Loạn cò phòng khám tư

TP - Trước cổng Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (tại TP Biên Hòa, Đồng Nai), có khoảng chục cò chuyên chèo kéo bệnh nhân đến khám tại các phòng khám tư của bác sĩ đang mọc lên như nấm trước và bên cạnh bệnh viện.

Vừa dừng xe trước cổng Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, tôi liền bị một cò nhảy ra chặn lại. Không cần biết tôi đi đâu, làm gì, cò huyên thuyên: “Giờ này vào khám thì tới trưa mới đến lượt, rồi chiều mới có kết quả. Lại phòng mạch của bác sĩ khám cho lẹ, đến chỗ bác sĩ H. khám chuẩn và chi phí rẻ lắm”. Đến cổng khác của bệnh viện, tôi được một cò khác hướng dẫn: “Bệnh viện giờ này đông người khám lắm, bác sĩ khám không kỹ đâu, qua phòng mạch bác sĩ T. khám tốt lắm. Máy móc ở đó hiện đại, thuốc tốt”. Theo chỉ dẫn của cò, tôi đến phòng khám tư của bác sĩ H. nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc. Chín giờ sáng, phòng khám của bác sĩ H. vắng tênh. Một phụ nữ trực phòng khám mở cuốn sổ ghi chép tên tuổi và triệu chứng bệnh của tôi, rồi lấy điện thoại gọi: “Có bệnh nhân tên Th. ở Vĩnh Cửu, khám mất ngủ, bác sĩ về được không?”. Người phụ nữ giải thích là bác sĩ đang trực trong bệnh viện sẽ về liền, còn mình là nhân viên của phòng khám. Nói đoạn, người phụ nữ chỉ tôi ngồi lên chiếc ghế rồi trùm lên đầu tôi một chiếc mũ vải, kẹp hai tai tôi với hai sợi dây điện lằng nhằng nối vào một cái máy. Tôi đâm hoảng khi thấy nhân viên này lấy ra một ống chích to đâm kim qua chiếc mũ vải bơm lên đầu tôi thứ chất nhờn nhầy nhầy. Để tôi ngồi yên trên ghế, nhân viên này quay qua gõ lốc cốc vào bàn phím máy tính, bật máy in xè xè. Chị quay sang tháo món đồ trên đầu tôi rồi nói: “Đo điện não đồ xong rồi, ra ngoài đợi bác sĩ về đọc kết quả”. Cùng lúc bác sĩ H. vừa từ bệnh viện về, hỏi han tôi về triệu chứng bệnh. Sau khi xem kết quả đo điện não của tôi, bác sĩ H. phán rằng tôi bị chứng suy nhược, bệnh không nguy lắm nhưng cần uống thuốc điều trị. Thấy tôi phân vân, bác sĩ H. bồi thêm, “đàn ông các anh mà chịu đi khám bệnh là lúc có vấn đề rồi, thuốc tôi cho uống là thuốc đặc trị, anh mua ngoài cũng không có đâu”. Tôi hỏi: “Thuốc uống có nghiện không, em làm công nhân, tiền thuốc men chắc phải xem lại. Nếu mất nhiều tiền, có khi em vào bệnh viện xin khám bảo hiểm”. Bác sĩ H. nói: “Khám thần kinh không được thanh toán bảo hiểm đâu. Tôi điều trị cho anh mà để gây nghiện thì tôi bán xì ke à. Thôi về xin tiền vợ mua thuốc uống đi”. Tôi trả 50 nghìn đồng tiền khám rồi rút lui trong cái nhìn không mấy thiện cảm của vị bác sĩ và cô nhân viên phòng khám. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II cho biết: “Về trình độ chuyên môn, các bác sĩ phòng mạch tư đều có đủ để khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân đến các phòng mạch tư chỉ là những bệnh thông thường. Việc điều trị một số căn bệnh có liên quan đến hệ thần kinh cần có phác đồ điều trị tổng hợp mới giải quyết được tận gốc, mà ở các phòng mạch tư thì không thể làm được điều này. Bên cạnh đó, ở các phòng mạch tư giá các loại thuốc chênh lệch rất cao so với trong bệnh viện”. Trao đổi về nạn cò chèo kéo bệnh nhân về phòng khám tư, bác sĩ Thọ nói: “Tôi cũng có nghe dư luận về vấn đề này. Để chấn chỉnh, trong các cuộc họp cơ quan tôi nhắc nhở chung về vấn đề y đức trong khám chữa bệnh, mở phòng mạch để làm thêm ngoài giờ thì quy định không cấm, nhưng anh em đừng nhờ cò dẫn khách. Tôi đã cho đặt các bảng hướng dẫn trước cổng bệnh viện để bệnh nhân biết vào bệnh viện khám chữa bệnh”. Khi đặt vấn đề “Liệu có sự bắt tay giữa cò với các phòng khám tư hay không?”, bác sĩ Thọ khẳng định: “Phải có sự liên kết nhất định, cò đưa khách tới thì sẽ có người trả tiền”. Về chuyện bác sĩ trong giờ làm việc tại bệnh viện lại bỏ về khám ở phòng mạch, bác sĩ Thọ cho rằng: Nguyên tắc trong giờ làm việc tại bệnh viện bác sĩ không được về làm việc riêng.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=191651&channelid=15