Muốn an trụ tâm thì đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không nên trụ vào, buông xả mọi vọng tưởng. Chúng ta thấy rõ trong cả hai phương thức để hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm đều phải buông xả tất cả vọng chấp về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả vì hoàn toàn không có một pháp nào có thể được nhận thức cả.

Trong đoạn đầu của bản kinh Kim cang đã nêu rõ thời gian và địa điểm đức Thế Tôn tuyên thuyết bài kinh ấy. Có một lần ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của Thái tử Kỳ Đà do ông Cấp Cô Độc hiến cúng, lúc ấy có 1250 chư vị Tỳ kheo. Sau khi tuần tự khất thực về, nhân câu hỏi thưa thỉnh của Ngài Tu Bồ Đề đức Thế Tôn đã tuyên thuyết diệu pháp Kim cang này. Như vậy là, ở Ấn Độ bản kinh này xuất hiện lần đầu khi Thế Tôn tuyên thuyết bài kinh ấy.

Sau đó truyền miệng một thời gian mới được biện tập và ghi lại bằng văn tự. Căn cứ vào tác phẩm của Ngài Lokaraksa (Chi-Lâu Ca-Sấm) đã đến Trung Hoa và đã dịch Đạo hành Bát nhã, HT.Thích Thái Hòa nhận định “theo tôi văn bản thuộc văn hệ Bát-nhã và Kim-cang xuất hiện muộn nhất là vào những thế kỷ đầu trước TL, ấy là điều mà chúng ta có thể hiểu và chứng minh được”[2].

2. Nội dung

Ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ hai, ngài Chi Lâu Ca Sấm đã đến Trung Hoa và dịch kinh Đạo Hành Bát nhã. Sau đó vào năm 402, Ngài Cưu Ma La Thập thời Diêu Tần cũng đã đến nước này và dịch kinh Kim cang bát nhã. Thời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601 – 674), thì kinh này rất thịnh hành. Trong Pháp bảo đàn Ngũ Tổ khuyên: Kẻ Tăng người tục chỉ nên trì tụng kinh Kim cang liền được thấy tính, thẳng tới thành Phật. Từ thời Ngài Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713) về sau ở nước này kinh Kim cang lại càng đóng vai trò quan trọng trong thiền học Trung Hoa.

Hiện nay, những nhà phiên dịch Phạn-Hán ta thấy còn lưu trữ ở trong Đại Chính Tân Tu 7 và 8 như sau:

– Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Diêu Tần (khoảng năm 402 TL), La Thập dịch, tr 748, Đại Chính 8.

– Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Nguyên Ngụy (khoảng năm 508 TL), Bồ Đề Lưu Chi dịch, tr 752, Đại Chính 8.

– Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Nguyên Ngụy (khoảng năm 508 TL), Bồ Đề Lưu Chi dịch, tr 757, Đại Chính 8.

– Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Trần (khoảng thế kỷ VI), Chân Đế dịch, tr 762, Đại Chính 8.

– Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Tùy (khoảng thế kỷ VII), Cấp Đa dịch, tr 766, Đại Chính 8.

– Đệ Cửu Hội Năng Đoạn Kim Cang Phần, Đường (khoảng thế kỷ VII), Huyền Tráng, tr 979, Đại Chính 7.

– Phật Thuyết Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, Đường (khoảng thế kỷ VIII), Nghĩa Tịnh dịch, 771, Đại Chính 8.

Trong bảy bản Hán dịch, bản của Ngài La Thập được các vị cao Tăng, nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước chọn để làm định bản nghiên cứu, trì tụng và phiên dịch. HT Thích Trí Quang đã từng nhận định như sau: “Với văn dịch của La Thập, Kim cương hoa văn quả thật ý càng cao, từ càng giản, giản mà hoa. Đọc tụng cảm thấy tiêu sái, khoái sảng, thấy chẳng có gì mà không bỏ nổi, chẳng có gì mà không làm được”[3].

Hình vẽ trên trang đầu tiên của Kinh Kim Cương. Ảnh: Wikipedia.

Về các bản chú sớ kinh Kim cang tính đến hiện nay có rất nhiều bản qua các thời kỳ, đơn cử như: Kim Cang Bát Nhã Luận, 2 quyển, Vô trước Bồ tát tạo, Tùy, Đạt ma cấp đa dịch, Tr 757, Đại chính 25; Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh Luận, Vô trước bồ tát tạo, Tùy, Đạt ma cấp đa dịch, Tr 766, Đại chính 25;

Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh Luận, Thiên thân bồ tát tạo, Nguyên ngụy, Bồ đề lưu chi dịch, Tr 781, Đại chính 25; Kim Cang Tiên Luận, Thế thân bồ tát tạo, Kim cang tiên luận sư thích, Nguyên Ngụy, Bồ đề lưu chi dịch, Tr 798, Đại chính 25;

Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận Thích, Vô trước bồ tát tạo, Thế thân bồ tát thích, Đường, Nghĩa tịnh dịch, Tr 875, Đại chính 25; Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận Tụng, Vô trước bồ tát tạo, Đường, Nghĩa tịnh dịch, Tr 885, Đại chính 25; Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh Phá Thủ Trước Bất Hoại Giả Danh Luận, Công đức thi bồ tát tạo, Đường, Địa bà ha la đẳng dịch, Tr 887, Đại chính 25…

Đây là những dịch bản chú giải kinh Kim cang từ Phạn văn của các Luận sư Ấn Độ, còn đối với Trung Hoa, bản chú giải kinh Kim cang sớm nhất có thể là bản chú giải của Ngài Tăng Triệu ở thế kỷ thứ năm. Ngài Tăng Triệu là một trong những học trò xuất chúng của Ngài La Thập,…;

Đến đời Lương, Thái tử Chiêu Minh (502 – 556) phân chia Kinh Kim cang thành 32 đoạn để tiện việc nghiên cứu và chú giải. Kinh Kim cang do Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713) giảng; Vào đời Tùy, Ngài Trí Khải có sớ giải Kinh Kim cang với tên “Kim Cang Bát Nhã Kinh Sớ,…;Ở đời Đường, Ngài Khuy Cơ dựa vào dịch bản của Ngài La Thập làm ra hai cuốn tán thuật Kinh Kim cang, gọi là “Kim Cang Bát Nhã Kinh Tán Thuật”.

Ngoài ra có Ngài Tông Mật Khuê Phong với tác phẩm “Kim Cang Bát Nhã Kinh Sớ Luận Toát Yếu”; Ngài Trí Nghiêm với “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh Lược Sớ”….;Vào đời Minh, Ngài Tông Lặc và Như Khởi, với tác phẩm “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Chú Giải”; Khang Hy đời Thanh, Ngài Thạch Liêm Đại Sán có làm sớ giải gọi là “Kim Cang Trực Sớ”. Ngoài ra, còn có Kinh Kim cang Chư Gia, là trích dẫn những lời chú giải của các vị Thiền sư về Kinh Kim cang.

Vào đầu thế kỷ hai mươi, Thái Hư Đại Sư chú giải kinh Kim cang, ba cuốn. Ngài Tuyên Hóa từ Trung Hoa đã đến Hoa Kỳ, thành lập Vạn Phật Thánh Thành cũng đã chú giảng kinh Kim cang. Những bản dịch giảng và chú sớ vừa nêu chỉ là phần nhỏ các tác phẩm về kinh Kim cang ở Trung Hoa cho thấy được sự quan tâm của chư vị tổ sư, đại sư, học giả, hành giả… ở nước này về bản kinh Kinh cang.

Ngoài các dịch bản Hán, kinh Kim cang còn có bản dịch tiếng Tây Tạng từ bản Sanskrit khoảng thế kỷ thứ tám, với tên Pakpa Sherab kyi Paroltu Chinpa Dorje Chupa Shejawa Tekpa Chenpoy Do. Và nhiều bản dịch Anh ngữ từ Phạn văn như bản dịch của Max Muller, Oxford 1881 và của Eward Conze ấn bản năm 1956, đều dịch trực tiếp từ Phạn văn.

