Loài cá bay duy nhất trên thế giơi

Đó là loài cá duy nhất trên thế giới biết bay, chúng có thể bay được quãng đường khủng khiếp lên tới 200m. Quả là một con số ấn tượng!

Loài cá duy nhất biết bay

Trên mặt biển Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khi mọi người đi tàu qua có lúc sẽ đột nhiên nhìn thấy một đàn cá ánh bạc phóng lên từ biển. Chúng có hàng trăm con tập trung lại có thể phóng lên không trung cách mặt nước vài mét rồi bay xa vài chục mét, thậm chí trên trăm mét.

Họ cá chuồn (Exocoetidae) là một họ cá biển thuộc Bộ Cá nhái, còn có một cái tên tiếng Anh thông dụng khác là Flying Fish (Cá bay), đây là họ một loài cá có thể bay lượn trên mặt nước nhờ sở hữu một bộ vây ngực lớn bất thường. Ngoài ra, cơ thể của họ cá chuồn có cấu tạo hình dáng khí động học, giúp nó có thể vọt lên khỏi mặt nước nhẹ nhàng để lấy đà bay lượn.

Thông thường, một chuyến bay của cá chuồn có khoảng cách trung bình khoảng 50 mét, ở một số loài được ghi nhận có thể duy trì ở khoảng cách lên đến 200 mét. Một số khác sở hữu bộ vây chậu to và dài cũng như vây ngực, giúp chúng bay xa hơn nữa, lên đến 400 mét. Loài cá chuồn này được gọi là cá bay bốn cánh.

Cá chuồn có một cơ thể rất rắn chắc, vây ngực rất dài, lại nằm sát vào 2 bên mình, vây đuôi ở dưới dài hơn ở trên, kết cấu này của vây giúp cá chuồn có đủ các điều kiện để bay.

Trước khi cá chuồn bay lên, đầu tiên là quẫy vây ngực, đuôi quạt mạnh sang 2 bên, nâng tốc độ bơi lên nhanh nhất. Sau đó dựa theo lực nâng do vây ngực tạo ra và lực đẩy về phía trước do vây đuôi tạo ra phóng lên khỏi mặt nước.

Khi cá chuồn vọt mạnh khỏi mặt nước, cặp vây trước to rộng của nó xòe ra như cách chim, tạo ra lực nâng nâng nó lên khỏi mặt nước và tạo đà bay xa một chút. Về thực chất thì cá chuồn không thể bay được, đó chỉ là lượn thôi.

Loài cá bay nhỏ nhắn này để lại hình ảnh zít-zắc đẹp mắt trước khi bay là đà lên trên mặt nước. Cá chuồn vẫy đuôi của chúng trong nước trước khi chúng bay lên tạo ra hình dạng đẹp mắt.

Trong các chuyến lượn trên không, đuôi cá chuồn vẫy liên tục 70 lần trong mỗi giây. Sau đó chúng xòe bộ vây ngực để tạo thành đôi cánh như những chiếc tàu lượn, khi muốn đáp xuống mặt nước, đôi vây ngực sẽ được gấp lại. Khi chạm mặt nước, nếu muốn duy trì tiếp cuộc hành trình, chúng dùng đuôi đập xuống nước, đẩy cơ thể phóng lên không trung một lần nữa. Nó có thể tăng thời gian lâu hơn trong không khí bằng cách bay thẳng vào hoặc ở một góc với hướng dương lên được tạo ra bởi sự kết hợp của các dòng không khí và dòng đại dương.

Nghịch lý sáng tạo của tiến hóa

Loài cá chuồn có thể lượn trong trên mặt nước được cho là xuất phát từ bản năng sinh tồn, giúp chúng trốn tránh kẻ thù với kỹ năng đặc biệt của mình. Chúng có thể thoát khỏi các loài cá thù địch như cá thu, cá ngừ, cá kiếm, cá cờ và các loài cá ăn thịt lớn khác. Thật không may, khả năng đặc biệt này không giúp chúng sống sót khỏi loài ăn thịt đông nhất sống trên bờ, đó là con người.

Cá chuồn luôn được xem là món ăn khoái khẩu ở các nước châu Á như Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc, ngay cả vùng biển Ca-ri-bê, nó cũng là món được yêu thích trong thực đơn của các nhà hàng. Trong ẩm thực Nhật Bản, cá chuồn được sử dụng để chế biến món sushi, và nó cũng là thành phần trong một món ăn kiêng của người Đài Loan. Ở Việt Nam, cá chuồn là món ăn đặc sản của vùng biển miền Trung , được chế biến dưới nhiều dạng như nướng, gỏi .. nổi tiếng nhất là bún cá chuồn hay trộn mít non của Quảng Nam.

Tại Barbados, nguồn cá chuồn bị suy giảm nghiêm trọng do đánh bắt và ô nhiễm. Điều này làm dấy lên một cuộc tranh cãi giữa ngư dân hai nước Barbados và Trinidad Tobago.

Hoàng Anh (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/loai-ca-bay-duy-nhat-tren-the-gioi-205637/