Liệu có kiềm chế được nhập siêu?

(InfoTV) - Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, ước tính, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tháng 3/2010 chỉ đạt 5,15 tỷ USD, kim ngạch của hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều giảm. Trong khi đó, những mặt hàng nhập khẩu lại có xu hướng tăng lên.

>> Nhập siêu tăng mạnh ngoài dự kiến Sẽ rất khó khăn... Tại cuộc họp giữa Bộ Công thương với các Tổng công ty, Tập đoàn lớn nhằm bàn giải pháp kiềm chế nhập siêu vào sáng nay (25/3), Bộ Công thương cho biết với tình hình xuất nhập khẩu quý I/2010 thì việc giữ đúng mục tiêu về giảm nhập siêu trong năm 2010 như đã đề ra là rất khó khăn. Trong tháng 3, nhập khẩu đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 28,2% so với tháng 2. Ước nhập siêu 3 tháng đầu năm vào khoảng 3,51 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/ xuất khẩu 25%. Tổng kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 17,525 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2009. Trong khi kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đạt 8,68 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2009 thì kim ngạch nhập khẩu hai tháng đạt 11 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do khó giữ được mục tiêu mà Bộ Công thương dẫn ra là năm 2010, xuất khẩu còn gặp một số trở ngại như năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản khó có khả năng tăng trưởng cao như ca phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá... Trong khi đó lượng dầu thô xuất khẩu sẽ giảm 3,5-4 triệu tấn năm 2010 do phục vụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Khó khăn nhất là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và giày da tiếp tục gặp một số khó khăn. Cụ thể là Mỹ đã bỏ hoàn toàn hạn ngạch dệt may đối với Trung Quốc, điều này sẽ tạo cạnh tranh lớn đối với hàng Việt Nam. Còn EU lại thông qua đề xuất tiếp tục áp thuế chống bán phá giá 10% thêm 15 tháng lên các sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam. Đại diện một số Vụ và các tập đoàn, tổng công ty cũng đã đưa ra những lý giải về nguyên nhân khiến nhập siêu tăng mạnh. Đại diện Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nói, mặc dù Việt Nam đã sản xuất được một phần xăng dầu nên có thể năm nay chỉ cần nhập khẩu bằng năm 2010. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của thị trường trong nước năm 2010 tăng 7- 10%, vì vậy trong quý I, Petrolimex đã nhập khẩu vượt con số đăng ký do quy định về dự trữ xăng dầu đã tăng từ 20 ngày lên 30 ngày. Còn Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN Lê Tiến Trường lý giải, việc nhập khẩu bông, sợi tăng mạnh trong quý I là do Tổng công ty nhận định, giá bông trong xu hướng tăng nên đã tập trung nhập khẩu trong quý I để hưởng lợi thế về giá. Tuy nhiên ông Nguyễn Tiến Đức, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty giấy Việt Nam lại cho rằng, sở dĩ Tổng công ty phải nhập khẩu nguyên liệu giấy tăng là do chính sách trong nước trong nước chưa phù hợp. Đơn cử, giấy loại là nguyên liệu quan trọng để sản xuất giấy, song đến nay doanh nghiệp vẫn thích nhập khẩu giấy loại hơn là thu gom trong nước do chịu thuế cao hơn, người dân chưa có ý thức thu gom và phân loại giấy vụn, ông Đức dẫn chứng. Ông Đinh Quang Trung, Trưởng ban xuất nhập khẩu 1 thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho hay, gánh nặng đảm bảo tiêu thụ nội địa cho TKV khá lớn. Trong khi, một số các loại than cho thép cán 3 xuất sang Nhật Bản giá lên tới 130- 140 USD thì than bán trong nước chưa đến 70 USD. TKV bị ảnh hưởng khi phải đảm bảo tiêu thụ nội địa, bán giá rẻ cho nhiều ngành trong nước bằng 60% than xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về thuế nhập khẩu. Cách đây 5 năm, doanh nghiệp trong nước không sản xuất được máy biến thế 220 KV, 500 KV và hai mặt hàng này được liệt vào dạng tiên nhập khẩu và chỉ chịu thuế nhập khẩu 5%. Để kiềm chế được nhập siêu trong năm 2010 vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ảnh minh họa Hiện nay, doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được loại máy biến thế này, nhưng lại không thể cạnh tranh được với các mặt hàng của Trung Quốc. Bởi thực tế, máy biến thế của Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam do thuế nhập khẩu thấp. Trong khi đó, chúng ta không thể áp dụng biện pháp phi thuế quan vì sẽ gặp phản ứng dữ dội từ thành viên của các nước WTO, ông Biên nói. Nhiều giải pháp kiềm chế nhập siêu Trên cơ sở tình hình thực tế trong nước và thế giới, Bộ Công Thương dự kiến XK của năm nay ước đạt 61 tỷ USD. Quý 1/2020, XK của cả nước ước đạt 14 tỷ USD, như vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% thì 9 tháng còn lại cả nước phải đạt được con số XK 47 tỷ USD, tương đương với bình quân 5,2 tỷ USD/tháng. Bộ Công Thương cũng đã đề ra mục tiêu kiềm chế nhập siêu trong năm 2010 ở mức 20% kim ngạch XK, tương đương 12,2 tỷ USD. Tuy nhiên, với con số ước nhập siêu của 3 tháng đầu năm là khoảng 3,51 tỷ USD thì nhiệm vụ những tháng còn lại để giữ được cán cân XNK đề ra là rất khó khăn, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, DN và địa phương. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, tập đoàn về tăng cường kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng để tăng cường bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu một số biện pháp và phối hợp với một số bộ ngành để có những biện pháp cụ thể như: tăng cường hạn ngạch thuế quan, cấp giấy phép và kiếm soát NK một số mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và đến một số ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, sẽ xem lại quy trình thông quan đối với một số mặt hàng cần kiểm soát và hạn chế NK,; kiểm tra chất lượng và xuất xứ đối với một số mặt hàng nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, mỹ phảm, thuốc chữa bệnh và thuốc bảo vệ thực vật… ; kiểm tra cả một số mặt hàng buôn bán qua đường tiểu ngạch. Để giảm bớt nhập siêu, các tập đoàn, tổng công ty đầu tàu của nền kinh tế cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể để kiềm chế nhập siêu trong năm 2010. Theo đó, các đơn vị đang gấp rút thực hiện nội địa hóa, tăng cường dùng nguyên liệu trong nước, hạn chế dần hàng nhập khẩu. Cụ thể, Tập đoàn dệt may VN trong quý I/2010 đã nâng tỷ lệ nội địa hóa đối với mặt hàng vải lên tới 50%. Tập đoàn này cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ hàng thời trang trong nước. Còn Tổng công ty hóa chất cũng đang hợp tác với Ấn Độ để sản xuất muội than đen, thay thế hàng nhập khẩu. Tổng công ty giấy đang tích cực triển khai dự án sản xuất bột giấy, dự kiến đến năm 2012 sẽ xuất khẩu bột giấy thay vì nhập khẩu hiện nay. InfoTV Hải Yến

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/xuat-nhap-khau/tin-tuc/43296-lieu-co-kiem-che-duoc-nhap-sieu