Liên tiếp những vụ người nước ngoài gây án bằng công nghệ cao

Trong thời gian qua, các cơ quan pháp luật Việt Nam đã điều tra, xử lý khá nhiều ổ nhóm tội phạm là người nước ngoài sang Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng giả mua các loại hàng hóa có giá trị cao như điện thoại di động, máy tính, máy ảnh kỹ thuật số, vàng bạc đá quý… nhằm chiếm đoạt tiền.

Thủ đoạn mới của tội phạm nước ngoài
Cuối tháng 4/2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội đã bắt giữ 4 đối tượng người Trung Quốc gồm Phương Quảng Thuận (SN 1983), Dư Chí Hùng (SN 1989), Lâm Bằng (SN 1975) và Trần Sách Kiến (SN 1978), vì hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam bằng việc sử dụng công nghệ cao.

4 đối tượng người Trung Quốc bị Phòng PC 50 Công an Hà Nội bắt giữ về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Mới đây nhất, ngày 13/3/2014, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 3 bị cáo người Malaysia tổng cộng 38 năm tù giam về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật hình sự.
Quá trình điều tra làm rõ, chiều 8/3/2012, 3 bị cáo Tan Pei Loong (30 tuổi) 14 năm tù, Tye Soon Hin (33 tuổi) và Teh Chee Wan (33 tuổi, cùng quốc tịch Malaysia) đến cửa hàng điện thoại di động ở Trung tâm thương mại quận 7, TP Hồ Chí Minh hỏi mua 20 điện thoại di động Samsung Galaxy Note trị giá 16 triệu đồng/máy. Tuy nhiên cửa hàng này chỉ còn 12 máy trị giá 192 triệu đồng. Tye Soon Hin đưa cho nhân viên 2 thẻ visa nhưng không thanh toán được nên đưa 2 thẻ khác. 2 thẻ này cũng chỉ thanh toán được 64 triệu đồng. Khi nhóm này tiếp tục dùng thẻ tín dụng khác, nhân viên bán hàng nghi ngờ gọi điện đến ngân hàng kiểm tra thì phát hiện các thẻ tín dụng trên là giả. Các đối tượng đã bị bắt giữ giao cho công an xử lý. Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an còn phát hiện thu giữ 57 thẻ tín dụng giả các loại, 3 sợi dây chuyền vàng và hóa đơn mua hàng ở nhiều nơi.
Cơ quan công an làm rõ, 3 đối tượng này đã sử dụng 42 thẻ tín dụng giả thực hiện 25 lần đi mua hàng tại TP Hồ Chí minh và Khánh Hòa với 62 lượt giao dịch thành công. Đa phần nhóm này chọn mua các mặt hàng có giá trị cao như: máy ảnh, máy tính, ĐTDĐ, trang sức, thời trang hàng hiệu… và sử dụng vào việc trả tiền ăn uống tại các nhà hàng sang trọng, chiếm đoạt gần 1,2 tỉ đồng.
Trước tình hình tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng PC 50 Công an Hà Nội khuyến cáo, để phòng ngừa tội phạm trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, chủ thẻ cần lưu ý mua hàng trên mạng qua những website có uy tín; cần giám sát các thao tác khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ qua máy POS; sử dụng dịch vụ nhắn tin tự động đến máy điện thoại khi có phát sinh giao dịch để kiểm soát tài khoản và ngăn chặn ngay kẻ gian lấy tiền…
Bên cạnh sự cảnh giác nói trên của mỗi cá nhân, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5/2014.

Theo Nghị định, để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, Nghị định nêu rõ: công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được đẩy mạnh; trong đó tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử; tầng lớp thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên...

Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp.

Các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thông qua quản lý hành chính về an ninh, trật tự, bao gồm: Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn; quản lý hồ sơ, tàng thư, căn cước phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; các biện pháp quản lý hành chính về an ninh, trật tự khác theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ quan chuyên trách cần tổ chức, triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan tại các địa bàn, lĩnh vực phụ trách nhằm phục vụ việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Cá nhân cũng có trách nhiệm tham gia phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao bằng cách bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình; phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao với cơ quan Công an hoặc chính quyền cơ sở gần nhất; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chuyên trách trong quá trình xác minh làm rõ tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan cho Cơ quan chuyên trách khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Trúc Dân

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/phap-luat/tin-tuc/22_2451187/lien_tiep_nhung_vu_nguoi_nuoc_ngoai_gay_an_bang_cong_nghe_cao.html