Lộ diện nguy cơ Nhiệt điện Duyên Hải 1 tàn phá môi trường miền Tây

Bất ngờ khi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi giám sát trực tiếp Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, tỉnh Trà Vinh vào ngày 1/10 sau khi có phản ánh của cử tri. Càng bất ngờ hơn, tại đây đoàn giám sát phát hiện hàng loạt bất thường tại công trình này. Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các Nhà máy nhiệt điện tại ĐBSCL đã hiển diện rõ ràng. Mối nguy về sự hình thành Formosa thứ 2 tại khu vực miền Tây đang thực sự gây đau đầu nhiều người.

Chủ tịch TW MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân giám sát tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: Hoàng Huy

Do “ đặc thù” nên chậm báo cáo?

Trước những bức xúc của cư tri về tình trạng ô nhiễm môi trường do Nhà máy Nhiệt Điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh) gây ra, ông Nguyễn Thiện Nhân và đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã có quyết định hết sức hợp lý. Quyết định giám sát và làm việc với nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 về một số nội dung liên quan tới các kiến nghị của cử tri về môi trường có dấu hiệu ô nhiễm.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 đi vào vận hành thương mại vào tháng 1/2016, nhưng từ đó đến nay không hề nộp báo cáo đánh giá các công trình bảo vệ môi trường cho Bộ. Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục môi trường, cho biết chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung theo quy định. Các công trình phụ cũng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Giải trình vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện 3 cho hay: Do đặc thù của hoạt động nhà máy nhiệt điện chỉ đánh giá tác động được khi đưa vào vận hành nên mới nảy sinh vấn đề nêu trên.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, vào tháng 3/2016, nhà máy đã có báo cáo gửi lên Bộ TN-MT nhưng do trùng hợp với sự cố môi trường Formosa ở Hà Tĩnh nên tạm gác lại. Thời gian tới nhà máy sẽ hoàn thiện báo cáo để gửi đến Bộ TNMT theo quy định.

Không đồng ý với giải trình này, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường cho hay, Thông tư 27/2015/TT-BTNMT của Bộ đã quy định trước khi vận hành chạy thử, chủ đầu tư phải gửi công văn cho các cơ quan quản lý về kế hoạch chạy thử tối đa 6 tháng, nếu có trục trặc phải thông báo ngay với cơ quan chức năng. “Đối với dự án nhiệt điện Duyên Hải, nếu có đặc thù thì cần báo cáo cụ thể theo từng giai đoạn” - ông Đồng nói.

Đoàn công tác lắng nghe báo cáo về nhà máy. Ảnh: Hoàng Huy

Trước đó, người dân sống xung quanh nhà máy bức xúc vì những tác động của Nhà máy mang lại. Đó là những tác động tiêu cực đến môi trường không khí, môi trường nước khi phải sống trong khói bụi độc hại. Một người dân sản xuất muối cách nhà máy 3 km cho biết, bụi khói đã bay vào cánh đồng muối, khiến muối bán không ai dám mua. Ông Đào Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Dân Thành, cho biết tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực này đã được bà con nhân dân phản ánh. Ông Chính cho biết, vào mùa “gió chướng”, một lượng lớn bãi thải bay vào nhà dân, hoa màu cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Chính, nguy cơ gây ô nhiễm biển của nhà máy rất lớn, trong khi người dân không được biết và không thể giám sát do nhà máy xả thải ngầm.

Ông Lữ Minh Tâm, Phó Chủ tịch xã Đông Hải, phản ánh thêm: Người dân huyện Duyên Hải có nghề đánh bắt thủy sản, nên việc xả thải ra biển của Nhà máy nhiệt điện nếu có trục trặc gì sẽ gây thiệt hại lớn đến đời sống nhân dân.

Đại diện Ban quản lý nhà máy cho hay: Nhà máy đã thay thế phương thức đốt dầu FO tại lò hơi phụ bằng đốt dầu DO để giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, nhà máy đã chủ động xây dựng hệ thống xử lý môi trường theo đúng quy chuẩn và báo cáo kết quả quan trắc online về cho Sở TN-MT, Sở Công thương.

Trước những động thái cụ thể từ phía nhà máy, ông Đồng đề nghị Ban quản lý dự án bổ sung, cung cấp thêm hồ sơ, tài liệu để chứng minh việc hoàn thành thay đổi quy trình công nghệ chuyển đổi dầu FO sang DO.

Ngoài ra, việc vận hành nhà máy nhiệt điện phát sinh việc xả thải ngầm ra biển, việc này khiến nhiều người hoang mang và lo lắng liệu nước biển có bị ô nhiễm hay không. Lo lắng của nhân dân và lãnh đạo chính quyền là việc kiểm tra giám sát xả thải gặp khó khăn vì không thể quan sát bằng mắt thường.

Hàng triệu tấn tro xỉ thiếu chỗ chôn

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân giám sát tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: Hoàng Huy

Điều đáng chú ý là thiết kế tổng thể về dự án, nhà máy sử dụng công nghệ xỉ ướt, nhưng khi vận hành chính thức thì lại dùng công nghệ xử lí xỉ khô. Điều này đã nảy sinh rất nhiều vấn đề tác động xấu đến môi trường nước và không khí trên địa bàn. Bộ TN-MT đã có văn bản không đồng ý nhưng Nhà máy vẫn bất chấp chỉ đạo, triển khai làm trái phép.