Bản dịch Anh ngữ của Thomas Cleary và bản Anh ngữ lược dịch của Thiền sư Nhất hạnh. Hai bản Anh ngữ nầy đều dựa vào bản Hán dịch của Ngài La Thập để dịch và cũng còn có nhiều bản dịch Anh ngữ khác.

Hiện nay, kinh Kim cang cũng đã được phiên dịch thành nhiều ngôn ngữ trên thế giới và đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với sự nghiên cứu, tu tập và ứng dụng vào đời sống của rất nhiều tăng, ni và phật tử trên thế giới.

Ở Việt Nam ta, trong tác phẩm Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào Việt Nam có nhận định rằng: “Bộ Bát thiên tụng Bát nhã do Khương Tăng Hội dịch tại Giao Châu vào đầu thế kỷ III được các nhà Phật học đánh giá là bộ kinh từ Ấn Độ xuất hiện xưa nhất trong toàn bộ văn hệ Bát nhã”[4].

Như vậy, rất có thể trong giai đoạn này kinh Kim cang đã xuất hiện ở nước ta nhưng những tài liệu cho việc truyền thừa và tu tập kinh Kim cang giai đoạn này chưa cụ thể. Hiện nay Tại Thư viện Hán Nôm – Hà Nội, đã lưu trữ trên 16 văn bản kinh Kim cang, được khắc in nhiều lần từ các bản gỗ. Ngoài ra còn tìm thấy bản kinh Kim cang thêu trên gấm, và các bản khắc in Kim cang chú giải,… Rất có thể trước 16 văn bản kinh Kim cang còn lưu trữ này đã có các văn bản kinh Kim cang xuất hiện trước nhưng đã bị thất lạc.

Đến giai đoạn của Thiền sư Thanh Biện (? – 686) vào TK VII ở chùa Kiến Dương, Ngài kế thừa dòng thiền Pháp Vân do Tổ Pháp Hiền thành lập, đồng thời đánh dấu được việc truyền thừa và tu tập bộ kinh này ở nước ta. Thiền sư Thanh Biện lấy kinh Kim cang làm sự nghiệp tu tập, lại được Ngài Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp khai ngộ (Ngài Huệ Nghiêm cũng tu tập theo kinh Kim cang).

Theo HT.Thích Thái Hòa: “kinh Kim cang có thể đã lưu truyền ở Việt Nam trước Thanh Biện vài thế hệ, nghĩa là kinh phải xuất hiện tại Việt Nam muộn lắm là thế kỷ thứ sáu. Và kể từ đó kinh Kim cang đã có một ảnh hưởng nhất định suốt dòng lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam trong đời sống tâm linh và xã hội xuyên suốt mọi thời đại”[5].

Các vị Thiền sư, cao tăng, vua, Phật tử có sức ảnh hưởng lớn ở nước ta hành trì kinh Kim cang qua các thời đại như: Đỗ Pháp Thuận (925 – 990) Thiền Sư Vạn Hạnh, Giáo lý vô niệm, Vô vi của văn hệ Kim cang bát nhã không những dừng lại ở nhiệm vụ hộ quốc an dân của vua Lý Thái Tổ mà còn ảnh hưởng đến các vị Thiền sư đời Lý (Thường Chiếu, Quảng Nghiêm…) và các vị vua nhà Lý như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Ỷ Lan Thái Phi,…

Đến thời Trần: có vua Trần Thái Tông nhiều lần tụng kinh Kim cang và ngộ câu “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” đồng thời có tác phẩm Thiền tông chỉ nam, tinh thần thiền học và tư tưởng của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông sau này đều với tư tưởng kinh Kim cang.

Năm 1321, Trần Minh Tông đã dùng kinh Kim cang để ra đề thi cho các Tăng nhân. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 6, 40b5-6), vị tổ thứ hai và thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm là Pháp Loa và Huyền Quang cũng ảnh hưởng kinh Kim cang trong đời sống tâm linh, đời sống giác ngộ của mình.

Đến thời hậu Lê, Phật giáo không còn giữ vai trò chủ đạo trên vũ đài chính trị, thay vào đó là hệ tư tưởng an dân trên nền tảng Nho giáo. Nhưng kinh Kim cang trong giai đoạn này vẫn có những ảnh hưởng nhất định. Vua Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông “đều dùng kinh Kim cang để ra đề thi cho các Tăng nhân”[6]. Trong Thời này, kinh Kim cang có ảnh hưởng đến Chân Nguyên – Tuệ Đăng (1647 – 1726). Và các vị tổ sư sau này như tổ Nguyên Thiều, Liễu Quán…

Đến triều đại Tây Sơn (1789 – 1802) chỉ có mười bốn năm với hai đời vua “Trong giai đoạn trị vì, đất nước có nhiều biến động và đa đoan, nhưng hai vị đều có dành thì giờ để đọc tụng, nghiên cứu kinh Kim-cang. Điều đó đã nói lên rằng, kinh Kim-cang đã có một sức hút mãnh liệt đối với đời sống trí tuệ và tâm linh của hai vị vua này”[7].

Các Thiền sư hành đạo ở triều Nguyễn tu tập theo tư tương kinh Kim cang như ngài Đạo Minh – Phổ Tịnh (?- 1816), chùa Báo Quốc – Huế; Tánh Thiên – Nhất Định (1784 – 1847), chùa Báo Quốc và Giác Hoàng – Huế; Hải Thuận – Diệu Giác (1806 -1892)….

Từ năm 1932, HT.Giác Tiên, cùng với chư Tôn Đức bấy giờ đã mở các trường Phật học tại Huế như Trúc Lâm, Tây Thiên, Thiên Hưng, Từ Quang, Vạn Phước, Linh Quang, Báo Quốc, Kim Sơn,…để đào tạo Tăng tài. Kinh Kim cang được đưa vào trong chương trình giảng dạy trong các trường Phật học.

Sau năm 1963, GHPGVNTN được thành lập, kinh Kim cang đã được đưa vào giảng dạy ở trong các Phật học viện, Trung đẳng, Cao Đẳng Chuyên Khoa Phật học và Phật khoa của Đại học Vạn Hạnh. Đến nay, kinh Kim cang vẫn được lựa chọn để giảng dạy tại phần lớn các trường Phật học từ thấp đến cao. Song song đó, ở nước ta kinh Kim cang là một trong số ít bản kinh được biên soạn trong quyển kinh Nhật tụng, nghĩa là kinh văn khuyên nên trì tụng hằng ngày.

Cho nên xưa nay, không những phần lớn hàng tu sĩ xuất gia mà những vị cư sĩ tại gia vẫn thường trì tụng bản kinh này. Đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói “Ngã độc Kim cương thiên biến linh” (nghĩa là: Ta đọc Kim cương hơn nghìn biến)

Cho đến hôm nay, kinh Kim cang vẫn là bộ kinh được phần lớn chư vị cao tăng thạc đức, tiền bối trứ danh, các nhà Phật học nghiên cứu và học giả quan tâm. Một số tác phẩm được Việt dịch, giảng giải trong thời cận hiện đại mà hiện tại người viết có thể tiếp cận như sau:

Năm 1943 dịch giả Đoàn Trung Còn cho in tác phẩm kinh Kim cang kinh. Đây là bản dịch âm Hán Việt giai đoạn đầu, khi dịch Kim cang kinh tác giả dựa vào bản hán văn của Ngài Cưu Ma La Thập và tham khảo các bản khác. Tác phẩm Kim cang kinh có tổng cộng 82 trang, với mục đích để hành giả dễ đọc tụng và có giá trị lịch sử với những giai đoạn đầu chuyển ngữ ở nước ta.

Năm 1949 cư sĩ Như Pháp cho ra đời tác phẩm mang tựa đề Kim cang chú giải. Tác phẩm này là kết quả của sự đối chiếu tỉ mỉ giữ bản chứ Phạn và chữ Hán và được xuất bản bởi Nxb Tôn Giáo năm 2010.

