Loại vũ khí nào khiến Hải quân Mỹ mất tự tin?

Vũ khí thầm lặng này không chỉ hiệu quả trong việc gây ra những thiệt hại nặng nề mà còn reo rắc nỗi sợ hãi và bất ổn.

Thủy lôi bay của Mỹ

Theo trang The National Interest của Mỹ, mìn được coi là “ninja” trong các cuộc chiến tranh, bởi tính chất thầm lặng, chí mạng và có phần khủng khiếp của nó. Vũ khí thầm lặng này không chỉ hiệu quả trong việc gây ra những thiệt hại nặng nề mà còn reo rắc nỗi sợ hãi và bất ổn.

Mìn hải quân (thủy lôi) là vũ khí cực kỳ hiệu quả. Các quả mìn do không quân Mỹ thả xuống biển Nhật Bản hồi năm 1945 trong chiến dịch “Starvation” đã đánh chìm nhiều tàu hơn các tàu ngầm Mỹ thực hiện trong các tháng cuối cùng của Thế chiến II. Trong khi đó, các bẫy mìn dưới nước của ông Saddam Hussein đã đe dọa đến sự vượt trội của Hải quân Mỹ trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc”.

Sức tàn phá và hiệu quả của thủy lôi đã được chứng minh trong các cuộc chiến tranh

Tuy nhiên, khi máy bay ném bom B52-H thả thủy lôi Quickstrike vào ngày 23/9/2014, một điều khác biệt đã xảy ra: thay vì rơi xuống biển, thủy lôi đã trượt trên mặt nước thêm 40 hải lý (74 km) nữa, bởi đây là thủy lôi có cánh.

Đây là loại vũ khí kết hợp giữa thủy lôi Quickstrike và Đầu đạn Tấn công Trực tiếp Hỗn hợp (JDAM), đi kèm một ý tưởng thông minh đó là gắn thêm cánh và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vào các quả bom truyền thống, do đó biến chúng thành các bom được dẫn đường với giá thành thấp.

Thủy lôi Quickstrike được lắp thêm bộ cánh JDAM-ER, cho phép chúng trượt đi với khoảng cách khá dài. Vũ khí này, được gọi là GBU-62B(V-1)/B Quickstrike-ER, có tầm xa 40 hải lý (74 km) khi được phóng từ khoảng cách 35.000 feet (hơn 10 km).

Thủy lôi GBU-62B(V-1)/B Quickstrike-ER của Mỹ

Một Đại tá không quân Mỹ là Michael Pietrucha viết trên Tạp chí Không quân và Vũ trụ: “Nỗ lực này đánh dấu bước tiến đầu tiên trong công nghệ vận chuyển mìn trên không kể từ năm 1943 và cho thấy khả năng mà về căn bản có thể thay đổi tiềm năng của mìn trên không trong môi trường có đe dọa”.

Vấn đề đối với mìn không quân đó là nó rất nguy hiểm và cần sự khéo léo, đòi hỏi máy bay phải hạ xuống tầm thấp bất chấp tuyến phòng không của kẻ thù.

Điểm đáng chú ý của đầu đạn JDAM là sử dụng công nghệ tương đối cũ. Mìn Quickstrike- quả bom nặng 907 kg được định hình là một loại vũ khí dưới nước - có từ năm 1983 trong khi đầu đạn JDAM có giá khoảng 20.000 USD.

Ông Pietrucha vạch ra một số kịch bản mà ở đó các mìn “có cánh” của Mỹ có thể phát huy hiệu quả. "Trụ sở hạm đội Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Trạm Giang, Ninh Ba (Châu Sơn) và Thanh Đảo đều dễ bị cắt đứt nguồn viện trợ. Bến đậu của hạm đội tàu ngầm ở đảo Hải Nam có đường tiếp cận hạn chế và có thể bị cô lập. Một tàu bị đánh chìm trong kênh vận chuyển có thể cho thấy ‘hiệu quả’ của sức công phá này”.

Đầu đạn JDAM được đưa lên tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN 75) của Mỹ

Ông Pietrucha nói thêm rằng cảng Bandar Abbas của Iran cũng có thể là mục tiêu chính. Sau đó là các con sông trọng yếu như Dương Tử của Trung Quốc cũng như các khu vực nước cạn như eo biển Dardanelles, Vịnh Phần Lan và eo biển Hormuz.

Ông Pietrucha cũng đề xuất bước đi logic tiếp theo đó là thêm động cơ vào Quickstrike ER/JDAM và do đó tạo thành “tên lửa mìn” với tầm bắn hàng trăm dặm.

The National Interest thậm chí còn dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng loại thủy lôi này không có hạn chế nào. Thông thường, giá thành của mìn khá rẻ, khó bị phát hiện và rà soát, cũng như tạo ra sức tàn phá lớn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/loai-vu-khi-nao-khien-hai-quan-my-mat-tu-tin-3343157/