Liệu có liều thuốc bất tử cho kỳ quan thiên nhiên không?

Hòn Thiên Nga tọa lạc ngay trong vịnh Bái Tử Long, rất gần với đảo Cống Tây, và Cống Đông của xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã cụt đầu sau đợt sạt lở năm 2016. Đá cũng có sinh có tử. Liệu có được liều thuốc bất tử cho kỳ quan thiên nhiên không?

Hòn Thiên Nga cụt đầu (ảnh do ông Trần Văn Hiến cung cấp)

Hòn Thiên Nga chỉ còn trong ảnh

Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long xác nhận với Báo NNVN về việc hòn Thiên Nga đã bị sạt lở. Nguyên nhân hòn Thiên Nga cụt đầu là do bị trượt tự nhiên. Cụ thể, 30% hòn Thiên Nga nhỏ đã bị trượt xuống biển.

Hình ảnh hòn Thiên Nga cụt đầu được ông Cấn Đình Loan, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh chia sẻ trên trang cá nhân của mình ngay lập tức đã gây xôn xao. Nhiều người ban đầu cho rằng ông Loan đã sử dụng kỹ thuật Photoshop để đùa. Nhưng khi biết thông tin này là chính xác, không phải vui đùa thì ai nấy đều tiếc nuối trước một kỳ thiên thiên nhiên bị đổ.

Trao đổi với PV, ông Cấn Đình Loan, cho biết: “Ảnh hòn Thiên Nga cụt đầu tôi chụp trong chuyến đi thực tế sáng tác của Chi hội nhiếp ảnh Tiên Yên hồi 14giờ 44 phút ngày 4/6/2016”.

Theo hồ sơ của Ban quản lý danh thắng Hạ Long, hòn Thiên Nga là một đảo đá đang nổi bồng bềnh trên mặt vịnh Bái Tử Long, hình thù giống như một con Thiên Nga bị lạc đàn, đang bập bềnh trên sóng nước đầy quyến rũ và ấn tượng.

NSNA Đoàn Đức Chính, một thành viên trong chuyến đi thực tế sáng tác ngày 4/6/2016 chia sẻ thêm, nguyên nhân hòn Thiên Nga cụt đầu là do phong hóa.

“Người dân cho biết sau trận mưa lớn đầu năm nay đảo đá bị trượt phần đầu xuống biển. Khi chúng tôi đến nơi thì đảo đầu Thiên Nga đã tùm xuống và nằm yên dưới đáy biển từ lâu rồi”, ông Chính nói.

Từ nay, hòn Thiên Nga chỉ còn trong hình ảnh. Ông Cấn Đình Loan cảm thán: “Biết rằng là do thiên tai nhưng cũng tiếc nuối lắm chứ. Mất một kỳ quan vĩnh viễn thấy cũng đau lòng”.

Được biết, Ban quản lý vịnh Hạ Long đang cùng các đơn vị chức năng phối hợp nghiên cứu để trục vớt phần tảng đá sạt xuống biển để phục dựng. Ông Cấn Đình Loan cho rằng: “Nếu làm được điều này thì Quảng Ninh sẽ là tâm điểm của sự khâm phục và kính trọng. Tất nhiên có lẽ chính sự kiện này sẽ thu hút khách du lịch đến tham quan nơi này”.

Tìm thuốc bất tử cho đá

Điều đáng nói là nguy cơ sạt lở của các đảo đá thiên nhiên bồng bềnh trên mặt nước vịnh Hạ Long đang trong tình trạng đáng báo động. NSNA Đoàn Đức Chính đã rất tiếc nuối trước hòn Thiên Nga sạt lở. Ông còn cảnh báo về nguy cơ của những đảo đá khác: “Ngay cả hòn Gà Chọi nếu không có biện pháp bảo vệ thì cũng sẽ có ngày đổ xuống biển thôi”.

Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Thảo, Phó Chủ nhiệm Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Để khắc phục tình trạng sạt lở đá do tác động thiên nhiên, có thể dùng phương pháp khoan vào các khối đá, bố trí dây, lưới chằng các lớp đá lại kiểu như làm taluy đường để tránh sự trôi trượt đáng tiếc.

Trả lời câu hỏi của PV về việc người chụp từ 4/6/2016 đã biết hòn Thiên Nga bị sạt lở, vì sao đến giữa tháng 7/2016, khi các cơ quan báo chí lên tiếng thì Ban quản lý vịnh mới cung cấp thông tin? Ông Trần Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn vịnh Bái Tử Long cho biết, Trung tâm nhận được thông tin từ khi hòn Thiên Nga bị sạt qua thông báo của người dân địa phương và các cộng tác viên hoạt động trên vịnh từ lâu.

“Vì đây là sạt lở tự nhiên cho nên chúng tôi không thông tin đến báo chí. Còn chúng tôi đã có báo cáo sớm về lãnh đạo cơ quan nắm bắt. Khi có cơ quan báo chí hỏi, chúng tôi trả lời những thắc mắc liên quan”, ông Hiến lý giải.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn vịnh Bái Tử Long, sự việc sạt lở hòn Thiên Nga về cơ bản cũng giống như sạt lở hòn Trống Mái ở tỉnh Kiên Giang trước đây. Trên vịnh có rất nhiều hòn đảo mà do hoạt động kiến tạo địa chất, hoạt động sạt lở diễn ra từ nhiều trăm triệu năm nay và hiện tại vẫn đang diễn ra. Về nguyên lý lớp vỏ địa chất và về bề mặt trái đất luôn luôn hoạt động ở mức độ cân bằng động. Vì một lý do nào đó, ví dụ mưa nhiều hơn, làm mất cân bằng trọng lực thì có thể sạt lở xuống. Trong vịnh có những hòn đã trở thành biểu tượng từ xưa tới nay như hòn Con Cóc, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi… Không may là sạt lở lại vào hòn Thiên Nga.

Trao đổi về nỗi lo hòn Gà Chọi có thể cũng bị sạt lở tương tự, ông Trần Văn Hiến trấn an: “Về quan điểm cá nhân của tôi, cấu tạo hòn Gà Chọi là đá vôi dạng khối cho nên khó bị tác động hơn đá vôi dạng phân lớp như hòn Thiên Nga”.

Còn các biện pháp giữ gìn đối với những đảo đá thiên nhiên khác, ông Hiến cho biết: “Về cá nhân tôi cho rằng nếu trong quá trình quản lý những hòn mang tính biểu trưng, biểu tượng mà có dấu hiệu, có nguy cơ sạt lở thì có thể có những biện pháp xử lý để đảm bảo, tránh chuyện mất cân bằng trọng lực đang có. Tôi nghĩ rằng sẽ có biện pháp phù hợp tùy theo đối tượng, tùy theo vị trí của từng hòn”.

Hiện nay, ông Hiến chia sẻ, các đảo đá mang tính biểu tượng ở trên vịnh Hạ Long chưa thấy có những dấu hiệu gì đặc biệt cần xử lý.

“Trong trường hợp phát hiện ra những dấu hiệu có nguy cơ chúng tôi sẽ có biện pháp và sẽ phải trao đổi thêm với các cơ quan chuyên môn để đưa ra biện pháp thích hợp có thể tác động vừa phải vào mà không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đồng thời vẫn giữ được nguyên trạng cảnh quan thiên nhiên”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lieu-co-lieu-thuoc-bat-tu-cho-ky-quan-thien-nhien-khong-post170014.html