Lo ngại tác động sau sự cố Fosmosa đến tăng trưởng kinh tế

Với mức tăng 2,35% so với tháng 12/2015, CPI 6 tháng đầu năm được nhận định mở đầu cho xu hướng tăng giá của CPI. Với mục tiêu CPI năm nay dưới 5%, nhiều chuyên gia lo ngại mục tiêu này khó đạt được khi nhiều áp lực tác động đến CPI trong 6 tháng cuối năm…

CPI đã tăng liên tục trong 5 tháng (tính từ tháng 2) là hiện tượng hiếm thấy

Vấn đề được đưa ra tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” do Học viện Tài chính tổ chức ngày hôm qua - 7/7.

Diễn biến bất thường

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm 2016 có một số bất thường: CPI đã tăng liên tục trong 5 tháng (tính từ tháng 2) là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua, trừ những năm có tốc độ tăng cả năm khá cao. Tính chung 6 tháng đầu năm so với tháng 12/2015, CPI đã tăng 2,35%.

Mức tăng này cao hơn nhiều so với các số tương ứng của cùng kỳ 2 năm trước (năm 2014 tăng 1,38%, năm 2015 tăng 0,73%), bình quân CPI 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng 0,39%/tháng. Một bất thường nữa, theo ông Long, đó là mọi năm tháng 1 (tháng có Tết Âm lịch) CPI thường tăng, tháng 3 thường giảm thì năm nay có diễn biến ngược lại”. “Những năm có CPI cao thường có những diễn biến bất thường như vậy!”- ông Long lưu ý.

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương, TS Lê Quốc Phương so sánh tăng trưởng GDP và diễn biến CPI 6 tháng đầu năm 2016 với CPI năm 2015 với vẻ tiếc nuối. Một loạt nguyên nhân làm CPI tăng khá cao được chỉ ra là do tác động của nhóm yếu tố điều hành (giá dịch vụ y tế, giáo dục, lương cơ bản), tác động của nhóm yếu tố thị trường (giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ trở lại từ tháng 2/2016) và tác động của nhóm yếu tố thời tiết bất lợi (el nino, hạn hán, xâm nhập mặn..)

PGS TS Ngô Trí Long đặc biệt nhấn mạnh yếu tố bội chi ngân sách và năng suất, ông gọi đây là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế và những yếu tố này không có dấu hiệu cải thiện trong thời gian tới.

“Như vậy sau 4 năm (2012- 2015) tỷ lệ lạm phát thấp và đã từng có thời điểm một số nhà kinh tế lo ngại thiểu phát trong nền kinh tế thì hiện giờ lạm phát đã tăng tốc. Cho dù tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức thấp so với các năm trước đây, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy lạm phát là hệ quả của tương tác các biến động kinh tế có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế…” - bà Trần Mai Thành, Viện Kinh tế Việt Nam lo ngại.

Áp lực tăng lạm phát

Đã có những dự báo khác nhau về CPI năm 2016, trong đó có những dự báo lạc quan, song đa phần các ý kiến tỏ ra lo ngại mục tiêu kiểm soát lạm phát khó đạt được.

“Dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành…”- PGS. TS Ngô Trí Long nhận định. Theo ông, lạm phát vẫn tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt trong nửa sau của năm, khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, tời tiết mất mùa, tăng lương cơ bản, độ trễ của tăng cung tiền, áp lực tăng trưởng tín dụng, tỷ giá…

Thêm vào đó là vấn đề bội chi ngân sách và lãi suất có xu hướng tăng. Theo ông, mặc dù Nhà nước kiểm soát không cho vượt chi nhưng chắc chắn từ giờ đến cuối năm nhiều khoản phải chi và chính nợ công tăng là yếu tố chủ chốt làm tăng lãi suất huy động, gây áp lực cho lạm phát…

Với điều kiện Chính phủ điều hành thận trọng, ông Long đưa ra dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm sẽ ở mức 4,2%, tuy nhiên do mặt bằng giá năm nay có thể có những diễn biến phức tạp đến từ yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực), việc Anh rồi khỏi EU…, và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước và biến động của tổng cầu, sẽ không trừ lạm phát năm 2016 vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ.

Đồng tình với nhận định khả năng CPI năm 2016 vượt mục tiêu, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú khẳng định áp lực tăng giá chắc chắn sẽ dồn mạnh vào những tháng cuối năm, bao gồm các giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu có khả năng tăng trở lại nếu kinh tế thế giới phục hồi. Ngoài ra còn các yếu tố khác như thời tiết, mưa bão, thiên tai dịch bệnh, mua sắm cuối năm của các kỳ lễ, Tết…

Ông Phú dự báo mức tăng CPI của 6 tháng cuối năm sẽ nhỉnh hơn 6 tháng đầu năm khoảng 0,2- 0,3%, như vậy cả năm sẽ xấp xỉ từ 5,2- 5,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra dưới 5%. “Tuy có vượt đôi chút nhưng đạt mức dự kiến đó cũng là một thành công trong công tác điều hành giá cả của Nhà nước. Điều quan trọng hiện nay, Chính phủ, bộ, ngành và các DN tích cực chỉ đạo và thực hiện các nội dung của Nghị quyết 19/CP và 35/CP nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hỗ trợ DN- những tế bào sống rất quan trọng của kinh tế - xã hội đất nước…”- ông Phú lưu ý.

Lo ngại tác động của sự cố Fosmosa đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát

Đa phần các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều bày tỏ quan ngại sự cố xả thải của Fosmosa sẽ tác động lâu dài đến tăng trưởng GDP và lạm phát. Theo PGS TS Ngô Trí Long, mức bồi thường 500 triệu USD không thấm tháp gì so với những thiệt hại về kinh tế mà Fosmosa đã gây nên và phải mất rất nhiều năm nữa mới xử lý được những hậu quả môi trường dọc biển miền Trung.

TS Nguyễn Minh Phong cảnh báo một loạt yếu tố tác động lên tăng trưởng và lạm phát, trong đó có biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển sau sự cố Fosmosa. Ông đề nghị cần có cơ chế đảm bảo hoàn trả để cảnh báo những nhà đầu tư sang Việt Nam đổ thải...

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/lo-ngai-tac-dong-sau-su-co-fosmosa-den-tang-truong-kinh-te-282934.html