Năm 1955 HT.Thích Huệ Hưng hoàn thành bản dịch từ Hán văn ra Việt văn tác phẩm Kinh kim cang giảng lục do Thái Hư Đại sư giảng giải. Trong dịch phẩm ngoài phần kinh văn được dịch trọn vẹn còn phần giải thích được tác giả thêm bớt đôi phần. Bằng lối hành văn giản dị, xem qua ai cũng có thể dễ dàng thấu hiểu.

Trong bản dịch này, tác giả nhấn mạnh rằng “quả vị Vô thượng Bồ đề chỉ gây dựng với trí Kim cang Bát nhã, chớ không thể lập thành trên vọng tưởng điên đảo của phàm phu ngoại đạo… Bộ kinh Kim cang này là bộ kinh dạy về trí chân thật đó”[8].

Năm 1962 HT.Thích Tuệ Hải cho xuất bản quyển kinh Kim cương bát nhã ba la mật, trong gia đoạn tác phẩm này ra đời đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của đọc giả. Năm 1966 tác phẩm kinh Kim cương bát nhã ba la mật được Ban Hoằng pháp niềm Vĩnh Nghiêm tái bản. Quyển kinh Kim cương bát nhã ba la mật có phần nghi lễ, nội dung kinh văn để trì tụng và phần chú thích các từ khó hiểu trong bản kinh.

Năm 1964 HT.Thích Trí Tịnh dịch Đại Bát Nhã và trong thời gian này Hòa thượng cũng dịch kinh Kim Cang. Tác phẩm mang tựa đề Kinh Kim cang Bát nhã ba la mật. Tác phẩm này Hòa thượng dịch từ tác phẩm của Ngài Cư Ma La Thập với mục đích đọc tụng hằng ngày. Do đó, lời văn trong quyển kinh có phần vần điệu và dễ đọc tụng. Trong bản dịch có đoạn: “này Tu Bò Đề nếu vị Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, thời chẳng phải là Bồ tát” [9].

Năm 1965 Hòa thượng Thích Thiện Hoa hoàn thành việc dịch và lược giải kinh Kim cang trong vòng ba năm với nhiều ngoại duyên chi phối. Phần kinh Kim cang dịch và lược giải là tác phẩm cuối cùng kết thúc cây thang giáo lý 12 nấc (12 khóa trong Phật học phổ thông) mà tác giả đã hoài bảo 25 năm. Tác phẩm Kim cang này, dịch từ tác phẩm của ngài Cưu Ma La Thập và in trong bộ Phật học phổ thông quyển 3.

Trong bản dịch giải cố Hòa thượng Thiện Hoa giải thích từ Kim cang như sau: “Kim cương tánh nó rất cứng bén cũng không bị các vất phá hoại, trái lại còn phá hoại các vật như khoan sắt, đục đá, … Chất cứng của ngọc Kim cương đã có sẵn từ hồi nào đến giờ chứ không phải do rèng luyện mới có hay nhờ các vất bên ngoài tạo thành… Trí bát nhã cũng quý báo và sẵn có trong mọi người”.[10]

Năm 1970 tác phẩm Kim cang đại định được xuất bản bởi Nhà xuất bản Tri thức. Tác phẩm này được dịch giả Thuần Tâm Việt dịch từ tác giả Nawami. Nội dung tác phẩm tương đối cô đọng nhưng cũng rất dễ hiểu giúp người đọc dễ dàng tiếp cận kinh văn, trước khi phân tích giảng nghĩa kinh Kim cang tác giả sơ lược về tâm kinh Bát nhã để đọc giả đi vào kinh văn có phần sáng nghĩa hơn.

Trong tác phẩm Kim cang đại định tác giả Thuần Tâm nếu rõ: kinh này lấy thiệt tướng Bát nhã làm thể, quán chiếu Bát nhã làm tông, lấy phương tiện và văn tự Bát nhã làm dụng, lấy đại thừa rốt ráo làm giáo tướng[11].

Năm 1972, xuất bản tác phẩm Kim cương kinh giảng nghĩa, tác phẩm này do cư sĩ Giang Vị Nông giảng giải và được Đồ Nam lão nhân Việt dịch. Tác phẩm kinh Kim cương giảng nghĩa tương đối đầy đủ chi tiết bằng lời văn bình dị rõ ràng với hơn 600 trang giúp đọc giả dễ dàng trực nhận hàm nghĩa kinh văn.

Trong tác phẩm kinh Kim cương giảng nghĩa chỉ rõ trọng tâm kinh văn là “khiển trừ vọng tưởng chấp trước của chúng sinh. Vì trí tuệ giác tánh của Như Lai người nào cũng có đầy đủ chỉ do vọng tưởng chấp trước che lấp đi. Phật do đại sự nhận duyên xuất hiện ở thế gian là vì việc này” [12].

Năm 1975 nhà sách Trưng Vương phát hành đầu sách với tựa đề Kim cang tam muội đại Bát nhã ba la mật do tác giả Thuần Tâm dịch giảng. Tác phẩm này có 378 trang được chia thành 90 phẩm để dịch và giải thích kinh văn, cuối tác phẩm còn có tiểu từ điển để là rõ hơn nội dung bản kinh [13].

Năm 1984 tác phẩm Tư tưởng kinh Kim cang được hoàn thành. Tác phẩm này được Hòa thượng Thích Chơn Thiện dịch từ bản kinh Kim cang anh ngữ của Tiến Sĩ Conze. Tác phẩm Tư tưởng kinh Kim cang được tác giả trình bày tuần tự từng phần gồm có phần Anh ngữ, dịch nghĩa và lời bàn từ đó giúp đọc giả có thêm tư liệu đối chiếu và có thể tiếp cận ẩn nghĩa kinh qua lời bàn của tác giả.

Trong quyển Tư tưởng kinh Kim cang có đoạn nêu rõ tư tưởng kinh Kim cang và Nikaya như sau: “Dù có một số quan điểm khác biệt giữa các kinh điển của các bộ phái Phật giáo, giáo lý Tứ đế vẫn được chập nhận là giáo lý căn bản chung. Nếu ở Nikaya đề cập đến Khổ đế, Tập đế, Đạo đế và rất ít về Diệt đế. Thì ở Kim cương nhấn mạnh nhiều về Diệt đế và Đạo đế. Nếu tứ niệm xứ là giáo lý thiền định ở Nikaya thì ở Kim cương, Tứ niệm xứ vẫn là pháp môn căn bản của chứ Bồ tát an trụ”[14].

Năm 1985 tác phẩm Kim cang nghĩa tụng giảng giải được tác giả là Hòa thượng Giới Hương biên soạn xong. Sau đó Thích nữ Như Đức dùng bản thảo Kim cang nghĩa tụng giảng giải này cho in lại thành sách với mục đích tưởng nhớ bậc Thầy trong Phật Pháp và lưu truyền kinh văn rộng rãi đến đời sau. Trong tác phẩm có đoạn đức Phật dạy Tu Bồ Đề như sau “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”[15].

Năm 1987 Hòa thượng Thích Trí Quang hoàn thành bản dịch và giảng giải về kinh Kim cang, tác phẩm mang tựa đề kinh kim cương và duyệt xong năm 1993. Tác phẩm kinh Kim cương gồm có ba phần chính như sau: Phần tụng niệm kinh Kim cương bát nhã ba la mật được tác giả Việt dịch từ bản của Ngài Cưu Ma La Thập, để dễ tụng tác giả dịch câu bốn chữ và mỗi đoạn không lẽ câu tổng công có 52 đoạn và 1544 câu;

Phần dẫn nhập tác giả giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quát về kinh Kim cương như đại thể kinh Kim cương, vị trí kinh Kim cương hay cách dịch và tài liệu tác giả tham khảo khi dịch; cuối cùng là phần lược giả kinh Kim cương được tác giả chia thành 52 đoạn và giảng giải một cách khoa học giúp những đọc giả nghiên cứu chuyên sâu có thể làm tài liệu tham khảo.

