Liên kết chặt chẽ trong phát triển vùng Thủ đô

(Chinhphu.vn) - Sáng 6/9, tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, ngày 6/9. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định việc triển khai Quy hoạch Vùng Thủ đô với hàng loạt dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ, nhà ở, công nghiệp, giao thông đã bước đầu thực hiện không chỉ dừng ở quy mô phục vụ trong tỉnh mà đã nâng cấp lên tầm cỡ quy mô cấp vùng. Tuy nhiên, các mục tiêu hướng tới và các vấn đề phải giải quyết trong triển khai quy hoạch và xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội còn rất lớn và phức tạp.

Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch Vùng cho biết công tác quy hoạch và phát triển đô thị đạt nhiều kết quả tích cực, hệ thống đô thị phát triển nhanh về quy mô và ngày càng nâng cao về chất lượng với 136 đô thị. Hệ thống KCN phát triển nhanh và tương đối hợp lý với 119 khu có tỷ lệ lấp đầy 50-75%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể với nhiều tuyến cao tốc mới như Pháp Vân-Cầu Giẽ, vành đai 3, 4, 5, Hà Nội-Thái Nguyên, Nội Bài-Lào Cai, Láng-Hòa Lạc, Hà Nội-Hải Phòng (5B).

Với mô hình tổ chức quản lý phát triển Vùng, các địa phương trực thuộc đi đầu trong triển khai nông thôn mới và phát triển nhà ở xã hội, có nhiều hình thức trợ giúp người dân vấn đề nhà cửa theo Chương trình nhà ở quốc gia…

Tuy nhiên, Quy hoạch xây dựng chung của Vùng còn chậm, thiếu nhiều quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, chi tiết. Công tác quản lý phát triển đô thị, KCN cũng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và chưa cân đối các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn hoặc phân bố trong vùng.

Việc triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng đều đang chậm, thiếu tính kết nối như Dự án cấp nước khu vực Bắc sông Hồng, Dự án nghĩa trang nhân dân cấp vùng, khu xử lý chất thải rắn phía Tây, Dự án Đại học quốc gia Hà Nội, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Chương trình di dời các cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội đô Hà Nội…

Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng quy mô lớn và tính đa dạng của các địa phương trong Vùng đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, trước hết trong việc xây dựng đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các cơ quan, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện thể chế, định hướng chính sách đầu tư, quy hoạch, xây dựng. Đảm bảo triển khai đồng bộ, kết nối chặt chẽ và chia sẻ giữa các địa phương trong cả vấn đề hạ tầng, mô hình, định hướng sản xuất phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đẩy nhanh việc hoàn thiện, lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong dự thảo Đồ án điều chỉnh xây dựng Vùng Thủ đô, đồng thời rà soát, đảm bảo việc triển khai không phá vỡ các quy hoạch hiện nay, đồng thời xử lý được những vướng mắc trong thực hiện quy hoạch chung hiện nay. Đặc biệt là việc triển khai chậm trễ, tăng cường thu hút đầu tư xã hội những quy hoạch, chương trình cấp bách hiện nay như việc di dời các cơ sở y tế, giáo dục, xây dựng hệ thống nước, thủy lợi tưới tiêu, chống úng ngập TP. Hà Nội.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động Ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô hiện nay, lưu ý vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Vùng Thủ đô Hà Nội, theo Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình. Sau khi Hà Nội được mở rộng, Vùng Thủ đô được bổ sung thêm 3 tỉnh mới là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang, nâng tổng diện tích toàn Vùng lên 24.315 km2, quy mô dân số xấp xỉ 17,5 triệu người, chiếm gần 20% cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng luôn duy trì ở mức cao và ổn định, tổng GDP năm 2012 đạt khoảng 646.730 tỷ đồng, chiếm 21,72% cả nước, GDP bình quân đầu người đạt 1.748 USD.

Nguyên Linh

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/tin-noi-bat/lien-ket-chat-che-trong-phat-trien-vung-thu-do/180236.vgp