Liên hợp quốc lần đầu trong 9 năm nhất trí tuyên bố về Myanmar

Ngày 13/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã kêu gọi tiến hành 'các biện pháp ngay lập tức' để chấm dứt cuộc khủng hoảng bạo lực trầm trọng tại Myanmar. Đây là lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua toàn bộ các thành viên của HĐBA đã nhất trí đưa ra tuyên bố về một vấn đề liên quan đến Myanmar.

Người Rohingya ở Myanmar đi thuyền để sang Bangladesh tị nạn.

Tờ Strait Times (Singapore) dẫn lời Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres khẳng định hơn 1/3 người Rohingya phải từ bỏ nhà cửa tị nạn là hậu quả của các biện pháp nhằm “xóa sổ một dân tộc” và kêu gọi các bên liên quan tạm dừng ngay các hoạt động quân sự tại bang Rakhine.

Ông Guterres kêu gọi chính phủ Myanmar nên công nhận tư cách công dân hoặc địa vị pháp lý cho người Rohingya để họ có được cuộc sống bình thường.

HĐBA cũng lên tiếng kêu gọi các tổ chức cứu trợ nhân đạo khẩn trương tiếp cận và trợ giúp những người gặp khó khăn tại bang Rakhine.

Các nhóm nhân quyền cũng đã hối thúc LHQ triệu tập một phiên họp toàn thể công khai để gửi thông điệp rõ ràng đến chính phủ Myanmar.

Ngày 19/9 tới, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ có bài phát biểu trên toàn quốc về vấn đề này. Bà Suu Kyi đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì cuộc khủng hoảng này. Người phát ngôn của bà Aung San Suu Kyi cho hay bà sẽ không tham dự cuộc họp Đại Hội đồng thường niên của LHQ.

Khoảng 380.000 người Rohingya đã phải bỏ nhà cửa, di tản sang nước láng giềng Bangladesh kể từ khi các cuộc xung đột sắc tộc nghiêm trọng xảy ra giữa những người theo đạo Phật và những người Hồi giáo Rohingya thời gian qua.

176 trong tổng số 471 ngôi làng tại phía bắc bang Rakhine đã “trống trơn” sau khi toàn bộ người Rohingya rời bỏ nhà cửa di tản sang các quốc gia láng giềng.

Khoảng 1,1 triệu người Rohingya tại Myanmar nhiều năm qua đã phải hứng chịu sự phân biệt sắc tộc sâu sắc tại quốc gia này. Chính phủ Myanmar hiện không công nhận người Rohingya là công dân nước này và thường gọi họ là người Bengalis – ám chỉ họ là những người gốc Bangladesh nhập cư trái phép.

Thế Vũ/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/lien-hop-quoc-lan-dau-trong-9-nam-nhat-tri-tuyen-bo-ve-myanmar-20170914205338212.htm