Liên kết trong bán lẻ: Đừng nói suông

(HQ Online)- Khi kênh mua bán của Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, chắc chắn nguồn hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi những nhà bán lẻ này sẽ có chính sách ưu tiên cho nguồn hàng phát triển ở thị trường Việt Nam.

Liên kết là việc mà doanh nghiệp nội phải làm ngay để giữ "miếng bánh" bán lẻ. Ảnh: Nguyễn Huế.

Cam kết hay hứa suông?

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa?" chiều 28-9, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, cùng với cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài thì các vụ mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra gần đây đã thực sự làm sôi động thị trường. Đây sẽ là xu hướng tiếp diễn trong vòng từ 3-5 năm tới do nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với làn sóng M&A sôi động hiện nay, chuyên gia kinh tế Ngô Minh Phong cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam không còn là sân chơi riêng của doanh nghiệp trong nước mà trở thành “mảnh đất” hấp dẫn “đại gia” bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Điều này làm gia tăng thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ta.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ đi siêu thị nêu ý kiến, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có nhiều thương vụ M&A. Tác động của làn sóng này chắc chắn có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam. Còn đối với những doanh nghiệp nước ngoài khi vào thị trường, việc mua bán sáp nhập là con đường tất yếu.

Nếu kênh mua bán của Việt Nam nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, chắc chắn nguồn hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi những nhà bán lẻ này sẽ có chính sách ưu tiên cho nguồn hàng phát triển ở thị trường Việt Nam.

Câu chuyện này được bàn đến xuất phát từ thực tế “ông chủ” mới của hệ thống siêu thị Big C là Central Group mới đây đã đẩy 22 cửa hàng của Thế giới Di động ra khỏi chuỗi siêu thị này. Mọi người đồn đoán rằng, việc làm này nhằm dọn đường cho hàng điện máy, điện tử của hệ thống siêu thị Nguyễn Kim khi Central Group trước đó đã mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim.

Ngay khi thương vụ này diễn ra, bà Loan cho biết: “Tôi đã có cuộc điện thoại với bên Central và hỏi rằng: Liệu hàng Thái có chiếm tỷ trọng lớn hay không? Trả lời câu hỏi này, bên Central cho biết, vẫn giữ tỷ trọng hàng Việt lớn trong các gian hàng và đã có cam kết với Bộ Công Thương”.

Do đó, vị Chủ tịch của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến cáo, nếu các nhà cung ứng nhận thấy có sự không công bằng hãy cứ ý kiến đến Hiệp hội bất cứ vấn đề gì, nếu các nhà cung ứng là thành viên của Hiệp hội, chúng tôi đảm bảo có sự tham gia, tác động mạnh mẽ. Còn nếu không là thành viên “chúng tôi cũng vẫn sẽ quan tâm tác động dù cho tác động sẽ không được mạnh mẽ bằng”.

Không thể đơn độc mà "sống"

Sự đổ bộ của doanh nghiệp ngoại đang gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp nội. Lối nào để doanh nghiệp nội, hàng nội có thể đứng vững trên sân nhà là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra. Lời giải cũng đã có, xong vấn đề là thực hiện như thế nào?

Liên quan tới vấn đề chiết khấu, bà Trần Phương Lan,Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, những tiêu chí quy định hiện nay có khả năng gây hạn chế đáng kể trên thị trường bán lẻ về sự cạnh tranh nội ngoại. Liệu rằng họ đưa ra chiết khấu cao có lạm dụng vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp nước ngoài hay không? "Nếu có hiện tượng này cũng có thể xem xét dưới góc độ cạnh tranh nhưng chúng tôi cần những thông tin đầy đủ, chính xác về việc áp đặt chiết khấu cụ thể, thời gian nào, bao nhiêu, tăng như thế nào… Chúng tôi sẽ có những biện pháp để giúp đỡ hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp nội trong bối cảnh cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại", bà khẳng định.

Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Maketing Co.op Mart, vấn đề cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam với hàng hóa nước ngoài là vấn đề không mới. Vấn đề mới là việc hàng Việt Nam cạnh tranh với hàng Thái Lan.

“Có thể nói, sự lo lắng của siêu thị Việt Nam là hoàn toàn có sơ cở khi doanh nghiệp nước ngoài có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm, tài chính, có sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ để hàng hóa xâm nhập nhanh vào thị trường”, ông Võ Hoàng Anh nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, bản thân người tiêu dùng mới là người quyết định, nếu các nhà bán lẻ ủng hộ hàng Việt đến cùng thì doanh nghiệp còn tồn tại được. Vấn đề ở chỗ, để có thể cạnh tranh, các doanh nghiệp cần mạnh dạn lên tiếng về chính sách bất hợp lý, nhất là về chính sách chiết khấu.

Về phía Hiệp hội, bà Loan cho rằng, doanh nghiệp cần tìm chỗ đứng cho mình, xác định mình là ai? Mình làm được gì? Bởi có thể thấy, thị trường bán lẻ đã không còn giống như trước đây nữa, các thị trường bán lẻ trên thế giới với nhiều hình thức đang thay đổi một cách chóng mặt.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không thể đơn độc mà chiến thắng được, nhưng cũng đừng đi theo phong trào và chỉ nói liên kết theo khẩu hiệu, cần xác định rằng không liên kết thì doanh nghiệp không thể thành công được.

Mối liên kết của Tập đoàn Vingroup là một ví dụ được ông Phong dẫn chứng. Theo đó, một siêu thị hay một chuỗi bán lẻ chỉ thành công khi làm chủ nguồn cung với chất lượng đảm bảo. Số lượng cung phải ổn định và lớn. Đây là tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp thắng lợi. Khi đã làm chủ thị trường, doanh nghiệp sẽ làm chủ chi phí sản xuất, từ đó kích thích giá cả và tác động trực tiếp tới đời sống của người tiêu dùng.

“Theo tôi, để có thể thắng lợi trong bán lẻ, không chỉ có giá, chất lượng mà cần thái độ phục vụ, dịch vụ sau bán hàng tốt”, ông Phong nói thêm.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/neu-nha-cung-ung-thay-co-su-khong-cong-bang-hay-y-kien-den-hiep-hoi.aspx