Trong tác phẩm này, Hòa thượng Thích Trí Quang nêu rõ pháp thực hành theo kinh Kim cương là “phát tâm, trú tâm, và hàng tâm là quan trọng nhất. Thực hành theo Kim cương là như thế. Và như đã thấy, phát tâm, trú tâm và hàng tâm là vô trú bát nhã, được diễn đạt bằng chữ “phi”. So sinh với chữ “không” của toàn bộ bát nhã, chữ “vượt qua” (yết đế) của Bát nhã tâm kinh, thì chữ “phi” của Kim cương bát nhã hoạt bát hơn nhiều lắm” [16].

Đây là một trong những tác phẩm có thể Việt dịch và giảng nghĩa kinh Kim cương gần với nghĩa gốc nhất. Tuy vậy, do ngôn từ cô động mà hàm nghĩa cao xa nên tác phẩm có phần khó hiểu với những vị trong giai đoạn đầu tìm hiểu.

Từ năm 1990 đến năm 1991, Thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng kinh Kim cương trong khóa tu mùa đông tại làng Hồng và được các vị đệ tử của Thiền sư Nhất Hạnh biện tập lại thành sách. Tác phẩm được in lần đầu năm 1992 với tựa đề là Năng đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh (Vajracchedika Prajnãparamita Sutra).

Năng đoạn là có khả năng chặt đứt, chặt đứt những phiền não và mê lầm của chúng ta. Sau này đổi tên tựa sách thành Kim cang gươm báo chặt đứt phiền não. Những lời dạy của tác giả luôn chú trọng việc những điều nói trong kinh có dính líu gì đến sự sống hằng ngày không.

Với tâm niệm đó, đọc giả sẽ khám phá ra những điều thú vị trong tác phẩm cụ thể như đoạn:

“Thế Tôn thường đặc biệt hộ niệm và đặc biệt giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ tát….Những người con trai hiền và những người con gái hiền muốn phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác thì phải nương tựa và điều phục tâm của họ như thế này…..Có bao nhiêu loài chúng sinh hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai… ta phải đưa các loài đó vào Niết bàn tuyệt đối để được giải thoát. Giải thoát cho vô số vo lượng vô biên chúng sinh như thế mà kỳ thực ta không thấy có chúng sinh nào được giải thoát” [17].

Năm 1990 Hòa thượng Thích Thái Hòa [18] hoàn thành tác phẩm mang tựa đề Kim cang Bát nhã giới thiệu-dịch-chú giải. Tác phẩm được xuất bản năm 2017 và tái bản năm 2022. Đầu sách này có tổng cộng 930 trang được Hòa thượng Thích Thái Hòa dịch và giảng dạy chi tiết cụ thể. Bằng sự thực nghiệm và am tường lý kinh nên tác giả đã có thể dùng lời văn bình dị dễ hiểu mà lột tả ẩn nghĩa sâu mầu của kinh văn, song song đó tác giả cũng nếu lên hệ vàn A Hàm và Nikaya với những lời dạy tương đồng.

Như trong phần thực tướng vô tướng tác giả giải thích như sau: “Chính kiến được định nghĩa trong hệ A Hàm và Nikaya là thấy rõ Tứ thánh đế hay thấy rõ lý lưu chuyển và hoàn diệt của mười hai duyên khởi. Nhưng chính kiến trong kinh Kim cang Bát nhã ba la mật không dừng lại ở đó mà còn đi sâu hơn là thấy rõ thực tướng của tất cả pháp là vô tướng. Thực tướng vô tướng là Pháp thân của Phật….“phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”[19].

Năm 1990 Hòa thượng Thích Huyền Vi xuất bản kỳ đầu tác phẩm Chú giải kinh Kim cang và chính pháp chưa từng có. Tác phẩm này có hai phần chính: Phần một là chú giải về kinh Kim cang phần hai là phần chính pháp chưa từng có.

Năm 1992 tại Thiền viện Thường Chiếu Hòa thượng Thích Thanh Từ hoàn thành tác phẩm kinh Kim cang giảng giải. Hòa thượng giảng kinh Kim Cang tại Thiền viện Thường Chiếu và các thiền sinh, tác phẩm này được ban biên tập ghi ra từ băng nhựa ấy. Tác phẩm này không những là kết tinh sự hiểu biết và trí tuệ của HT Thanh Từ mà còn là kết quả của quá trình tư duy tu của tác giả. Nên khi đọc từng trang từng dòng giải thích kinh văn, người đọc có cảm giác như bản thân mình có thể thật chứng được, tu tập được với kinh Kim cang.

Trong tác phẩm có đoạn đức Phật dạy hàng Bồ tát như sau: “các Bồ tát lớn nên như thế mà sinh tâm thanh tịnh. Nên như thế là sao? Chẳng nên trụ sắc, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm, nên không chỗ trụ mà sinh tâm kia. Tức là đừng kẹt vào sáu trần đó mới thật là trang nghiêm cõi Phật, mới thật là cứu cánh của hàng Bồ tát” [20].

Năm 1995 tác phẩm Kim Cang quyết nghi ra đời đây là sản phẩm trí tuệ của Hạnh Huệ Tác phẩm này được giới thiêu và làm tài liệu tham khảo của dịch giả Nguyên Hiển với tác phẩm Luận kinh Kim cương giác nghĩa đoạn nghi.

Năm 1997 Tỳ kheo Thích Giác Quả dịch và giảng giải kinh Kim cang. Tác phẩm này lúc đầu là giáo án của tác giả khi giảng dạy các trường Phật học tại Huế, sau đến năm 2012 cho in cùng với phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa.

Nội dung bản dịch và giảng kinh Kim cang gồm hai chương: Chương một là trình bày nhận thức khái quát về kinh Kim cang gồm bốn mục là lịch sử hình thành kinh, lý do thành lập, tên kinh và nội dung căn bản của kinh; Chương hai là trình bày nội dung tư tưởng kinh Kim cang gồm việc dịch và phần tích giảng giả 32 đoạn trong kinh văn.

Năm 1998 khoảng đầu mùa hạ an cư, Tỳ kheo Thích Minh Điền hoàn thành tác phẩm Lược giải kinh Kim cương. Đến năm 2000 thỉnh HT Thích Thiện Siêu ghi lời tựa và tác phẩm chính thức xuất bản năm 2006. Tỳ kheo Thích Minh Điền với sự thấu hiểu, cảm nhận ý nghĩa kinh văn nên đã dịch và chú giải kinh Kim cương hầu tự chuyển hóa cuộc sống của mình ra khỏi những trói buộc vì si mê chấp thủ và góp phần nhỏ vào kho tàng sâu rộng của kinh Kim cương.

Đinh Sĩ Trang dịch và chú giải tác phẩm mang tựa đề Kim cang dễ hiểu. Dịch Hán-Việt-Anh và chú giải thật dễ hiểu. In lần thứ nhất tại Brisbane Úc Châu, năm 1998, In lần thứ nhì tại Nam Úc Úc Châu, năm 2005. Tác phẩm có 255 trang ngoài việc dịch và chú giải còn có bản chữ Hán và tiếng Anh để đối chiếu.

Mùa an cư năm Tân Tỵ (năm 2001) tại Thiền viện Trúc Lâm, Thích Thông Phương hoàn thành tác phẩm mang tựa đề kinh Kim cang giảng lục. Tác phẩm có 690 trang, ngoài lời tựa, lời dẫn nhập, giải thích đề kinh thì trong chính văn được chia là 32 phần đoạn được tác giả giải thích tỉ mỉ từng phần đoạn nhằm diễn tả một các dễ hiểu nhất về kinh văn này.

Trong tác phẩm có đoạn “Bồ tát không trụ tướng mà bố thí phước đó không thể lường như thế. Đó chính là diệu hạnh vô trụ. Diệu chính là không thể nghĩ bàn, đây cũng là chỗ sống của Bát nhã, chỗ an trụ vi diệu.” [21]

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo năm 2001 xuất bản tác phẩm mang tựa đề Năng đoạn Kim cương. Tác phẩm này với mục đích trình bày những ứng dụng giáo lý của đức Phật vào việc quản trị doanh nghiệp và đời sống, do Geshe Michael Roach viết bằng Anh ngữ, Trần Tuấn Mẫn dịch ra tiếng Việt. Bản tiếng Anh The Diamond Cutter được dịch từ một bản tiếng Tây Tạng là Pakpa Sherab Kyi Paroltu Chinpa Dorje Chupa Shejawa Tekpa Chenpoy Do.

