"Lỗ hổng" lớn trong chương trình

Là một nhà giáo từng nhiều năm đứng trên bục giảng, có nhiều dịp trực tiếp giảng dạy cho sinh viên tại chức, nhìn lại từ chính công việc của mình, bức xúc và trăn trở, ông đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về những bất cập của hệ đào tạo vừa làm vừa học (VLVH). Ông là GS Nguyễn Đình Cống - nguyên Chủ nhiệm khoa Xây dựng (ĐH Xây dựng Hà Nội). Dưới đây là những tâm sự, trăn trở của ông ở góc độ "người trong cuộc"...

Là một nhà giáo từng nhiều năm đứng trên bục giảng, có nhiều dịp trực tiếp giảng dạy cho sinh viên tại chức, nhìn lại từ chính công việc của mình, bức xúc và trăn trở, ông đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về những bất cập của hệ đào tạo vừa làm vừa học (VLVH). Ông là GS Nguyễn Đình Cống - nguyên Chủ nhiệm khoa Xây dựng (ĐH Xây dựng Hà Nội). Dưới đây là những tâm sự, trăn trở của ông ở góc độ "người trong cuộc"...

- Thưa Giáo sư, loại hình VLVH từng có vai trò không nhỏ trong hệ thống giáo dục?

Trước tiên phải nói hệ VLVH ra đời là do đòi hỏi của lịch sử. Từ sau ngày đất nước thống nhất, và tiếp đó trong thời kỳ Đổi mới, nhiều cán bộ viên chức cần phải được bổ túc trình độ để phục vụ công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Và đó cũng là giai đoạn mà loại hình VLVH phát triển, đạt hiệu quả cao. Nhưng rồi sau này, do bệnh thành tích, tư duy trọng bằng cấp nên người ta đã hiểu sai và làm sai dẫn tới hệ tại chức "biến thể" như bây giờ. Điều bất cập đầu tiên nằm ngay ở đầu vào, nó đã "biến thể" ở chỗ không chỉ tuyển người đã có trình độ và kinh nghiệm thực tế nhất định đi học, mà nhiều trường tuyển rất đông học sinh mới tốt nghiệp THPT. Nhưng quan trọng hơn là thời gian và chương trình dạy và học không phù hợp. Rồi việc quy định "bằng cấp tương đương". Tôi rất không tán thành việc này, bởi hai hình thức đào tạo khác nhau không thể coi là trình độ tương đương được.

- Vậy, sự bất cập hiện nay của hệ đào tạo này, cốt lõi chính là quy trình và chương trình đào tạo chưa phù hợp?

Đúng như vậy. Nội dung chương trình được giảng dạy máy móc theo hệ chính quy, có rút ngắn chút ít nhưng vẫn nặng về lý thuyết. Phương pháp dạy và học lại phần lớn theo kiểu "cuốn chiếu" (mà tôi gọi là phương pháp "mưa rào", tức là kiến thức trôi tuột). Thí dụ: Một môn khoảng 60 tiết chỉ học trong vòng sáu đến chín buổi là xong. Việc học đã ào ào, việc thi cũng nhiều chuyện nực cười. Vì học theo kiểu "cuốn chiếu" nên thường thường kết thúc chương trình học là tổ chức thi luôn. Điều này có lẽ thuận tiện cho các nhà quản lý, cho giảng viên, cho người học nhưng cũng vì thế mà chất lượng vô cùng kém. Đáng lẽ người ra đề phải là người khác, bộ phận khác để bảo đảm tính khách quan, đằng này vẫn chính thầy dạy ra đề, thầy dạy ôn thi và cũng lại thầy chấm. Việc kiểm tra, thanh tra của trường, của Bộ tuy thỉnh thoảng cũng có làm nhưng nặng về hình thức, kiểm tra trên giấy tờ, không đánh giá đúng thực chất. Xét cho cùng thì ý thức và trách nhiệm là quan trọng nhất...

- Lại vẫn câu chuyện ý thức...

Vâng. Quan trọng nhất là người dạy, rồi đến người học và hệ thống quản lý, chương trình đào tạo. Ngày xưa, thời đất nước còn chiến tranh, thầy và trò phải tranh thủ học dưới hầm, sách vở đều thiếu, vậy mà chúng tôi vẫn học đến nơi đến chốn. Nay thì tình trạng gian lận và thói vô trách nhiệm tràn lan...

- Từ kinh nghiệm làm nghề, Giáo sư có thể góp giải pháp cụ thể cho loại hình VLVH?

Vấn đề này cực khó, nhân tố chủ yếu là con người, mà giáo dục cũng không thể nằm ngoài tình hình chung của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải có những bước đi táo bạo, hợp lý. Cần thu hẹp loại hình tại chức, đổi mới nội dung và phương pháp dạy và học cho thật sự phù hợp, có hiệu quả. Bộ GD-ĐT nên có những động thái tích cực hơn với hệ tại chức mà quan trọng nhất là cải tiến nội dung chương trình đào tạo, tổ chức đơn vị kiểm định độc lập, hướng kiến thức người học đến gần hơn với nghề nghiệp mà họ đang làm, hoặc sẽ làm sau này, đồng thời cũng phải "siết" chặt đầu ra. Không nên biến họ trở thành những "cái bóng" của hệ đào tạo chính quy để rồi lại phải đau lòng trước những câu chuyện "tẩy chay" trong tuyển dụng.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

HOÀNG LÊ (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/chuyen-de/item/21001102-.html