Liên ngành cùng lo chuyện ăn, uống Tết

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức ngay các đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP, tập trung vào những mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán và các lễ hội mùa xuân.

Cán bộ lực lượng chức năng liên ngành tăng cường kiểm tra hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tính đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập hơn 12 nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành lập chín đoàn và đang tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm gồm: TP Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Việc tổ chức các đoàn và tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm ATTP cho cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Theo số liệu báo cáo nhanh từ các đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư và các địa phương cho thấy, có hơn 50% số cơ sở thuộc diện phải kiểm tra trong dịp này đã được thanh tra, kiểm tra, trong đó phát hiện 20% số cơ sở vi phạm về ATTP. Điển hình như: tại Hà Nội, các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 30 tấn bánh, kẹo, hạt dẻ cười không có nguồn gốc, xuất xứ. Mới đây nhất, Cục ATTP (Bộ Y tế) phối hợp C49 (Bộ Công an), Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện một kho hàng tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, có hơn 50 tấn bao gồm các loại ô mai, bánh kẹo, hạnh nhân... đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Từ cuối tháng 12-2013 đến nay, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý 107 vụ vi phạm về ATTP, với số tiền phạt là 1,2 tỷ đồng. Nổi bật như vụ phát hiện 109 kg thịt bò đông lạnh hết hạn sử dụng từ tháng 8-2013 để trong kho lạnh tại địa bàn quận 5; phát hiện 432 chai nước giải khát và 380 kg kẹo bắp đều hết hạn sử dụng từ tháng 9-2013... Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện xe ô-tô mang biển số 12B-000.95 vận chuyển khoảng 500 kg nầm lợn đã được đóng băng, không có hóa đơn, chứng từ liên quan...

Kết quả thanh tra, kiểm tra do các đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư thực hiện tại hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận cho thấy nhiều hành vi vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam- Chi nhánh Nha Trang (Khánh Hòa), đoàn đã phát hiện một số sai phạm như phát hiện thịt đông lạnh có hiện tượng rã đông sau đó cấp đông lại; dụng cụ lò nướng thực phẩm chưa được vệ sinh thường xuyên; nơi kinh doanh rau chưa đủ giá kệ. Đặc biệt, phát hiện sản phẩm tàu hũ (do Công ty TNHH THAI Corp Intertional Việt Nam, số 40 Bà Huyện Thanh Quan, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh sản xuất) ghi sai tên sản phẩm; một số nội dung trên nhãn không phù hợp với nhãn công bố. Sản phẩm đậu hũ (do Công ty cổ phần KIM & KIM, số 84 - 86 Vành đai trong, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh sản xuất), ghi sai về thành phần, công bố 70% đậu nành nhưng nhãn lưu hành ghi 100%. Tại Siêu thị Lotte Mark - Chi nhánh Phan Thiết (Bình Thuận), đoàn kiểm tra phát hiện, siêu thị chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; chưa thực hiện việc khám sức khỏe và tập huấn kiến thức ATTP cho người trực tiếp kinh doanh sản phẩm; Trong siêu thị có hai cơ sở thuê mặt bằng để kinh doanh thực phẩm chức năng đều chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP...

TS Trần Quang Trung, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết thêm. Qua thực tế nhiều năm cho thấy, vào những ngày sát Tết, nhu cầu thực phẩm của người dân thường tăng đột biến. Đây là "cơ hội vàng" cho một số cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng bằng việc xả hàng, bán hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được trà chộn vào các sản phẩm khác để đánh lừa người tiêu dùng, nhất là đối với thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán, ở nhiều địa phương thường diễn ra các lễ hội , tuy nhiên các lễ hội chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nên thu hút rất đông người tham gia. Do vậy, các dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội thường gia tăng, nhưng chủ yếu lại mang tính thời vụ, tự phát. Ngoài ra, tại các dịp lễ hội mùa xuân, thường có rất nhiều loại "sản vật", "đặc sản" được sản xuất theo phương pháp truyền thống mang nét đặc trưng của các vùng, miền do người dân địa phương sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu "ẩm thực" của hàng nghìn khách thập phương về tham dự lễ hội. Cho nên, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh này gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các lễ hội mùa xuân là rất lớn.

Để mọi người dân đón một cái Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân vui, an toàn về thực phẩm, UBND các cấp cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ tại khu vực nông thôn, các loại hình dịch vụ ăn uống phục vu du khách trong các lễ hội đầu Xuân, cũng như các hành vi gian lận thương mại trong dịp này. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố giác các trường hợp vi phạm về ATTP, biểu hiện làm ăn gian dối trong sản xuất, kinh doanh tại địa phương mình.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/22182102-lien-nganh-cung-lo-chuyen-an-uong-tet.html