Năm 2001 xuất bản tác phẩm Kim cang chư gia do Trần Huỳnh dịch. Trong tác phẩm này có nghi thức tụng, kinh Kim cang âm nghĩa được phân ra nhiều đoạn rõ ràng và Kim cang ngũ thập tam gia. Trong tác phẩm Kim cang chư gia có đoạn “Bồ Tát ưng ly nhất thiết tướng, phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề” [22].

Năm 2004, tác giả Thích Trúc Thông Quang giảng giải kinh Kim Cang cho thiền sinh tại đạo tràng Trúc Lâm Tuệ Quang. Tác phẩm này được hoàn thành do các thiền sinh ghi lại từ bài giảng của tác giả và lấy tựa đề là kinh Kim Cang giảng giải.

Năm 2004 cư sĩ Viên Minh hoàn thành dịch phẩm mang tựa đề Tìm hiểu kinh Kim Cương. Đến năm 2007, TT.Thích Nhật Từ ghi lời giới thiệu, tác phẩm này nộp lưu chiểu vào năm 2011 và được xuất bản bởi NXB Phương Đông.

Năm 2004 in tác phẩm tác phẩm do Thích Viên Giác Việt dịch mang tựa đề Đại thừa Kim cang kinh luận. Trong tác phẩm có đoạn “Kim cang dụ cho tính của mình. Kinh dụ cho tâm của mình. Nếu người nào rõ được tự tâm, thấy được tự tính của mình, người ấy trong tâm họ có Kim cang”[23].

Năm 2004 Nxb Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh xuất bản tác phẩm Toàn tập Trần Thái Tông được Ngài Lê Mạnh Thát nghiên cứu và công bố, trong tác Phẩm đó có kinh Kim cang tam muội.

Năm 2004 xuất bản tác phẩm kinh Kim cang do HT Tuyên Hóa giảng dạy và được Ban phiên dịch của Vạn Phật Thánh Thành dịch từ Hán văn ra Việt văn. Đầu tác phẩm có phần kinh văn sau là phần chú giải kinh Kim cang. Trong phần chú giả có ba chương lớn với chương một là giải thích tổng quát về tên kinh, chương hai giới thiệu về dịch giả Cưu Ma La Thập và chương ba là Ngài Tuyên Hóa biệt giảng văn nghĩa trong kinh. Tác phẩm có 192 trang với từng phần đoạn cụ thể bố cục khoa học giúp đọc giả dễ dàng tiếp cận kinh văn.

Năm 2005 nhân ngày vía Phật thành đạo Phật lịch 2549 HT Thích Trí Quang hoàn thành tác phẩm Bái sám theo kinh Kim cương. Tác phẩm có ba phầm chính yếu như: bài sám, tụng kinh và phụ lục lược giải Kim cương. Tác phẩm này không những có thể diễn bày được sự nhiệm mầu vi diệu của kinh Kim cương mà còn bộc bạch sự thành kinh đối với kinh qua từng câu lễ lạy.

Sự nhiệm mầu qua từng lời dạy như đoạn “Này Thiện hiện, hể có có đặc tướng thì đặc tướng ấy hoàn toàn là giả dối, nếu thấy đặc tướng là phi đặc tướng thì thấy Như Lai” [24] Sự bộc bạch thành kính với kinh như câu “kính lạy đức Thích Ca đã tuyên thuyết kinh Kim cương bát nhã một cách độc đáo, kỳ lạ”[25].

Năm 2006 Nguyễn Minh Tiến và Nhóm thực hiện đã dựa vào tác phẩm Kim cang kinh của Đoàn Trung Còn và các bản khác như bản Hán văn của Huyền Trang, Chân Đế, Nghĩa Tịnh và một số bản dịch Anh ngữ khác để soạn tác phẩm kinh Kim cang Bát nhã ba la mật. Trong bản dịch có có bài kệ “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”[26].

Tác phẩm này ngoài có giá trị tụng đọc còn có giá trị tham khảo đối chiếu. Trong tác phẩm ngoài bản Việt ngữ còn có bản Anh ngữ và Hán ngữ, cuối sách có phần phụ lục với bản Hán ngữ của Ngài Huyền Trang và bản dịch Anh ngữ của ngài Edward Conze.

Năm 2006 Thích Nhuận Châu hoàn thành việc chuyện ngữ Việt văn tác phẩm mang tự đề Kim cang tông thông. Tác phẩm này dịch từ bản của cư sĩ Tăng Phùng Nghi (Trung Hoa). Bản dịch giảng khá chi tiết và đầy đủ với 560 trang, nội dung tác phẩm được chia thành từng đoạn gồm có chính văn chữ Hán, âm Hán Việt, dịch nghĩa và giải thích gọi là “Thông rằng”. Tác phẩm Kim cang tông thông bằng lời văn gần giũ cách trình bày thứ lớp cùng với cước chú chi tiết giúp người đọc dễ dàng hiểu nghĩa lý kinh văn.

Năm 2006 Nxb Tôn Giáo xuất bản tác phẩm với tựa đề Kim cang quyết nghi và Tâm kinh trực thuyết Bát nhã ba la mật đa tâm kinh. Đây là dịch phẩm của Vương Gia Hớn, tác phẩm có kèm theo bản chữ Hán để dễ đối chiếu.

Năm 2007 hai tác phẩm Luận Kinh Kim Cương Bát Nhã của Bồ Tát Thế Thân, và Luận Kinh Kim Cương Bát Nhà của Bồ Tát Công Đức Thi, ra đời do Nguyên Huệ Việt dịch. Tác phẩm này được giới thiêu và làm tài liệu tham khảo của dịch giả Nguyên Hiển với tác phẩm Luận kinh Kim cương giác nghĩa đoạn nghi.

Năm 2008 cư sĩ Huyền Không hoàn thành tác phẩm thi hóa tư tưởng kinh Kim cang với tựa đề là Kim cang tinh yếu. Năm 2015 Nxb Tôn Giáo tái bản lần 2 tác phẩm Kim cang tinh yếu này.

Năm 2008, Luận kinh Kim cương giác nghĩa đoạn nghi, tác giả Thiền sư Hám Sơn và Nguyên Hiển dịch. Nxb Tôn giáo. Tác phẩm này được in lần đầu năm 1984 này được bổ túc tái bản. Tác phẩm có phụ bản anh ngữ để dễ đối chiếu.

Năm 2008 Nguyên Hiển dịch tác phẩm của Lục tổ Huệ Năng với tựa đề Kinh Kim cương Bát nhã giảng nghĩa. Tác phẩm được Nguyên Hiển hoàn thành năm 2008 nhưng đến năm 2009 mới xuất bản bởi nhà xuất bản Phương Đông.

Năm 2009 cho in tập sách Kim cang Bát nhã ba la mật kinh trực chỉ đề cương. Khơi đầu tác phẩm này là dùng làm giáo án của HT Thích Từ Thông giảng dạy Cao đẳng Phật học tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng về sau tập sách dần được nhiều đọc giả quan tâm và in thành sách phổ biến.

Tác phẩm chủ yếu có 35 chương trong 168 trang với bố cục được phân chia, đặt tên rõ ràng dễ hiểu cùng với phần trực chỉ ngắn gọn như sau: chương 1 là sinh hoạt hằng ngày gồm phần Việt dịch và phần trực chỉ đề cương (nêu lên trọng tâm của chương ấy), chương 2 nhân duyên đề khởi, chương 3 hàng phục tâm…

Trong chương 6 có đoạn “thế nên Như Lai dạy: pháp sai không chấp thủ đã đành mà pháp đúng cũng không nên bảo thủ….giáo pháp của Như Lai ví dụ như chiếc bè, người trí nương thuyền bè để qua sông, qua đến bờ kia rồi tì tự tại thong dong, người trí không khư khư ôm giữ thuyền bè nữa” [27].

