Loại cam 'tiến vua' hơn 60.000 đồng/quả cháy hàng dịp Tết

Được xem là đệ nhất cam, dùng để tiến vua, mỗi trái cam Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) năm nay được thương lái đến cắt tại vườn với giá từ 60.000-70.000 mỗi quả. Nhiều người muốn mua với số lượng lớn nhưng đều không được.

Khách Tây ngỡ ngàng vì một trái cam giá vài USD

Tới Xã Đoài (xã Nghi Diên) những ngày này, du khách sẽ dễ bị mê hoặc bởi mùi cam chín thơm thoảng thoảng, nhẹ nhàng và rất dễ chịu. Những vườn cam trĩu quả, vàng óng đang chuẩn bị thu hoạch phục vụ du khách trong cả nước dịp Tết nguyên đán năm nay.

Từ sáng sớm, ông Nguyễn Công Hưởng (xóm 9, xã Nghi Diên) đã ra vườn, tỉ mỉ kiểm tra từng quả cam trên cây để chuẩn bị giao hàng cho khách. Những chùm cam vàng mọng trong mảnh vườn 200 gốc của gia đình ông đã được khách hàng đặt mua từ hơn 2 tháng trước với giá 60.000 đồng/quả.

Theo ông Hưởng, năm nay rất thuận lợi cho cây cam trong quá trình ra hoa, kết quả. Giá cam năm nay cũng giảm 20.000/quả so với dịp Tết năm ngoái. Cam được mùa, nhưng hiện người dân ở xứ sở “cam tiến vua” này cũng không còn nhiều cam để bán.

Nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua cam với số lượng lớn và trả giá 70.000/quả nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì hầu hết cam đã được khách từ miền Bắc đặt hàng.

“Vườn cam của tôi năm nay cho gần 5000 quả nhưng hiện chỉ còn một ít để dành làm quà biếu cho người thân và bán lẻ tại vườn. Hầu hết cam ở trong vùng đều đã được khách quen gọi điện đặt hàng từ 2 tháng trước”, ông Hưởng cho biết.

Từng quả cam trên cây đều được chủ vườn cam kiểm tra kỹ lưỡng trước khi giao cho khách hàng

Nói về cái giá cao của loại cam này, ông Nguyễn Duy Hảo (64 tuổi, trú xóm 9, xã Nghi Diên) khẳng định vị ngọt và mùi thơm của cam Xã Đoài khiến mọi người nhớ mãi không quên sau một lần thưởng thức. Vỏ cam Xã Đoài có màu vàng sậm, trông rất tươi tắn, có quả hơi phơn phớt đỏ. Khi cắt ra, cam có màu vàng óng, nước chảy ra như những mật ong.

Để duy trì tuổi thọ và chất lượng quả, các hộ trồng cam Xã Đoài chủ yếu dùng phân hữu cơ bón cho cây. Dù thời tiết thay đổi thất thường, nhiều năm cam chín sớm, không đúng vào dịp Tết nhưng không một hộ trồng cam nào sử dụng thuốc kích thích để tăng hay hãm ngày kết trái.

“Năm nào tôi cũng đặt mua gần 50 quả cam Xã Đoài để gửi vào làm quà biếu cho các con ở trong TP.HCM. Đúng là đắt xắt ra miếng thật, mùi và vị cam Xã Đoài thì khó có một loại cam nào sánh nổi. Hơn nữa, lại tự tay xuống vườn cắt cam ngay trên cây nên tôi cũng yên tâm”, bà Trần Thị Nam (trú phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) cho biết.

Loại cam này thường được mua về để chưng lên bàn thờ tổ tiên hoặc làm quà biếu tặng chứ hiếm người mua về để ăn. Mặc dù mang lại giá trị kinh tế rất cao, giá mỗi quả cam có những thời điểm vượt ngưỡng 100.000 đồng vẫn cháy hàng nhưng diện tích trồng cam ngày càng nhỏ lại.

“Mấy năm trước, một đoàn du khách nước ngoài 7 người không tin nổi một trái cam của Việt Nam lại phải mua bằng tiền đô nên đã đến tận vườn để tận mắt thấy và thưởng thức. Họ chỉ khen được được rồi mỗi người đều mua hơn chục quả làm quà mang về nước”, ông Hảo nhớ lại.

Giống cam đặc sản trước nguy cơ mai một

Theo người dân địa phương, tương truyền, cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi, được các cố đạo người Pháp mang đến Xã Đoài vào khoảng đầu thế kỷ 19. Loại cam này sau đó nổi tiếng bởi độ thơm lẫn vị ngọt. Điều đặc biệt là chỉ phù hợp với thổ nhưỡng ở Xã Đoài, không ít người thử nghiệm đem giống đến trồng ở làng bên cạnh và các vùng khác đều thất bại. Cây vẫn xanh tốt, cho quả đẹp nhưng hương vị không thơm ngon. Chính vì thế mà người ta đặt cho loại cam này là “đệ nhất cam”, hay cam Xã Đoài.

Từ những thập kỷ 1960-1970, toàn xã hầu như nhà nào cũng trồng cam. Tuy nhiên, đến nay, diện tích cam ghép và cam thuần chủng chỉ còn trên 30 ha ở một vài hộ dân.

Cam Xã Đoài vàng óng có giá hơn 70.000/quả vẫn cháy hàng

Mỗi cây cam Xã Đoài tốt cho khoảng 100 quả, với giá bán giao động từ 50.000-80.000 đồng/quả sẽ đem về cho chủ vườn 5-8 triệu đồng. Mỗi sào đất (500 m2) trồng 50 gốc cam, mỗi năm có thể thu về trên 200-300 triệu đồng, cao gấp hàng trăm lần so với trồng lúa.

Ngoài loại “cam tiến vua” đặc sản, người dân nơi đây còn chọn lựa những quả cuối mùa ngâm thành đặc sản rượu cam đặc sản. Mỗi bình rượu như vậy được bán với giá khoảng 500.000 đồng.

Ông Hảo cho biết, mặc dù cam Xã Đoài là một giống cam đặc sản nổi tiếng có giá trị kinh tế cao, nhưng diện tích trồng cam đang bị thu hẹp dần do chất đất thay đổi và do thoái hóa giống, nguy cơ giống cam quý hiếm này bị mai một là rất lớn.

Ông Phạm Khắc Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, hiện nay, toàn xã có khoảng 40 hộ trồng với khoảng 10.000 gốc cam Xã Đoài trên diện tích khoảng 20ha. Cây cam cho thu hoạch gần 15 tỷ mỗi năm, là một trong những nguồn thu chính của người dân địa phương.

Hiện chính quyền xã Nghi Diên cũng đang có chủ trương “đưa cam ra đồng”, chuyển đổi 100ha đất hai lúa sang trồng cam để quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, đồng thời xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cam Xã Đoài.

“Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là phương án đề ra, vì vấn đề này gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư nâng cao ruộng, xây dựng hệ thống tưới tiêu, xây tường bao bảo vệ phải lớn, người dân khó đáp ứng được”, ông Chiến cho biết thêm.

Thiên Ân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/loai-cam-tien-vua-hon-60000-dong-qua-chay-hang-dip-tet-20170119143744698.htm