Lộ 'chứng cứ' không có cơ sở pháp luật!

Mặc dù khẳng định “không có việc” vụ án chìm tàu Cần Giờ, “Cơ quan điều tra không chứng minh được tội phạm” và “treo án” như Báo Lao Động đã đăng tải, nhưng chính trong nội dung CV báo cáo với lãnh đạo Viện Kiểm sát ND tối cao, lãnh đạo Viện Kiểm sát ND TPHCM đã tự thừa nhận hàng loạt sai phạm: Lạm quyền, truy tố người không có tội…

Sau sai sót tàu PPC Cần Giờ, tất cả các tàu do Cty Việt Séc sản xuất cho Hải quân đều được Đăng kiểm Hải quân ghi đúng tên vật liệu PPC.

Thừa nhận lạm quyền

Như Báo Lao Động điện tử đã đăng tải, ngày 3.2.2017 lãnh đạo Viện Kiểm sát ND tối cao đã có chỉ đạo Viện Kiểm sát ND TPHCM, Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2) kiểm tra, báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát ND tối cao phụ trách vụ chìm tàu tại vùng biển Cần Giờ (TPHCM). Vụ đã kéo dài gần 4 năm nay chưa kết thúc (Xem bài Viện Kiểm sát ND tối cao yêu cầu báo cáo vụ án được Báo Lao Động nêu” LĐO ra ngày 10.2.2017)

Ngày 14.2.2017, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát ND TPHCM Đoàn Tạ Cửu Long đã ký CV số 02-0/VKS-P2 gửi Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát ND tối cao Trần Công Phàn. Trong văn bản này, ông Đoàn Tạ Cửu Long tiếp tục lặp lại lập luận như đã báo cáo Đoàn Đại biểu QH TPHCM. Tuy nhiên, ông Long đã buộc phải thừa nhận hàng loạt sai phạm đã bị công dân, doanh nghiệp tố cáo.

Ông Vũ Văn Đảo bị truy tố vì về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”

Theo báo cáo của ông Long, ngày 2.8.2013 chiếc cano của Bộ đội biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu (số hiệu BP 12-04-02) khi đi ngang qua vùng biển Cần Giờ thì bị lật, hậu quả 9 người chết. Nguyên nhân vụ tai nạn được các cơ quan chức năng kết luận: “Ca nô chở số người gấp 2,5 lần cho phép; ca nô hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép; người điều khiển ca nô đã điều động ca nô chưa phù hợp với tình huống thực tế…”.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, “quá trình điều tra, bên cạnh các tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan CSĐT đã làm rõ thì vụ án có nhiều tình tiết, chứng cứ liên quan đến Bộ đội biên phòng và một số đơn vị trực thuộc Bộ QP, nhưng chưa được thu thập, điều tra làm rõ vì không thuộc thẩm quyền của Cơ quan CSĐT CA TPHCM. Vì vậy, ngày 29.4.2014, Liên ngành tố tụng TPHCM đã họp và thống nhất; Sơ kết vụ án, đề nghị chuyển Cơ quan điều tra hình sự Bộ đội Biên phòng tiếp tục điều tra xử lý. Ngày 28.5.2014, Viện Kiểm sát ND TPHCM ra QĐ chuyển vụ án hình sự để điều tra đến CQ điều tra hình sự Bộ đội Biên phòng để điều ra, xử lý theo thẩm quyền”.

Theo ông Long: “Cơ quan điều tra hình sự Bộ đội Biên phòng không tiếp nhận hồ sơ để thụ lý theo thẩm quyền”. Vì vậy, ngày 9.9.2014, Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã ra QĐ khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết (nhà sản xuất ca nô BP 12-04-02 bằng công nghệ vật liệu mới PPC) về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” quy định tại Điều 214 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà PV Báo Lao Động thu thập được thì không có chuyện Quân chủng Hải quân “từ chối thụ lý vụ án theo thẩm quyền”. Ngày 16.1.2015 Viện Kiểm sát quân sự và Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Hải quân đã có CV trả lời cơ quan tố tụng TPHCM khẳng định rõ: Xét thấy những sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan “không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả trong vụ tai nạn chìm ca nô BP 12-04-02”. Viện Kiểm sát quân sự và Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Hải quân, “Không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, những tố cáo của công dân, các doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cơ quan tố tụng TPHCM “lạm quyền”, “cố tình truy tố người không có tội” là hoàn toàn có cơ sở (Xem bài “Liên quan đến vụ chìm tàu tại vùng biển Cần Giờ: DN “tố” Công an, Viện Kiểm sát TPHCM “lạm dụng quyền lực”, LĐ số 167 ra ngày 20.7.2016)