Năm 2009 hai tác giả là Thích Hạnh Tuệ và Thích Thanh Quế cho ra mắt tác phẩm kinh Kim cang thực giải. Trong cùng năm 2009 hai tác giả cho ra đời một số kinh thực giải khác như: kinh Địa Tạng, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già, Hoa Nghiêm, Di Đà, Tứ Thập Nhị Chương, Bát Đại Nhân Giác, Phổ Môn, Pháp Hoa, Di Giáo, Tứ Niệm Xứ, Duy thức tam thập tụng… với mục đích giúp người đọc, người học,… dễ hiểu, dễ tiếp xúc và thực hành theo bằng lời văn giản dị, cô đọng, thiết thực và nghĩa lý rõ ràng.

Năm 2009 Thích Trí Thành giảng giải tác phẩm Kinh Kim cang giảng giải tại tổ đình chùa Hưng Phước. Tác phẩm có 189 trang với những lời giảng giải bình dị dễ hiểu. Trong tác phẩm này tác giả nhấn mạnh việc tu Bồ Tát đạo thì nên luôn để tâm vắng lặng, thanh tịnh, không tịch. Vì các vị Bồ Tát tâm lúc nào cũng luôn đầy đủ sáu Ba la mật.

Năm 2010 xuất bản tác phẩm kinh Kim cương của Thiền sư Osho. Đây là những bài giảng nói về kinh Kim cương của Thiền sư Osho tại đạo tràng Shree Rajneesh, Poona, Ấn Độ. Theo Thiền sư Osho toàn bộ bản kinh này đều liên quan tới cách trở thành chân không tuyệt đối, đây là món quà cơ bản nhất của Phật tặng cho thế giới.

Năm 2010 tác giả Thích Phước Tú hoàn thành bản giảng giải kinh Kim Cang. Đến năm 2011 tác phẩm này mới xuất bản bởi Nxb Tôn Giáo với nội dung có ban phần lớn là: dẫn khởi inh Kim Cang, kinh Kim cang và kinh Kim Cang giảng giải.

Năm 2012 Thích Tuệ Hải hoàn thành giảng giải, đến năm 2013 xuất bản tác phẩm với tựa đề Kinh Kim cương Bát nhã ba la mật bởi nhà xuất bản Tôn giáo. Tác phẩm này có hai tập tương đối chi tiết, đây là một trong những tác phẩm giúp đọc giả hiểu thêm về tư tưởng kinh Kim cang bằng lối văn giản dị, góp phần vào kho tàng kinh văn Kim cương thêm phong phú với nhiều góc nhìn và nhiều hướng tiếp cận.

Năm 2012 tác phẩm Khai thị luận Kim cang bát nhã ba la mật hoàn thành với tác giả là Thích Huệ Đăng. Đến năm 2013 mới được xuất bản bởi Nxb Tôn Giáo. Trước tác phẩm này, đồng tác giả có một tác phẩm liên quan kinh Kim cang là tác phẩm có tựa đề Luận giải Kim cang bát nhã.

Năm 2013 cư sĩ Lê Hồng Sơn cho xuất bản quyển sách kinh Kim Cang. Đây là bản Việt dịch từ tác phẩm của Lục tổ Huệ Năng giảng dạy. Quyển kinh Kim cang này được xuất bản bởi Nxb Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh.

Năm 2013, Tìm hiểu kinh Kim cương, Thích nữ Trí Hải, Nxb Hồng Đức, tác phẩm có 150 trang được tác giả phân thành 13 phần để dễ giảng giải như phần “khi Phật trải tòa ngồi”, “Hàng phục vọng tâm”,… “Toàn thể kinh Kim Cương hay nói rộng hơn, toàn bộ kinh Bát-nhã 600 quyển, là cốt yếu nhằm thuyết minh chân lý đệ nhất nghĩa gọi là tính không, hay Bát-nhã, hay Trung đạo”[28].

Năm 2013 xuất bản tác phẩm kinh Kim cương Tam muội do HT Thích Thái Hòa giới thiệu, dịch và chú giải. Tác phẩm có 285 trang đầy đủ, chi tiết và dễ hiểu giúp cho người đọc sơ cơ cũng có thể dễ dàng tiếp cận bản kinh mầu nhiệm này. Nội dung tác phẩm gôm có ba phầm chính là: Giới thiệu kinh Kim cang Tam muội, kinh Kim cang Tam muội và phần thư mục tham khảo.

Năm 2014 xuất bản lần đầu tác phẩm Pháp ngữ trong kinh Kim cang với nhà xuất bản Ananda Viet Foundation. Quyển Pháp ngữ trong kinh Kim cang do tác giả Ni sư Thích Nữ Giới Hương biên soạn. Tác phẩm này được nhiều sự đón nhận của đọc giả và được tái bản nhiều lần cả trong và ngoài nước, đến năm 2019 đã tái bản lần 4.

Năm 2015 tác phẩm kinh Kim cương bát nhã ba la mật hoàn thành được tác giả là Thích Như Minh cho xuất bản bởi Nxb Phương Đông. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tại Hoa Kỳ năm 2015 và tái bản lần sau cũng trong năm này nhưng ở Việt Nam.

Năm 2016 dịch giả Tỳ kheo Minh Như hoàn thành tác phẩm kinh Kim cang bát nhã ba la mật. Tác phẩm này được xuất bản bới Nxb Tôn giáo năm 2016, nội dung bản dịch có 2 phân là: nghi thức khai kinh và chính kinh.

Năm 2016 tác phẩm Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử xuất bản. Đây là tác phẩm của HT Thích Thái Hòa, nội dung tác phẩm gồm những phần như: Kim cang Bát nhã trong dòng chảy lịch sử; Tinh thần kinh Kim cang trong triều đại nhà Lý; Tuệ Trung Thượng Sĩ với nghĩa “như” của kinh Kim cang; Vua Trần Nhân Tông với kinh Kim cang; từ không lý đến vô niệm của kinh Kim cang đi đến hành động đại nghĩa và chí nhân của Nguyễn Trãi.

Đây là một trong những tác phẩm có giá trị lịch sử giúp cho người đọc có cái nhìn bao quát về bản kinh văn này và tầm quan trọng tư tưởng kinh Kim cang trong dòng chảy lịch sử qua các thời đại.

“Tất cả những gì có được trong cuốn sách này đều là vô trú đúng như tự tính của chính nó mà không phải vô trú của những ý niệm nhị nguyên sắc không, trong đục. Nên, mọi chữ nghĩa, tên gọi trong cuốn sách này đều là mây ngàn gió nội, bóng nguyệt dòng sông, bọt nước đổ dốc, ánh chớp lưng trời hay là tiếng rống của chú trâu đá giữa đêm trường cô tịch”[29].

Ngoài ra trong tác phẩm Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử của HT.Thích Thái Hòa có đề cập đến hai tác phẩm cùng tác giả là: kinh Kim cang Bát nhã, được dịch từ hai bản Phạn và Hán tại Chùa Phước Duyên ở Huế vào năm 2007; và tác phẩm Kinh Kim cang bát nhã chú giải, được hoàn thành tại Chùa Phước Duyên ở Huế vào năm 2011.

Năm 2016 xuất bản tác phẩm Đoạn trừ phiền não sức mạnh từ kinh Kim cương. Đây là tập giảng luận nổi tiếng của Khenpo Sodargye về kinh Kim cương và được Lê Tiến Thành dịch. Tác phẩm có hơn 150 trang gồm những phần chính như: Lời nói đầu; Nguyên văn kinh Kim cương; lời dẫn và giảng nghĩa kinh văn.

Năm 2017 tác phẩm với tựa đề Lược giảng kinh Kim cang ra đời. Tác phẩm này được HT.Thích Duy Lực dịch và giảng giải, Việt dịch dựa trên bản Hán văn của ngài Cưu Ma La Thập. Tác phẩm Lược giảng kinh Kim cang là một trong những tác phẩm có lối văn bình dị giúp người đọc dễ hiểu nội dung bản kinh Kim cang. Nội dung tác phẩm ngoài phần lược giảng kinh Kim cang còn có phần vấn đáp và phần hướng dẫn thực hành tham tổ thiền sư giúp làm rõ nghĩa hơn cho bản dịch giảng này.

