Lo tái diễn bệnh thành tích

KTĐT - Phương án thi tốt nghiệp THPT (giảm từ 6 môn xuống còn 4 môn) mà Bộ GD&ĐT công bố mới đây nhận được sự đồng tình của dư luận trước quan điểm đổi mới thi cử, nhằm giảm áp lực cho việc dạy và học.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại về việc tổ chức thi. Đặc biệt, kết quả xét tốt nghiệp năm nay được cộng cả kết quả lớp 12, liệu có xảy ra tiêu cực, tái diễn bệnh thành tích?... TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, đã chia sẻ khá thẳng thắn xung quanh vấn đề này.
Theo ông, chủ trương giảm tải, giảm áp lực thi từ 6 môn xuống còn 4 môn có khiến học sinh (HS) học lệch các môn?
- Trước đây ổn định môn thi (6 môn), 3 môn được báo trước, 3 môn đến tháng 3 hàng năm mới chỉ định, từ đó mới cho HS ôn 6 môn thi. Nay HS chỉ phải thi 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn. Phương án này thuận lợi cho HS, cái hay là HS được lựa chọn theo sở thích, khả năng phù hợp với mình. Ở đây thi không phải kiểm tra tổng khối lượng kiến thức của HS, mà kiểm tra năng lực HS qua bộ môn. Quan niệm bây giờ khác xưa, ngày trước học thế nào thi thế đó, nhưng giờ tính đến sự hiểu biết, thi hiểu, vận dụng kiến thức là chính. Việc đánh giá, đổi mới thi của Bộ GD&ĐT là tiến tới xu hướng tiệm cận thế giới.Tôi cho đây là một quyết định hợp lý của Bộ, thể hiện sự nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý từ các lực lượng xã hội, dù vẫn đang ở mức chuyển giai đoạn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, đổi mới theo hướng: Chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi, nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản và phần nâng cao. Công bố này trở thành hiện thực mới hy vọng chấm dứt được tình trạng học lệch của HS, giúp HS học tập, phát triển toàn diện; tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh, hướng tới một kỳ thi quốc gia đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, cả yêu cầu tuyển sinh ĐH, CĐ.

Các thí sinh dự thi tốt nghiệp môn Toán tại Hội đồng thi trường Kim Liên năm 2013. Ảnh: Hải Linh

Tổ chức kỳ thi với 8 môn, đồng nghĩa sẽ phải chuẩn bị nhiều phòng thi hơn, phải huy động nhiều giám thị hơn. Như vậy liệu có tốn kém, phức tạp và rối hơn so với hình thức thi cũ?
- Đến thời điểm này, có một điều khó là không biết HS các trường chọn môn thi như thế nào. Như trường THPT Lương Thế Vinh đã công bố không có HS nào chọn thi môn Sử. Với trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, tôi chưa thống kê, đang để cho các em thêm thời gian lựa chọn. Tôi tư vấn cho các em, bình tĩnh chọn môn thi phù hợp, không nghe bạn bè nay đăng ký môn này, mai đăng ký môn khác; phải suy nghĩ, tính toán phù hợp với khả năng của mình. Đến hết tháng 3 này, khi HS kiểm tra xong, sang tháng 4 tới bắt đầu chia nhỏ lớp cho HS ôn tập theo nguyện vọng. Tất nhiên sẽ phức tạp hơn một chút. Song một trong những điểm ngược hẳn với cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT lâu nay của các Sở GD&ĐT là trộn lẫn HS các trường trong một phòng thi thuộc một cụm thi, năm nay, Bộ đã quy định khá rõ, mỗi trường phổ thông tổ chức một Hội đồng thi. Đây cũng là điều thuận lợi cho học trò. Nếu chia theo trường, ví dụ, Văn, Toán đến 10 phòng thi, nhưng Sử thì ít hơn, phải chấp nhận. Việc này chỉ khó ở trường ngoài công lập, với trường công lập thì đơn giản hơn.
Với việc thi 4 môn và được cộng cả kết quả điểm lớp 12 (50+50) để xét tốt nghiệp thì tỷ lệ đỗ có thể lên đến trên 99%. Nhiều ý kiến lo ngại, sẽ không giảm bệnh thành tích và nguy cơ tiêu cực "chạy" điểm ở lớp 12 cao. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Cơ bản giáo viên động viên học trò là chính, còn số HS yếu, kém cũng khó tránh khỏi sẽ nảy sinh tiêu cực, không thể lường hết được. Theo quan điểm của tôi, nếu giáo viên, giám thị làm nhiệm vụ thi nghiêm túc và thầy, cô lo cho HS học để đạt kết quả tốt thì không đáng lo ngại. Mục tiêu của chúng ta là để HS học được, có kiến thức vào đời là quan trọng nhất. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao từ xưa đến nay không phản ánh đúng năng lực thật của học trò; học trò không học, không cố gắng mà chỉ lợi dụng tiêu cực để có tỷ lệ đỗ cao thì phản đối việc đó. Còn tỷ lệ cao mà bằng năng lực thực thì nên ủng hộ.
Theo ông, bằng hình thức nào để có kỳ thi nghiêm túc, phản ánh thực chất kết quả của HS, ngăn chặn được tiêu cực?
- Để chống tiêu cực, Bộ GD&ĐT cần công bố sớm văn bản hướng dẫn tới các Sở GD&ĐT, các nhà trường và cũng nên để HS, phụ huynh được tham gia dân chủ. Tôi rất ủng hộ phương án này của Bộ, trong quá trình làm sẽ khắc phục những nhược điểm, phải làm và trên thực tiễn mới rút ra kinh nghiệm, không thể chỉ ngồi mà cầu toàn được.
Nhằm tiến tới một kỳ thi nghiêm túc, phù hợp, giảm áp lực cho HS, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 4 phương án chọn buổi thi, ông ủng hộ phương án nào?- Theo tôi, nên chọn phương án 2 (2,5 ngày). Ngày 2/6: Buổi sáng thi Văn từ 8 giờ - 10 giờ; buổi chiều thi Sử từ 13 giờ 30 - 15 giờ, thi Lý từ 16 giờ 15 - 17 giờ 15. Ngày 3/6: Buổi sáng thi Toán từ 8 giờ - 10 giờ; buổi chiều thi Địa lý từ 13 giờ 30 - 15 giờ, thi Hóa học từ 16 giờ 15 - 17 giờ 15. Ngày 4/6: Buổi sáng thi Ngoại ngữ từ 8 giờ - 9 giờ, thi Sinh học từ 10 giờ 15 - 11 giờ 15. Hai ngày rưỡi là hợp lý, không nhất thiết phải đẩy lên 3 - 4 ngày.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/xa-hoi/giao-duc/2014/03/810230cf/lo-tai-dien-benh-thanh-tich/