Lo từ 'cuộc chiến'… giành nước

Do mức chênh cực lớn giữa 2 mùa mưa và khô, Biển Hồ có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho vùng hạ lưu sông Mê Kông. Nhờ Biển Hồ mà ĐBSCL hạn chế được lũ lụt trong mùa mưa và được cấp nước bổ sung vào mùa khô với khoảng 50% lượng nước tại hồ này.

Bài 3: Lo từ “cuộc chiến”… giành nước

Tuy nhiên gần đây, điều bất thường đã xảy ra. Thống kê chưa đầy đủ, mới tại Hạ lưu vực sông Mê Kông đã có 11.420 dự án lấy nước từ dòng Mê Kông đang hoạt động, phục vụ tưới cho khoảng 4 triệu ha đất nông nghiệp…

Đây chưa phải là con số cuối cùng. “Cuộc chiến” giành nước từ dòng Mê Kông giữa các quốc gia trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết trong một vài thập kỷ nữa. Đứng ở cuối nguồn, chỉ được 11% lượng nước từ dòng Mê Kông, Việt Nam thực sự lo trước “cuộc chiến” này...

11.420 và bao nhiêu nữa (?)

Hôm lội qua một con thác nhỏ ở phía Bắc Campuchia, chúng tôi được tiếp cận một tài liệu cho biết lưu vực sông Mê Kông rộng khoảng 795.000km2 với tổng dung lượng nước hàng năm vào khoảng 475 tỉ m3. Tuy nhiên, trong tổng lượng nước hằng năm này, Trung Quốc chiếm 16%, Myanmar 2%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 18% và Việt Nam 11%.

Đối với Biển Hồ, khoảng 75 tỷ m3 vào mùa mưa thì có 57% do nước từ sông Mê Kông cung cấp (trong đó 52% theo sông Tonle Sap - nhánh rẽ từ dòng Mê Kông và 5% do nước sông Mê Kông tràn bờ trên đoạn Kompong Cham – Phnôm Pênh), 30% nước từ các sông khác quanh Biển Hồ và phần còn lại là nước mưa trút trực tiếp xuống. Mùa cạn, nước sông Mê Kông chỉ chảy theo một chiều từ trên xuống, trong đó lượng nước từ Biển Hồ chiếm đáng kể dòng chảy sông Mê Kông vào ĐBSCL.

Trạm bơm nước tại Huai Luang, tỉnh Nong Khai, Đông Bắc Thái Lan lấy nước từ dòng Mê Kông vào tưới tiêu nông nghiệp.

Theo nghiên cứu, tính toán của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC) và của nhiều chuyên gia, các đập thủy điện ở Thượng Mê Kông, bên Trung Quốc sẽ tích trữ 46,3 tỷ m3, tương đương với 10% tổng lượng nước trung bình hàng năm chảy trong sông Mê Kông (MAR).

20 năm nữa, nếu tất cả các nhà máy dự tính được xây dựng thì thủy điện sẽ tích lũy hằng năm trung bình 72 tỷ m3 tương đương với 15% MAR. Khi đó, tổng lượng nước trung bình hằng năm chảy vào Biển Hồ sẽ giảm 12-13%.

Mực nước Biển Hồ khi đó sẽ hạ thấp trong mùa lũ khoảng 20-40 phân; diện tích sẽ giảm 4-5%; thời gian nước lớn ở đây sẽ ngắn đi 2-4 tuần. Nếu thực tế diễn ra theo kịch bản này, Biển Hồ sẽ dần mất hẳn vai trò điều tiết nước với sông Mê Kông, khiến cho tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn tại ĐBSCL trở nên cực kỳ gay gắt...

Trước chuyến ngược sông Tonle Sap đến Biển Hồ, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) cho biết, hiện các quốc gia vùng hạ lưu vực Mê Kông có khoảng 11.420 dự án tưới đang hoạt động, tưới cho khoảng 4 triệu ha.

Diện tích này được dự báo sẽ tăng đáng kể trong vòng hai thập kỷ tới gắn liền với kế hoạch mở rộng nông nghiệp và phát triển hệ thống tưới tiêu, thủy lợi của các quốc gia trong khu vực.

Trên đất nước Triệu Voi, các tài liệu mà PV Báo CAND vừa thu thập được cho thấy diện tích tưới chủ yếu là các dải đất hẹp nằm dọc các dòng nhánh và các cánh đồng ngập lũ cạnh dòng chính Mê Kông. Lào hiện có 2.333 công trình, diện tích tưới là 166.476ha; kịch bản mở rộng đến 2030 là 213.062ha, xây mới 238.617ha với 2.768 công trình.