Năm 2020 tác phẩm Kinh Kim cương Phạn – Việt với tác giả Lê Tự Hỷ được xuất bản bởi nhà xuất bản Hồng Đức. Tác Phẩm có 278 trang gồm những nội dung chính như sau: Lời nói đầu, vài điều nên biết trước khi bạn đọc bắt đầu đọc phần dịch Phạn- Việt, phần dịch Phạn-Việt, bản Việt dịch toàn văn kinh Kim cương, phần phụ lục- từ vựng Phạn-Việt trong kinh Kim cương và cuối cùng là phần tài liệu tham khảo.

Đây có một trong những tác phẩm có giá trị nghiên cứu và so sánh đối chiếu để làm rõ nghĩa kinh văn bằng chính văn chữ Phạn.

Năm 2021 Thích Thắng Giải cho xuất bản tác phẩm mang tựa đề Giải nghĩa kinh Kim cang Bát nhã và 33 bài kệ của các vị tổ Ấn – Hoa. Tác phẩm có 186 trang gồm những nội dung như sau: Lời thưa, giải nghĩa kinh Kim cang Bát nhã ba la mật đa, giải nghĩa Bát nhã tâm kinh, giả nghĩa các bài kệ truyền pháp của 33 vị tổ Ấn Hoa và tài liệu tham khảo.

Năm 2022 Nxb Hồng Đức xuất bản tác phẩm mang tựa đề Hiểu và thực hành kinh Kim cương. Đây là tác phẩm của Tâm Đạo Viên, tác phẩm có 2 phần giúp người đọc có góc nhìn mới về tư tướng kinh Kim cang này.

Thích Chân Quang xuất bản tác phẩm Luận giải kinh Kim cang. Tác phẩm có 661 trang với mong ước của tác giả là diễn giải kinh Kim cang để Phật tử có thể thấu triệt lý kinh và với mục đích đưa lý không đạt đến ý nghĩa rõ ràng nhất để người đọc người học dễ dàng tiếp cận và tu tập.

Trong Bộ Linh Sơn Đại Tạng có các bản dịch liên quan kinh Kim cang như: số 235, 236, 237 kinh Kim cang Bát nhã ba la mật; số 238 kinh Kim cang năng đoạn Bát nhã ba la mật; số 241 kinh Kim cang đảnh Du-già lý thú Bát nhã; số 273 kinh Kim cang Tam muội; số 789 kinh Kim cang đảnh Du–già niệm châu;…ngoài ra còn rất nhiều bản dịch khác từ Bộ Linh Sơn đại tạng như số 644, 1704,…

Kinh Kim cang và tư tưởng kinh còn xuất hiện trong rất nhiều kinh, cụ thể như Pháp bảo đàn; luận Đại trí độ trong phẩm tịnh Phật quốc độ thứ 82; kinh Duy Ma Cật “dùng trí tuệ Kim cang soi rõ tướng ấy, không có trói buộc…” [30]; Đại phương quảng Viên Giác kinh có chương Kim cang Tạng; kinh Bi Hoa “dĩ Kim cang huệ phá vô lượng vô biên chúng sinh chư phiền não sơn”[31].

Thay lời kết

Hiện nay, kinh Kim cang tiếp tục nhận được sự quan tâm không nhỏ của các nhà nghiên cứu, học giả, đọc giả,.. có tâm huyết muốn tìm hiểu, trì tụng và tu tập theo. Các công trình nghiên cứu, tác phẩm, dịch phẩm, chú giải, sớ giải,… liên quan kinh Kim cang và tư tưởng kinh này vẫn lần lượt cho ra đời giúp tư tưởng kinh văn càng thêm đồ sộ, đa dạng và phong phú cả về chiều sâu và chiều rộng.

Thông qua các bản dịch, chú giải, giảng giải,… bản kinh Kim cang của liệt vị Tổ sư, chư vị Cao Tăng tiền bối, các nhà dịch thuật, nghiên cứu, học giả, hành giả thọ trì… phần nào khả dĩ thể hiện được bản kinh văn này và hệ tương tưởng kinh Kim cang vẫn đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh, đời sống giác ngộ của phần lớn hàng Tăng sĩ, tín đồ Phật tử Phật giáo Việt Nam.

Nếu như trong kinh Pháp Hoa nếu rõ một mục đích ra đời của chư Phật là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến thì kinh Kim cang giúp hành giả an trụ tâm và hàng phục tâm tức với tinh thần vô trụ vô chấp. Nếu thấy được như vậy, sống được như vậy thì đó chính là trí kiến Như Lai, đó cũng chính là người làm chủ được tâm. Tâm đã hoàn toàn nhu nhuyến dễ sử dụng, đó cũng chính là Diệt đế trong Tứ thánh đế, đó chính là trạng thái tâm thức “sinh đã tận, phạm hạnh đã thành” của một hành giả.

Trong tác phẩm kinh Kim cang tam muội cũng có đoạn: “ta thấy giáo học của kinh này là rút ra từ tinh hoa của các kinh, và xuyên suốt các tinh hoa ấy thành Nhất thừa, Nhất giác, Nhất vị, Nhất nhân, Nhất quả, Nhất tâm, Nhất cảnh, Nhất quán, Nhất hạnh, Nhất tướng, Nhất tính, Nhất thể, Nhất dụng, Nhất trí, Nhất lý,…”[32].

Ở Việt Nam ta, vào thế kỷ thứ VI – VII từ trước thời của Thiền sư Thanh Biện theo dòng lịch sử xuyên qua các thời đại như Lý, Trần, hậu Lê, Tây Sơn,… và các thời cận hiện đại dù cho Phật giáo đã đi qua bao cuộc thịnh suy thì tư tưởng kinh Kim cang vẫn được chư vị Tổ sư, cao Tăng,… lựa chọn để trì tụng, tu tập, nghiên cứu. Vì hàng phục tâm, an trụ tâm, giác ngộ tâm, phát huy diệu dụng của tâm để giáo hóa chúng sinh vẫn mục đích cuối cùng của mỗi hành giả tu tập theo lời dạy của Như Lai.

TT TS Thích Hạnh Tuệ & SC Thích nữ Trung Hiếu

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. HT Thích Thái Hòa, Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử, Nxb Hồng Đức, 2016.

2. TH Thích Thái Hòa, Kim cang Bát nhã giới thiệu dịch chú giải, Nxb Hồng Đức, 2017.

3. HT Thích Thái Hòa, kinh Kim cang tam muội, Nxb Hồng Đức, 2013.

4. Lâm Như Tạng, Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào Việt Nam, NXB Hồng Đức, 2021.

5. Thuần Tâm, Kim cang đại định, Nxb Tri Thức, 1970.

6. Thuần Tâm, Kim cang tam muội đại Bát nhã ba la mật, nhà in Trưng Vương.

7. TH Thích Trí Quang, kinh Kim cương, Nxb Tôn Giáo, 2003.

8. HT Thích Trí Quang, Bái sám theo kinh Kim cương, Nxb Tôn Giáo, 2005.

9. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam 2, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2001.

10. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2004.

11. Đoàn Trung Còn, Kim cang kinh, Phật học Thơ xã, 1943.

12. HT Thích Huệ Hưng, Kinh kim cang giảng lục, nhà in Báo Sài Gòn giải phóng, 1990.

13. HT Thích Trí Tịnh, Kinh Kim cang Bát nhã ba la mật, NXB Tôn Giáo, 2004.

14. HT Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, q3, NXB Tp Hồ Chí Minh, 1997.

15. Đồ Nam lão nhân, Kim Cương kinh giảng nghĩa, nhà in Hạnh Phúc, 1972.

