Lộ trình chuyển đổi kép cho các doanh nghiệp Việt

Chuyển đổi số (CĐS ) và Chuyển đổi xanh (CĐX ) là hai thành tố liên quan mật thiết giúp DN hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng làm thế nào để đạt mục tiêu kép này đang là điều mà nhiều doanh nghiệp boăn khoăn.

Chuyển đổi số (CĐS ) và Chuyển đổi xanh (CĐX ) là hai thành tố liên quan mật thiết giúp DN hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024.

Các từ khóa “Chuyển đổi số”, “Chuyển đổi xanh” và “phát triển bền vững” liên tục được phương tiện thông tin liên tục nhắc đến, nhưng các DN phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào vẫn là câu hỏi bỏ ngõ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng đây là công việc của Nhà nước, chưa vội bỏ chi phí tham gia, bao giờ bị chế tài mới tính.

Chậm chân sẽ trả giá

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng khẳng định: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Liên minh châu Âu đề cao chiến lược “chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh, tất cả đã có lộ trình, chậm chân sẽ phải trả giá.

Trên diễn đàn “Chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững”, Trưởng ban vận động Net to Zero 2050 ứng phó với biến đổi khí hậu chuyên gia Phạm Hoài Trung cho rằng, Việt Nam cần phải chuyển đổi xanh trong tất cả lĩnh vực. Các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng, thương mại, công nghệ, vận tải, năng lượng…để hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo chuyên gia Phạm Hoài Trung, lộ trình chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững phải mất ít nhất 3 năm. Năm đầu, doanh nghiệp cần nắm được những khái niệm cơ bản về phát triển bền vững, từ đó đánh giá tổng quát đơn vị đã và chưa làm được gì sau đó lập nhật ký phát triển bền vững để ghi chép lại quá trình hoạt động.

Bắt đầu từ năm thứ hai, doanh nghiệp cần chọn ra những tiêu chuẩn “đinh” theo đuổi, ví như doanh nghiệp ngành đồ uống nên làm theo tiêu chuẩn quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thực hành kiểm kê khí nhà kính và lập báo cáo phát triển bền vững. Năm thứ ba, phân tích để xây dựng chiến lược phát triển bền vững tầm trung, dài hạn kết hợp. Ngoài ra, cần lập dự án giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu chân carbon cho sản phẩm, quá trình sản xuất.

"Việt Nam cần phải chuyển đổi xanh trong tất cả lĩnh vực" chuyên gia, Nhà sáng lập Công ty Azitech Phạm Hoài Trung khẳng định.

Ít đơn vị tư vấn có kinh nghiệm

Nói cách khác, để tối ưu thời gian, kinh phí và nhân sự, trong bối cảnh bị giới hạn tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường sống, muốn phát triển bền vững, các DN Việt Nam nên hướng tới mục tiêu kép, tiến hành đồng thời CĐS, CĐX và lấy CĐS để chuyển CĐX. Muốn thực hiện, theo đúng quy trình các DN cần thực hiện 4 bước theo mô hình PDCA: Plan (lập kế hoạch), Do (thực hiện), Check (kiểm tra), Act (cập nhật, điều chỉnh) thì trước hết người đứng đầu doanh nghiệp phải khai mở kiến thức cho chính mình và các cộng sự. Nếu chủ doanh nghiệp chưa hiểu hết được tầm quan trọng của CĐS, CĐX thì khó lòng đi tiếp các bước tiếp theo dù có được tư vấn, thậm chí “cầm tay, chỉ việc”.

Ngay trong lĩnh vực CĐX, không phải có tín chỉ carbon là DN bán được ra thị trường, họ cần phải có đơn vị có chức năng thẩm định và chứng nhận số lượng phát thải thấp hơn mức hạn ngạch được cấp. DN muốn mua tín chỉ carbon thì cũng phải được xác minh là phải mua bao nhiêu thì đủ. Hiện công việc này tại Việt Nam chỉ do BSI (Viện Tiêu chuẩn Anh) đảm nhận và tháng 4/2024 vừa qua, Vinamilk đã được BSI cấp chứng nhận quốc tế về trung hòa carbon (PAS 2060: 2014) cho Nhà máy Nước giải khát Việt Nam, trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính (3.410 tấn CO2) thông qua hoạt động sản xuất hiệu quả và duy trì quỹ trồng cây xanh lâu dài.

Chuyên gia CĐX, Thạc sĩ Phạm Hoài Trung chia sẻ: ngay từ đầu, bản chất của Net Zero là mang tính bền vững và lâu dài. Vậy nên các DN không cần chạy theo các trào lưu hay xu hướng hiện nay chỉ kéo dài trong vài tháng. Với tư cách là đơn vị tư vấn, tôi khuyên các doanh nghiệp cần đánh giá, xây dựng các chiến lược, kế hoạch PR một cách bài bản, dài hạn, chuyên nghiệp và phù hợp với tình hình thị trường. Hơn hết, sự cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu Net Zero cũng cần được chuyển tiếp thành hành động, thông qua việc công khai kế hoạch truyền thông và các bước thực hiện rõ ràng của doanh nghiệp.

Dù biết chuyển đổi xanh là vấn đề cấp bách song nhiều doanh nghiệp Việt vẫn mơ hồ, phần vì thiếu kinh phí triển khai do đang phải chịu nhiều áp lực xoay xở để tồn tại, phần thiếu đơn vị tư vấn về lĩnh vực này.

Khó nhất là tìm ra một cơ quan trong sạch làm nhiệm vụ kiểm định và đăng ký chứng chỉ carbon!

Chủ động chọn lối đi

Để đạt mục tiêu Net Zero các doanh nghiệp Việt có thể chọn 1 trong 2 giải pháp hoặc kết hợp cả hai: tự lập dự án giảm phát thải để trung hòa các bon hay mua tín chỉ carbon để bù đắp. Triển khai theo phương án nào thì đều phải tuân thủ ISO 14064, ISO 14067, ISO 14068, kinh nghiệm của Vinamilk, doanh nghiệp cần phải chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín mới đi nhanh được.

"Cấp chứng chỉ carbon không khó. Khó nhất là tìm ra một cơ quan trong sạch làm nhiệm vụ kiểm định và đăng ký chứng chỉ carbon!" chuyên gia năng lượng Đinh Nhất khẳng định.

Điển hình, đặt phát triển bền vững là mũi nhọn trong kế hoạch 5 năm (2022 – 2026), Vinamilk đã liên tục đầu tư, phát triển các thực hành xanh, bền vững từ trang trại đến nhà máy. Trong đó, hơn 10.000 lao động được đánh giá là sức mạnh chính để doanh nghiệp thực hiện những chuyển đổi xanh này.

Doanh nghiệp này đã có sáng kiến tạo raBiogas là loại năng lượng sạch với đầu vào là chất thải của đàn bò, qua các hệ thống xử lý hiện đại để cho ra phân bón, khí đốt và nước tưới. Cải tiến này không chỉ giúp đơn vị gia tăng năng suất, kiếm thêm vài trăm triệu mỗi năm mà còn tận dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng xanh, từ đó, hạn chế phát thải khí nhà kính.

“Đây là doanh nghiệp Việt Nam sớm triển khai mục tiêu kép, hình thành văn hóa chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại doanh nghiệp, thúc đẩy người lao động liên tục tư duy, sáng tạo để phát triển các sáng kiến đổi mới liên quan đến phát triển bền vững” Chuyên gia quản lý phát thải khí nhà kính Phạm Việt Anh khẳng định.

Đông Hùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lo-trinh-chuyen-doi-kep-cho-cac-doanh-nghiep-viet.html