Liên Hiệp quốc báo cáo sốc tác dụng ngược cấm vận Nga

Báo cáo của Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về các cấm vận đối với Nga cho thấy, EU thiệt hại nặng hơn.

Mới đây, bản báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ)về tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người, do Đặc phái viên LHQ Idris Jazairi thực hiện đã cho thấy, EU đang gánh nhiều thiệt hại hơn những gì Nga phải chịu đựng vì cấm vận.

EU dừng nhập khẩu từ Nga, thiệt hại hơn nhiều.

Theo thống kê của đặc phái viên LHQ, kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD.

Trong khi đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD.

Số liệu được thống kê khi ông Idris Jazairi đến Moscow hồi tháng 8 vừa qua và gặp gỡ các đại diện chính phủ, doanh nghiệp, Liên hợp quốc, nhà ngoại giao…

Đặc phái viên LHQ cho rằng: những biện pháp trừng phạt Nga là phản tác dụng, bởi vì quá trình toàn cầu hóa khiến những biện pháp trừng phạt đụng chạm đến cả chính những quốc gia khởi xướng.

"Nó không đem đến bất cứ kết quả tích cực nào" - báo cáo của Jazairi nêu rõ.

Dẫu vậy, ông cũng không phủ nhận rằng, người Nga sống ở ranh giới mức nghèo đói(thu nhập dưới 10.000 Ruble/tháng) cũng tăng lên.

Con số này đã gia tăng từ 15,5 triệu người năm 2013 lên 19,8 triệu người năm 2016.

Đây là hậu quả chịu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt bởi nó làm "giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong giai đoạn 2014-2016 trung bình ở mức tối đa 1%”.

Các nông sản Nga dừng mua của EU

Theo ông Idris Jazairi, mặc dù trong bối cảnh bị bao vây trừng phạt và giá dầu mỏ sụt giảm mạnh, những Chính phủ Nga thực hiện được chính sách kinh tế hiệu quả và thích nghi với thực tế mới.

Tình hình mới là Nga đang có tương lai phải chịu tiếp các gói trừng phạt gia tăng từ phía Mỹ không chỉ trong lĩnh vực năng lượng.

Song, châu Âu cũng sẽ phải chịu các áp lực tương đương hoặc mạnh mẽ hơn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ cũng sẽ nhằm vào các công ty của Đức hoạt động trong lĩnh vực như công nghệ thông tin, hậu cần, tư vấn, dịch vụ tài chính và triển lãm doanh nghiệp.

Điều này sẽ tạo ra mối lo lớn cho các doanh nghiệp Đức.

Ngày 13/9, Phòng Thương mại Nga -Đức công bố kết quả thăm dò ý kiến các công ty của Đức đang hoạt động tại Nga, cho thấy 97% đại diện doanh nghiệp Đức đánh giá tiêu cực về gói biện pháp trừng phạt Nga mới của Mỹ.

Chỉ 3% số người được hỏi có ý kiến ngược lại.

Nga đổi ngôi nhiều xếp hạng kinh tế

Sản lượng vàng của Nga đang có điều kiện để xếp hạng thứ 2 trên thế giới bởi hợp tác khai khoáng.

Theo Bộ Phát triển vùng Viễn Đông Nga, sản lượng vàng của cả nước sẽ tăng 5% sau khi tập đoàn Polyus bắt đầu hoạt động khai thác vàng ở khu mỏ Natalka thuộc tỉnh Magadan của Nga.

Đây là khu vực có trữ lượng quặng khai thác lên tới hơn 200 tấn/năm và sản lượng vàng ước tính 13 triệu tấn/năm và là mỏ có trữ lượng vàng lớn nhất nước Nga, chiếm 25% tổng trữ lượng vàng của cả nước.

Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Polyus, ông Pavel Grachev cho biết với mức khai thác này, Nga sẽ trở thành nhà sản xuất vàng lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Polyus bắt đầu khai thác giai đoạn 1 tại mỏ Natalka từ ngày 5/9 và hoạt động khai thác sẽ đạt công suất tối đa vào trước cuối năm 2018.

Sản lượng lúa mì Nga đứng đầu thế giới, vàng cũng sắp đứng thứ 2 thế giới.

Trong khi đó, trữ lượng lúa mì của Nga cũng vượt cả Mỹ và đứng đầu thế giới.

Số liệu của Trung tâm phân tích "SovEcon" cho thấy, trong vụ mùa năm nay, Nga dự kiến sẽ giành lại danh hiệu nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, có khả năng sẽ xuất khẩu 44 triệu tấn ngũ cốc trong năm.

Thậm chí, cơ quan phân tích ProZerno còn cho rằng, khả năng Nga có thể cung ứng tới 53 triệu tấn ngũ cốc một năm.

Vụ lúa mì năm nay của Nga được đánh giá là vụ mùa bội thu nhất trong vòng 25 năm qua, và có thể đạt mức tăng trưởng lên tới 20% trong vòng một thập kỷ tới.

Chưa hết, Dự báo đầu tư năm 2017 được Bloomberg công bố vào đầu năm cho thấy những kết quả tươi sáng của nền kinh tế Nga dựa trên báo cáo về sự cải thiện môi trường chính trị, giá dầu đi lên cũng như việc đồng ruble tăng giá và trở thành tiền tệ có lợi nhuận nhất trên thế giới.

Tờ báo kinh tế này đánh giá, Nga sẽ trở thành thị trường ít rủi ro nhất và thu hút giới đầu tư săn tìm lợi nhuận cao trên toàn cầu.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/lien-hiep-quoc-bao-cao-soc-tac-dung-nguoc-cam-van-nga-3343130/