Dù thực hiện không đúng thiết kế, nhưng ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định: “Công nghệ thải xỉ khô không gây ô nhiễm không khí do được chuyển bằng đường ống khép kín từ nhà máy ra bãi xỉ, bãi xỉ cũng làm ẩm, lu lèn và phun nước chống bụi định kỳ. Công nghệ này cũng không tác động tới môi trường nước mặt, nước biển và nước ngầm”.

Theo Sở TN-MT Trà Vinh, mỗi năm lượng tro xỉ ra môi trường lên đến 1,6 triệu tấn. Còn theo quy định, thời hạn bãi chứa tro, xỉ trong hai năm rưỡi phải tiến hành xử lí. Nếu vận hành 4 nhà máy nhiệt điện thì lượng tro, xỉ mỗi năm sẽ lên tới 2,8 triệu tấn. Phương án xử lý vẫn chưa được thông qua. Đại diện Ban quản lý dự án cho rằng tận dụng những tro xỉ này để làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung.

Trước cách trả lời "bất ổn" này, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm lo lắng: “Lượng tro xỉ hiện cần xử lý là khoảng 2 triệu tấn, trong quy hoạch mặt bằng dùng cho bãi chứa tro xỉ tổng cộng 4 nhà máy là 100ha, thế nhưng hiện tại mới vận hành một nhà máy đã sắp đầy diện tích 40/100 ha chứa tro, xỉ. Nếu vận hành 4 nhà máy cùng hoạt động theo đà này, chắc chắn sẽ không có đủ mặt bằng để chứa tro xỉ”.

Trước phương án xử lý tro, xỉ làm nguyên vật liệu tái chế thành gạch không nung, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng cần phải làm rõ thành phần xỉ thải đảm bảo không có chất nguy hại. Ông Dũng cho hay một thông tin không vui: “Chúng tôi đã mời 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lí tro xỉ nghiên cứu làm gạch không nung từ xỉ thải của Nhiệt điện Duyên Hải, nhưng cả 4 đều lắc đầu cho rằng không thể làm vật liệu xây dựng được”.

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đề nghị nhà máy cần lưu tâm, đặc biệt mùa khô phải có biện pháp xử lý không ảnh hưởng đến đời sống người dân đối với tro xỉ từ nhà máy gây nên. Về việc xả nước ngầm ra biển như thế nào, đây là vấn đề mà nhà máy và Bộ TN&MT giám sát đảm bảo làm sao không ảnh hưởng đến môi trường. Phía công ty và tỉnh cần chứng minh được chất lượng nước có tuân thủ môi trường hay không. Phải có phương tiện, thống nhất các tiêu chí, gắn với giám sát từ xa. Về vấn đề giám sát môi trường, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu lý, cần minh bạch thông tin môi trường, tạo niềm tin cho người dân. Không thể để lập lại những tác động môi trường như miền Trung.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cũng lưu ý, Chính phủ cũng đã họp về việc này nhiều lần và đã có kết luận, chúng ta cần đầu tư, cần nguồn điện, nhưng không chấp nhận đánh đổi về môi trường; không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 chính thức được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2016 (thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Trà Vinh). Nằm trong "quần thể" này còn có các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2, 3 và 3 mở rộng, trong đó dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải đầu tư theo hình thức BOT do Tập đoàn Janankusai của Malaysia làm chủ đầu tư, gồm 2 tổ máy với công suất 2 x 622,5 MW, khởi công trong giai đoạn 2016. Nhiệt điện Duyên Hải 3 và 3 mở rộng dự kiến sẽ vận hành lần lượt vào năm 2016 - 2017 và 2018.

Tuy nhiên, điều khiến người dân ĐBSCL và các nhà khoa học quan tâm, là hiện nay, dọc theo tuyến sông Hậu từ thành phố Cần Thơ xuống tỉnh Hậu Giang ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, đã và đang hình thành khoảng 15 nhà máy nhiệt điện. Các cụm nhà máy nhiệt điện này đã được phê duyệt theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 hiệu chỉnh (gọi tắt là Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh). Tính cả các nhà máy đã xây dựng - vận hành và chuẩn bị triển khai trong các năm tới nếu có nhà đầu tư, thì 4 tỉnh trên sẽ có thể cung cấp một lượng điện dự kiến là 14.388,5 MW.

Ngoài các nhà máy dọc theo dòng sông Hậu, ở ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng tại Long An (Long An 1 và 2, công suất 1.200 MW/nhà máy), và Cà Mau (Cà Mau 1 và 2, nằm trong tổ hợp khí - điện - đạm với công suất ước tính mỗi nhà máy là 750 MW khi đốt khí; 669,8 MW khi đốt dầu DO).

Với quy hoạch Nhà máy nhiệt điện dày đặc như vậy, nỗi lo về thảm họa môi trường tại các cửa sông, cửa biển ĐBSCL là điều không hề viển vong, hiểm nguy đã đến rất gần.

Hoàng Huy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/lo-dien-nguy-co-nhiet-dien-duyen-hai-1-tan-pha-moi-truong-mien-tay-d47229.html