16. HT Thích Chơn Thiện, Tư tưởng kinh Kim Cang, Nxb Tôn Giáo, 1999.

17. Thích Nữ Giới Hương, Kim cang nghĩa tụng giảng giải, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2011.

18. Thích Nữ Giới Hương, Pháp ngữ trong kinh Kim cang, NXB Ananda Viet Foundation, 2019.

19. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Kim cang gươm báo chặt đứt phiền não,1992, Nxb Lá Bối.

20. HT Thích Thanh Từ, Kinh kim cang giảng giải, Nxb Tôn Giáo, 2013.

21. Tỳ kheo Thích Minh Điền, Lược giải kinh Kim cương, xuất bản Chùa Hoa Nghiêm USA, 2006.

22. Thích Thông Phương, Kinh kim cang giảng lục, Nxb Tôn Giáo, 2004.

23. Trần Huỳnh, Kim cang chư gia, Nxb Tôn Giáo, 2001.

24. HT Thích Viên Giác, Đại thừa Kim cang kinh luận, Nxb Tôn Giáo, 2004.

25. HT Tuyên Hóa, Kinh Kim cang, Nxb Tôn Giáo, 2004.

26. Lục tổ Huệ Năng, Nguyên Hiển (dịch), Kinh Kim cương Bát nhã giảng nghĩa, Nxb Phương Đông, 2009.

27. Thiền sư Hám Sơn, Nguyên Hiển (dịch), kinh Kim cang giác nghĩa đoạn nghi, Nxb Tôn Giáo, 2008.

28. HT Thích Từ Tông, Kinh Kim cang Bát nhã ba la mật, Nxb Tôn Giáo, 2009.

29. Thích Trí Thành, Kinh Kim cang giảng giải, Tổ đình chùa Hưng Phước, 2009.

30. Thích Tuệ Hải, kinh Kim cang bát nhã ba la mật, Nxb Tôn Giáo, 2013.

31. Thích nữ Trí Hải, Tìm hiểu kinh Kim cương, Nxb Hồng Đức, 2013.

32. HT Thích Duy Lực, Lược giảng kinh Kim cang, Nxb Tôn Giáo, 2017.

33. Lê Tự Hỷ, Kinh Kim cương Phạn Viêt, Nxb Hồng Đức, 2020.

34. Thích Thắng Giải, Giải nghĩa kinh Kim cang Bát nhã và 33 bài kệ của các vị tổ Ấn – Hoa, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2021.

35. Thích Chơn Quang, Luận giải kinh Kim cang, Nxb Tôn Giáo.

36. Nguyễn Minh Tiến, kinh Bi hoa, Nxb Tôn Giáo, 2011.

37. Đinh Sĩ Trang, Kinh Kim cang dễ hiểu, in tại Brisbane Úc Châu, 1998.

38. Thích Tuệ Hải, kinh Kim cương bát nhã ba la mật, ban Hoằng pháp miền Vĩnh Nghiêm, 1996.

39. Lục tổ Huệ Năng, cư sĩ Lê Hồng Sơn (dịch), kinh Kim cang, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2013.

40. Thích Phước Tú, kinh Kim Cang giảng giải, Nxb Tôn Giáo, 2011.

41. Cư sĩ Huyền Không, Kim cang tinh yếu, Nxb Tôn Giáo, 2015.

42. Thích Huệ Đăng, Khai thị luận Kim cang bát nhã ba la mật, Nxb Tôn Giáo, 2013.

43. Tỳ kheo Minh Như, kinh Kim cang bát nhã ba la mật, Nxb Tôn giáo, 2016.

44. Vương Gia Hớn, Kim cang quyết nghi và Tâm kinh trực thuyết Bát nhã ba la mật đa tâm kinh, Nxb Tôn Giáo, 2016.

45. cư sĩ Như Pháp, Kim cang chú giải, Nxb Tôn Giáo, 2010.

46. Tâm Đạo Viên, Hiểu và thực hành kinh Kim cương, Nxb Hồng Đức, 2022.

47. Thích Như Minh, kinh Kim cương bát nhã ba la mật, Nxb Phương Đông, 2015.

48. Thích Trúc Thông Quang, kinh Kim Cang giảng giải,Lưu hành nội bộ, 2004.

49. Cư sĩ Viên Minh, Tìm hiểu kinh Kim Cương, Nxb Phương Đông, 2004.

CHÚ THÍCH:

[1] HT Thích Thái Hòa, Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử, Nxb Hồng Đức, 2016, tr 9.

[2] HT Thích Thái Hòa, Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử, Nxb Hồng Đức, 2016, tr 15.

[3] HT Thích Trí Quang, kinh Kim cương, NXB Tôn Giáo, 2023, tr 123.

[4] Lâm Như Tạng, Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào Việt Nam, Nxb Hồng Đức, 2021, tr 15.

[5] HT Thích Thái Hòa, Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử, Nxb Hồng Đức, 2016, tr 40-41

[6] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam 2, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2001, tr 126.

[7] HT Thích Thái Hòa, Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử, Nxb Hồng Đức, 2016, tr 83.

[8]HT Thích Huệ Hưng, Kinh kim cang giảng lục, nhà in Báo Sài Gòn giải phóng, 1990, tr 9.

[9] HT Thích Trí Tịnh, Kinh Kim cang Bát nhã ba la mật, NXB Tôn Giáo, 2004, tr 13.

[10] HT Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, q3, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1997, tr 509-510.

[11] Thuần Tâm, Kim cang đại định, Nxb Tri Thức, 1970, tr 23-24-25.

[12] Đồ Nam lão nhân, Kim Cương kinh giảng nghĩa, nhà in Hạnh Phúc, 1972, tr 10.

[13] Thuần Tâm, Kim cang tam muội đại Bát nhã ba la mật, nhà in Trưng Vương, 1975.

[14] HT Thích Chơn Thiện, Tư tưởng kinh Kim Cang, Nxb Tôn Giáo, 1999, tr 10.

[15] HT Giới Hương, Kim cang nghĩa tụng giảng giải, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2011, tr 40.

[16] HT Thích Trí Quang, kinh Kim cương, Nxb Tôn Giáo, 2003, tr 148.

[17] Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Kim cang gươm báo chặt đứt phiền não,1992, Nxb Lá Bối, tr 10-11.

[18] HT Thích Thái Hòa, Kim cang Bát nhã giới thiệu-dịch-chú giải, Nxb Hồng Đức, 2017.

[19] HT Thích Thái Hòa, Kim cang Bát nhã giới thiệu-dịch-chú giải, Nxb Hồng Đức, 2017, tr 47- 48.

[20] HT Thích Thanh Tư, Kinh kim cang giảng giải, NXB Tôn Giáo, 2013, tr 92.

[21] Thích Thông Phương, Kinh kim cang giảng lục, Nxb Tôn Giáo, 2004, tr 121- 122.

[22] Trần Huỳnh, Kim cang chư gia, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr 265.

[23] HT Thích Viên Giác, Đại thừa Kim cang kinh luận, Nxb Tôn Giáo, 2004, tr 13.

[24] HT Thích Trí Quang, Bái sám theo kinh Kim cương, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr 214.

[25] HT Thích Trí Quang, Bái sám theo kinh Kim cương, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr 14.

[26] Đoàn Trung Còn, kinh Kim cang Bát nhã ba la mật, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr 53.

[27] HT Thích Từ Tông, Kinh Kim cang Bát nhã ba la mật, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr 30.

[28] Thích nữ Trí Hải, Tìm hiểu kinh Kim cương, Nxb Hồng Đức, 2013, tr 108.

[29] HT Thích Thái Hòa, Kim cang bát nhã trong dòng lịch sử, Nxb Hồng Đức, 2016, tr 8.

[30] Đoàn Trung Còn, kinh Duy Ma Cật, NXB Tôn Giáo, 2011, tr 149.

[31] Nguyễn Minh Tiến, Kinh Bi hoa, NXB Tôn Giáo, 2011, tr 357.

[32] HT Thích Thái Hòa, kinh Kim cang tam muội, Nxb Hồng Đức, 2013, tr 69.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tiep-nhan-kinh-kim-cang-o-viet-nam.html