Loại bỏ tình trạng công - tư thiếu minh bạch

(HNM) - Cuối tuần qua, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư xã hội hóa y tế (XHH) tại các bệnh viện (BV) công lập. Nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai thực hiện công tác XHH y tế (2009-2013), không thể phủ nhận kết quả đã đạt được, quan trọng nhất là người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, nhân viên y tế được nâng cao tay nghề... Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra, công tác XHH tại các BV công trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập.

Chậm tiến độ

Theo báo cáo đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của HĐND TP Hà Nội và Đề án 100 của UBND thành phố giai đoạn 2009-2015, công tác XHH y tế ở các BV công lập đã đạt được một số kết quả bước đầu. Theo ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Y tế Hà Nội), đến nay, đã có 13/41 BV công lập và 6 Trung tâm Y tế xây dựng và thực hiện 48 đề án liên doanh, liên kết góp vốn để mua sắm trang thiết bị hoặc cho đối tác đầu tư lắp đặt trang thiết bị phục vụ hoạt động khám chữa bệnh với số tiền 236,61 tỷ đồng. Nguồn vốn XHH đã giúp các BV có trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, góp phần phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao như mổ tim hở, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật nội soi, điều trị ung thư…

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác XHH còn khá nhiều bất cập, không đạt yêu cầu về huy động vốn. Chỉ tiêu huy động vốn XHH thực hiện đề án hiện đại hóa trang thiết bị y tế giai đoạn 2009-2015 là 1.734 tỷ đồng nhưng đến tháng 6-2014 mới chỉ huy động được gần 156 tỷ đồng (9% so với chỉ tiêu). Mặt khác, nhiều đơn vị triển khai công tác XHH chậm, thiếu đồng bộ. Nguồn XHH chủ yếu "vào" các BV tuyến thành phố, hướng đến một số khâu như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, huyết học. Các chuyên khoa khác như chống nhiễm khuẩn, hồi sức cấp cứu... chưa thu hút được nguồn lực XHH. Điều đáng nói là hầu hết các BV tuyến huyện đều chưa thực hiện XHH. Một điều đáng nói nữa là chỉ một số BV hoạt động hiệu quả với mô hình XHH, trong đó có BV Tim, Phụ sản, Ung bướu Hà Nội.

Theo Sở Y tế Hà Nội, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2014-2015 là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành và đơn vị nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương XHH. Có thể huy động khoảng 220 tỷ đồng thông qua liên doanh, liên kết với các BV và khoảng 1.090 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng do thành phố bảo trợ và hỗ trợ một phần lãi suất.

Sẽ "tuýt còi" đơn vị vi phạm

Một vấn đề được thảo luận nhiều, đó là vấn đề "riêng" - "chung" trong XHH y tế. Thực tế cho thấy nhiều BV, dù đang trong tình trạng quá tải, phải cho bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn dành diện tích đáng kể tại các buồng bệnh (được đầu tư bằng ngân sách nhà nước) để kê giường điều trị dịch vụ theo yêu cầu. Điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải tại các BV, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh, các đối tượng chính sách và cả người bệnh chọn khám dịch vụ khi họ phải nằm xen kẽ trong phòng điều trị công lập dù đã chi trả một khoản theo yêu cầu. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, đây là điều không thể chấp nhận, bởi một khi quyền lợi riêng - chung không được giải quyết hài hòa, thiếu công khai, minh bạch thì tất yếu tạo ra sự mặc cảm, thái độ phản ứng từ phía người bệnh. Cách thức nói trên không tạo ra sự công bằng giữa người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế và người bệnh sử dụng dịch vụ. Khi cán bộ hưởng lương ngân sách sang làm dịch vụ, tất yếu nảy sinh tâm lý tận tâm với bệnh nhân điều trị dịch vụ hơn là với những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có bảo hiểm y tế. "Tới đây, công tác XHH cần phải tách bạch riêng - chung một cách rõ ràng, cả về nhân lực và cơ sở vật chất… Các đơn vị cần quy hoạch khu XHH riêng, nằm trong khuôn viên BV nhưng nhất định không "ở chung" với các khoa thuộc công lập", ông Nguyễn Khắc Hiền nói.

Vấn đề là trong bối cảnh hiện nay, việc đưa loại hình khám dịch vụ "ra ở riêng" liệu có thể thực hiện một cách dứt điểm? Theo Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang Nguyễn Thái Sơn, đưa hoạt động "riêng", "chung" tại các BV về đúng quỹ đạo, đúng quy định không phải là việc có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Để mỗi BV có thể hình thành khu vực riêng dành cho hoạt động điều trị theo yêu cầu, vấn đề khó khăn nhất hiện nay liên quan đến nguồn nhân lực. Khi người bệnh đến BV, điều quan tâm trước tiên của họ là làm sao chọn được bác sĩ giỏi để điều trị cho mình; những yếu tố khác, như phòng ốc, trang thiết bị y tế… chỉ là phụ. Thế nhưng, bác sĩ giỏi thường làm công lập, theo giờ quy định, mà đã làm việc trong khu vực công lập thì không được phụ trách khu vực XHH và ngược lại, điều này ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người bệnh. Tiếp đến là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho khu vực dịch vụ. Mức đầu tư là rất lớn, đặt ra bài toán thu hồi vốn. Thực tế cho thấy hiện nay, chỉ có một số chuyên khoa như tim, phụ sản… có nguồn thu bảo đảm; với các chuyên khoa khác, việc thu hồi vốn khá chậm. Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến công tác XHH nhằm mục tiêu đưa khu vực khám dịch vụ "ra riêng".

Việc không cho các phòng bệnh tự nguyện "ở chung" trong các khoa công lập thể hiện sự minh bạch trong công tác khám chữa bệnh, cần phải thực hiện. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nói: "Có thể, trước mắt, các BV sẽ gặp khó khăn trong triển khai nhưng Hà Nội cần quyết tâm thực hiện bằng được phần việc này. Sở Y tế sẽ yêu cầu các BV rà soát lại công tác XHH y tế, đơn vị nào còn tồn tại, sai sót phải kịp thời chấn chỉnh. Tới đây, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra và có hình thức xử lý đối với những đơn vị còn để xảy ra tình trạng công - tư không minh bạch".

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/710018/loai-bo-tinh-trang-cong---tu-thieu-minh-bach-