Lỗ hổng chính sách

Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày càng hoàn thiện với bộ Luật Bảo vệ môi trường ngày càng được bổ sung một cách đầy đủ hơn. Song, với việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, các chuyên gia lại cho rằng, vẫn còn một lỗ hổng lớn chưa được quản lý khi thiếu quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí.

Quy định có nhưng vẫn hổng

Cho đến nay, Việt Nam vẫn thiếu các quy chuẩn kỹ thuật môi trường không khí đối với các loại mùi và quy chuẩn môi trường không khí trong nhà. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường không khí hiện hành chưa quy định cụ thể về tổng lượng thải và thời điểm thải.

Thực tế cho thấy, cùng một lĩnh vực hoạt động nhưng các cơ sở sản xuất lớn thường đưa vào môi trường không khí lượng chất thải lớn hơn các cơ sở sản xuất nhỏ. Điều đó, đồng nghĩa với việc các cơ sở sản xuất có tổng lượng khí thải là khác nhau. Rõ ràng, lượng khí thải vào môi trường không khí nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô, lĩnh vực hoạt động của cơ sở đó. Vì thế, việc xử lý các khí thải đó cũng đòi hỏi các quy trình xử lý khác nhau. Bên cạnh đó, việc không quy định cụ thể thời điểm xả có thể khiến ô nhiễm môi trường không khí càng thêm trầm trọng do nguồn tiếp nhận khí thải bị quá tải.

Cùng với đó, chưa có quy định về giám sát quá trình xử lý khí thải của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, chưa triển khai hệ thống giấy phép khí thải… tất cả đều dựa vào các quy định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và hậu ĐTM. Theo quy định thực hiện ĐTM, các cơ sở sản xuất phải thực hiện quan trắc môi trường định kỳ nhưng hầu hết đều chưa thực hiện giám sát khí thải tại ống khói…

Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí vẫn còn một lỗ hổng lớn. Ảnh: MH

Về vấn đề xác định thiệt hại môi trường, Luật BVMT năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 113/2010/NĐ-CP của Chính phủ mới chỉ quy định về xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại với môi trường đất, nước và các loại động, thực vật hoang dã quý hiếm mà chưa có quy định về xác định thiệt hại môi trường không khí (MTKK) cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với MTKK. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo vệ MTKK trong lành mà còn ảnh hưởng đến quyền của tổ chức, cá nhân khi bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng do ô nhiễm MTKK gây ra. Bên cạnh đó, Luật có quy định về trách nhiệm của hộ gia đình trong kiểm soát ô nhiễm MTKK, nhưng lại chưa quy định rõ chế tài áp dụng khi hộ gia đình phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.

Điều đáng nói là hiện nay việc xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe, mặc dù, Chính phủ đã ra Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, theo đó mức xử phạt hành vi làm ô nhiễm MTKK cao nhất là 1 tỷ đồng/hành vi vi phạm đối với cá nhân và 2 tỷ đồng/hành vi vi phạm đối với tổ chức. Tuy vậy, hầu như chưa hành vi vi phạm nào bị xử phạt đến mức này, dẫn tới trên thực tế nhiều trường hợp làm ô nhiễm MTKK vẫn chấp nhận bị xử phạt để tiếp tục xả thải mà không chịu đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn, đến nay chưa có một cá nhân vi phạm pháp luật môi trường nào bị xử lý theo tội danh này. Mặt khác, pháp luật hình sự hiện hành cũng chưa áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đây cũng là vấn đề đáng bàn trong bối cảnh ô nhiễm môi trường do hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng.

Cần một Luật chuyên biệt

Theo ông Lê Hoài Nam, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trương (Bộ TN&MT), nguyên nhân căn bản dẫn đến những bất cập của hệ thống quy định pháp luật như đã nêu ở trên là do thiếu văn bản quy định pháp luật đặc thù cho quản lý môi trường không khí. Trong khi các quy định về BVMT trong nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại… đều được chú trọng, quy định về quản lý chất lượng không khí (trừ TCVN, QCVN) hầu như chưa có (nghị định, quyết định, thông tư,...). Đặc biệt, đang thiếu sự kết hợp quản lý chất lượng không khí giữa Trung ương và địa phương. Do hành lang pháp lý chưa đồng bộ và không đáp ứng kịp thời xu hướng phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí nên tính hiệu quả, hiệu lực thực thi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về không khí chưa cao.

Để hạn chế ô nhiễm không khí, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu, ban hành đạo luật về kiểm soát vấn đề này nhằm ngăn chặn việc phát thải các loại khí độc xâm hại môi trường, xây dựng cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên, mà trước tiên là trách nhiệm quản lý Nhà nước. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có hệ thống pháp luật riêng về bảo vệ chất lượng không khí thể hiện ở luật hoặc bộ luật. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, Luật về Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm khí quyển năm 2000 quy định doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm không khí có thể bị phạt tiền đến 500.000 nhân dân tệ. Tại Nhật Bản, có Luật hạn chế phát thải khói, Luật biện pháp đặc biệt giảm tổng khối lượng nitơ ôxit do ô tô phát thải ở những khu vực chỉ định...

Đồng thời, các cơ quan chức năng khi kiểm tra chất lượng không khí ở các nhà máy cần sát sao, cụ thể hơn khi lấy mẫu (tại nguồn phát) để có căn cứ xử phạt. Việc xử phạt cần nghiêm minh theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải thực hiện trách nhiệm khắc phục và phục hồi môi trường”.

Muốn làm được điều này, trước mắt  phải rà soát lại các quy định pháp luật liên quan đến ô nhiễm không khí để kịp thời điều chỉnh và sửa đổi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đối với quản lý môi trường không khí, đặc biệt là ở các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Đối với những ngành, lĩnh vực có phát thải gây ô nhiễm không khí cao như giao thông vận tải, xây dựng, khu vực làng nghề và khu vực xử lý chất thải cần có sự quản lý chặt chẽ. Đồng thời, có những cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích các công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Trong lúc đợi Luật, cần có những hành động cụ thể để cải thiện chất lượng không khí như công bố thông tin hàng ngày về ô nhiễm không khí, những tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người, môi trường và hướng dẫn cách phòng tránh phơi nhiễm với không khí ô nhiễm; tăng cường thực thi các quy định hiện hành về quy chuẩn đốt chất thải rắn và hoạt động xây dựng; đẩy mạnh hoạt động cải thiện chất lượng không khí tại mỗi gia đình thông qua thay đổi hành vi đun nấu nhờ áp dụng những giải pháp thay thế phù hợp với túi tiền của người dân như sử dụng bếp đun cải tiến; đưa đánh giá tích lũy chất lượng không khí và đánh giá tác động sức khỏe vào quy trình quy hoạch, lập kế hoạch phát triển các nhà máy điện và hoạt động công nghiệp, các phương tiện, công trình giao thông.

Trong khi việc xử lý, bắt quả tang các doanh nghiệp xả thải rắn, lỏng bừa bãi là đơn giản vì căn cứ trên thực tế, chứng cứ, việc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không khí, bụi lại khó khăn hơn nhiều, bởi “tội chứng” đôi khi cứ bị gió cuốn đi, hoặc chỉ cần hệ thống máy móc ngưng chạy là “tan” hết dấu vết...

Mai Chi

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong-va-phat-trien/201709/lo-hong-chinh-sach-2843431/