“Tài liệu, chứng cứ” chứng minh chiếc ca nô PPC bị lật không đủ căn cứ pháp luật

Như Báo Lao Động đã đăng tải, trong Báo cáo Đoàn Đại biểu QH TPHCM ông Đoàn Tạ Cửu Long – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát ND TPHCM đã cố tình lập lờ các quy định, quy phạm pháp luật về thẩm quyền đăng kiểm phương tiện thủy giữa Bộ GTVT và Bộ QP quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa. (Xem bài “TPHCM: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát ND lập lờ các quy định khi báo cáo Đoàn Đại biểu QH”, LĐO ra ngày 19.2.2017)

Tại CV báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát ND tối cao, ông Long vẫn tiếp tục lập lờ về thẩm quyền đăng kiểm phương tiện giữa dân sự và quốc phòng.

Bên cạnh đó, ông Long báo cáo các “tài liệu, chứng cứ chứng minh ca nô BP 12-04-02 không đảm bảo an toàn” gồm: “Cty Việt Séc (do ông Vũ Văn Đảo làm giám đốc) sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu mới PPC khi chưa được Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) cho phép đăng kiểm”, “Hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn sử dụng thiết kế và đăng kiểm ca nô thủy có thân vỏ chế tạo bằng vật liệu PPC”…

Về những “tài liệu, chứng cứ” này của ông Đoàn Tạ Cửu Long, Báo Lao Động đã có bài phản ánh việc “Cục Đăng kiểm VN: Cản trở công nghệ đóng tàu bằng vật liệu mới” (LĐ số 144 ra ngày 26.6.2015). Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó là ông Đinh La Thăng đã có chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN nếu không có khả năng đăng kiểm tàu PPC thì phải công nhận kết quả Đăng kiểm của Hải quân hoặc Đăng kiểm nước ngoài theo luật. Hiện nay, Bộ GTVT cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng mới tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu mới PPC (Thông tư 43 ngày 20.12.2016).

Một “chứng cứ” nữa được ông Long báo cáo là Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật được Phòng Đăng kiểm hải quân (Bộ tư lệnh Hải quân) cấp cho ca nô BP 12-04-02 ghi sai tên “vật liệu thân vỏ là composite, thực tế là PPC”. Về “chứng cứ” này, CV ngày 16.1.2015 của Viện Kiểm sát quân sự và Cơ quan điều tra hình sự Quân chủng Hải quân trả lời cơ quan tố tụng TPHCM đã khẳng định đây là “sai sót” ghi nhầm tên vật liệu. Ngoài sai sót trên Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của ca nô BP 12-04-02 (và một phương tiện nữa), “Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thủy Đăng kiểm hải quân cấp cho các phương tiện do Cty Việt Séc sản xuất bán cho một số đơn vị Quân đội như: Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Cảnh sát biển VN… đều ghi đúng tên vật liệu chế tạo thân vỏ thực tế của phương tiện là PPC”.

Như vậy có thể thấy những “tài liệu, chứng cứ” chứng minh chiếc ca nô PPC bị lật trên vùng biển Cần Giờ là không đảm bảo an toàn mà ông Đoàn Tạ Cửu Long báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát ND tối cao đều không có đủ căn cứ pháp luật.

Trong báo cáo, ông Đoàn Tạ Cửu Long cũng đề nghị xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện Kiểm sát ND tối cao giải quyết vụ án. Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc quan điểm giải quyết vụ án này của Viện Kiểm sát ND tối cao ngay khi có phản hồi của lãnh đạo Viện.

Đỗ Văn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/lo-chung-cu-khong-co-co-so-phap-luat-641542.bld