Đang được thế giới biết đến là nước xuất khẩu gạo (75% trong tổng diện tích 3,7 triệu ha canh tác là trồng lúa), nhiều năm qua, việc tưới tại Campuchia vẫn chủ yếu nhờ trời nhưng gần đây, nước này đang hợp tác (chủ yếu với Trung Quốc) xây dựng hệ thống đầu mối và kênh mương, đa số thuộc lưu vực Mê Kông. Diện tích tưới hiện tại là 504.245ha, với 2.091 công trình nhưng đến 2030 sẽ thêm 772.499ha và xây mới cho 6.000ha, thêm 32 công trình.

Dự án tưới Vaico với tổng kinh phí khoảng 200 triệu USD đang được triển khai bởi nhà thầu Trung Quốc Guangzhou Wanan Construction Supervison Co Ltd mục đích lấy nước từ dòng Mê Kông chảy tràn qua bờ tả và qua sông Samdei (sông nhánh của Mê Kông) vào trữ tại hồ Krapik (khoảng 100 triệu m3), dẫn nước cho vùng trồng lúa ở phía hạ lưu thuộc các tỉnh Kampong Cham, Prey Veng và Svay Rieng, với diện tích gần 130.000 ha cả 2 mùa mưa và khô. Sau 5 năm, giai đoạn I của dự án đang sắp hoàn thành...

Ráo riết buộc nước rẽ lối (!)

Thái Lan đã triển khai kế hoạch “lấy nước” cấp quốc gia gắn với tầm nhìn đến năm 2040. So với các nước còn lại của hạ lưu vực Mê Kông, Thái Lan là nước hiện có nhiều công trình tưới nhất (6.388 công trình), diện tích tưới 1.422.807ha. Đến năm 2030, diện tích tưới của Thái có thể sẽ thêm 984.904ha, với 990 công trình, chủ yếu là chuyển/bơm nước từ sông Mê Kông.

Theo đó, vùng Đông Bắc (chiếm 1/3 diện tích quốc gia và gồm 19 tỉnh, thành phố; diện tích canh tác lúa chiếm 40% diện tích canh tác của cả nước) được Chính phủ nước này định hướng trở thành trung tâm sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, nhiên liệu sinh học và phát triển du lịch. Các hoạt động xây dựng mới và cải tạo hệ thống tưới tiêu, dẫn nước, chuyển nước tại đây được tiến hành trên quy mô lớn.

Theo Cục Thủy lợi Hoàng Gia Thái Lan (RID), mùa khô 2015-2016, có 548/978 huyện phải đối mặt với thiếu nước nên RID chỉ đạo xả nước từ các hồ chứa lớn kéo dài đến gần giữa năm 2016 và đẩy mạnh khai thác giếng khoan.

Trước tình hình này, Ủy ban Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan xem xét 15 dự án chuyển nước cả trong và ngoài lưu vực.

Hiện Thái Lan đã lên kế hoạch chuyển nước sông Mê Kông sang lưu vực sông Chao Phraya với nhiều phương án khác nhau. Ngoài ra, các dự án “Kong-Chi-Mun”, “Xanh hóa Isan”, “Mạng lưới nước”... đều hướng vào mục tiêu chuyển nước sông Mê Kông vào vùng Đông Bắc để phát triển nông nghiêp.

Bên cạnh một số dự án đang tạm dừng (do một số trở ngại, trong đó có việc người dân phản đối như chúng tôi đã kể), Thái Lan hiện chuyển sang nghiên cứu xây dựng các dự án lấy nước dòng nhánh Mê Kông, trữ tại các hồ. Như dự án Mê Kông-Huai Luang-Nong Han-Lam Pao, Thái Lan cho xây 30 hồ chứa.

Giai đoạn I đã hoàn thành với hồ Nong Han và hiện đang nhắm đến mục đích cuối cùng là đào sâu, mở rộng lòng hồ và tôn cao hệ thống đê bao quanh để đạt dung tích gần 109 triệu m3, lượng nước hằng năm vào ra là 2,8 tỷ m3. Trong 3 tháng mùa khô 2016, dự án đã bơm 40-47 triệu m3 sang sông Huai Luang; con số có thể sẽ lên 100 triệu m3 trong năm nay.

Trên đường quay về Phnôm Pênh, tôi còn được thông tin Thái Lan có thể sẽ bỏ ra trên 936.000 tỉ baht để theo đuổi, thực hiện kịch bản phát triển tưới tiêu vùng Đông Bắc đến năm 2040 ở cấp độ cao và khoảng 31.200 tỷ baht cho các kịch bản trung bình (gần bằng ngân sách hằng năm của RID), trong đó có tính đến việc xây dựng hệ thống cửa cống/đập để giữ không cho nước từ các sông Kong-Chi-Mun chảy ra sông Mê Kông.

Thái Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/lo-tu-cuoc-chien-gianh-nuoc-447291/