Lỗ hổng quản lý!

1. Khuya 15-6-2016, một nhóm du khách Trung Quốc, có ba nữ “thông dịch viên” Việt Nam đi cùng, vào TV Club trên đường Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng. Một du khách ở trần nhất định không chịu mặc áo. Bị từ chối vì quán bar không phải là phòng ngủ và khuyên lơn mãi, vị khách này mới bực dọc mặc áo vào quán.

Lượng khách Trung Quốc đến VN trong nửa đầu năm 2016 tăng cao, nhưng để lại không ít hình ảnh xấu. Ảnh TL

Trong khi đang ăn uống, vị khách này nổi hứng, rút ra tờ giấy bạc 200.000 đồng Việt Nam và châm lửa đốt, thản nhiên trước sự đồng thuận của nhóm đi cùng và sự bức xúc của mọi người xung quanh. Nhân viên quán chạy đến can ngăn, khuyên bảo không được, buộc phải mời vị khách quậy này ra khỏi quán để “tránh phiền phức!”.

Khi tính tiền rời quán, cả nhóm nằng nặc đòi thanh toán bằng nhân dân tệ với lý do là “hết tiền Việt”. Thuyết phục không xong, quản lý quán đành phải nhận tiền nhân dân tệ bởi “không có chủ quán ở đây”.

2. Thật ra vấn nạn hướng dẫn viên nước ngoài “chui” đã có từ lâu, báo chí và dư luận đã cảnh báo nhưng cơ quan quản lý vẫn thờ ơ. Hướng dẫn viên chui Trung Quốc không chỉ trấn lột khách nước họ qua hoạt động mua sắm mà còn cố tình xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Nhiều khách Trung Quốc cứ tưởng đây là chuyến thực địa để chứng minh “đường lưỡi bò chín đoạn”, bao gồm cả Hoàng Sa và cả Trường Sa, là của Trung Quốc. Cứ như họ là chủ chứ không phải khách!

Người Trung Quốc còn lập các cửa hàng riêng cho khách Trung Quốc, chỉ thanh toán bằng nhân dân tệ. Nhiều mặt hàng của Trung Quốc nhưng dán nhãn Việt Nam. Chất lượng kém mà giá cả trên trời. Khách Trung Quốc mua quà không còn lựa chọn nào khác. Họ bắn một mũi tên trúng hai mục tiêu. Tiền lời khủng, họ vơ vét. Tiếng xấu về giá cả và hàng kém chất lượng, Việt Nam lãnh đủ.

3. Buồn du khách Trung Quốc quậy phá và ngạo mạn một thì trách thái độ thỏa hiệp và cam chịu của người Việt gấp đôi. Đặc biệt là những người làm dịch vụ du lịch, được mệnh danh là những “đại sứ nhân dân”. Khách quậy phá, ba thông dịch viên người Việt đi theo đã làm gì để can ngăn và khuyên bảo du khách của mình? Nơi công cộng và nhà hàng nào cũng có nội quy, mình có quyền từ chối dịch vụ nếu khách không tuân thủ. Pháp luật chỉ có thể giải thích chứ không đi vận động, càng không thể năn nỉ. Nếu khách Việt qua Trung Quốc mà hành xử kiểu đó là bị “xử đẹp” ngay. Không nước nào chấp nhận những hành vi sai trái như vậy.

Buồn nhất là cách hành xử của cả nhân viên lẫn quản lý của TV Club. Hành vi đốt tiền đáng lẽ phải bị lập biên bản, mời công an đến xử phạt vì vi phạm pháp luật Việt Nam. Thay vì kiên quyết không nhận thanh toán bằng ngoại tệ, quản lý đã nhắm mắt vi phạm pháp luật nước mình (pháp luật không cho phép thanh toán bằng ngoại tệ).

Cách đây khá lâu, tôi đi xe buýt từ Vientiane (Lào) đến Bangkok (Thái Lan) vào tối khuya. Tới bến, tôi gọi taxi về khách sạn. Lúc thanh toán, tài xế dứt khoát chỉ lấy tiền bath. Quầy đổi tiền ở khách sạn nghỉ đêm. Nhờ đổi đô la Mỹ sang tiền bath thì không ai dám. Cuối cùng đành lấy hộ chiếu cầm cho nhân viên lễ tân mượn tạm tiền bath để trả. Họ cũng làm du lịch nhưng có tinh thần quốc gia và chấp pháp như vậy đấy!

Giận nhất là những tập thể và cá nhân tiếp tay cho khách Trung Quốc lộng hành, kể cả một số cán bộ nhà nước. Họ đã bán rẻ quyền lợi và danh dự của đất nước, chống lưng và bảo kê cho nhưng người Trung Quốc xấu xí trục lợi, gây hậu quả khó lường. Xử lý hướng dẫn viên chui không khó. Điều quyết định là có dám xử đúng người và truy tận gốc hay không. Nhưng cũng phải thừa nhận năng lực yếu kém của các cấp quản lý để khắc phục. Họ chưa dự báo đúng tình hình, khi sự cố xảy ra thì lúng túng và bị động trong việc xử lý.

Các vụ việc trên đã bộc lộ lỗ hổng kiến thức tối thiểu về pháp luật của cả cán bộ quản lý đến các nhân viên dịch vụ. Họ cứ vô tư để du khách nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam (đốt tiền, làm hướng dẫn viên chui, xuyên tạc lịch sử Việt Nam...) và chính mình vi phạm pháp luật (thanh toán bằng ngoại tệ). Các vi phạm đều đáng bị xử phạt để răn đe. Nhưng quan trọng là trang bị kiến thức và cách xử lý những tình huống tương tự. Cần mềm mỏng mà kiên quyết, đúng pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để du khách “tâm phục khẩu phục” và biết “nhập gia tùy tục”.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/148541/lo-hong-quan-ly.html/